Vào những năm 1920 ở Nhật Bản, dịch vụ khách sạn tình yêu đã ra đời với các tên gọi như "enshuku" hay "nhà nghỉ 1 yen" và trở thành hình ảnh quen thuộc ở các khu phố hoạt động về đêm, gần các ga xe lửa hoặc ngã ba những con đường lớn.
Khách sạn lưu trú ngắn hạn từng có hình thức rất đơn giản giai đoạn sau Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, khi phép màu kinh tế xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1960, dịch vụ này đã lột xác hoàn toàn, sau đó có dấu hiệu giảm dần vào thập niên 90.
Cho đến nay, các khách sản tình yêu đã phát triển với nhiều dịch vụ tiện nghi và đa dạng nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn. Nhiều chủ kinh doanh đã cho ra mắt những phòng nghỉ cao cấp, nơi có đầy đủ các tiện nghi của một khách sạn cao cấp thông thường nhưng chỉ cho thuê trong vài giờ.
Đáp ứng mọi nhu cầu
Ngày nay, gần như mong muốn nào của khách hàng cũng sẽ được khách sạn tình yêu đáp ứng. Nhiều nơi đã thiết kế phòng nghỉ kết hợp với các nhân vật được yêu thích như "Hello Kitty", các nhân vật truyện tranh... hay thậm chí là một chiếc giường dưới hình ảnh một sàn đấu đấm bốc.
Một khách sạn được thiết kế theo phong cách bệnh viện, ở đây cũng cho thuê những bộ đồ cosplay nhân vật y tá. Ảnh: hotel-us.jp. |
Một khách sạn tình yêu ở Osaka đã trở nên nổi tiếng nhờ có cả đu quay và thú nhún trong phòng. Một khách sạn khác lại có trần nhà mở, cho phép các cặp đôi có thể ngắm sao ngay trên giường của mình. Ngoài ra, cũng có những nơi trang bị nhiều thiết bị, dụng cụ cho khách hàng có khẩu vị "nặng" hơn.
Độc đáo là vậy nhưng vẫn có một điểm chung cho tất cả khách sạn tình yêu ở đây, ở khu vực sảnh lễ tân đều trưng bày hình ảnh bên trong phòng nghỉ, giúp các cặp đôi có thể dễ dàng lựa chọn theo ý thích.
Đa số phòng nghỉ đều có nhà tắm, vòi hoa sen, giường đôi lớn, máy karaoke, tivi, máy bán đồ ăn nhẹ, đồ uống và đồ chơi tình dục. Ngoài ra, máy chơi game, máy tính và đồ ăn ngon cũng có thể được phục vụ tại một số cơ sở.
Nguy cơ biến mất
Trong thời kỳ Edo 1603-1868, những cô gái làng chơi thường thuê phòng nghỉ để giải trí cùng khách hàng ở những khu đèn đỏ. Tuy nhiên, các cặp đôi trở nên quen thuộc với khái niệm khách sạn tình yêu hơn từ những năm 1920. Nguyên nhân phần nhiều là việc thiếu không gian và sự riêng tư trong những ngôi nhà Nhật Bản thời kỳ đó, nơi nhiều thế hệ của gia đình cùng sống chung dưới một mái nhà.
Tỷ lệ sinh giảm không ngừng, sự già hóa dân số ngày càng tăng, thu nhập trì trệ và tiêu chuẩn về nhà ở được cải thiện rõ rệt ở xã hội Nhật Bản hiện đại đang đẩy dịch vụ khách sạn độc đáo này vào tình cảnh khó khăn.
Vẫn còn một số các khách sạn tình yêu được thiết kế với giao diện truyền thống Nhật Bản. Ảnh: Renaissa.net. |
Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông và truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết: "Khi dân số đang già đi và ngày càng ít người trẻ có tiền để chi tiêu cho một khách sạn tình yêu chỉ trong vài giờ, về lâu dài những nơi này sẽ trở nên hiếm hơn và thậm chí sẽ biến mất."
Theo tờ DW, đến nay có khoảng 25.000 khách sạn tình yêu trên khắp Nhật Bản với 500 triệu lượt lưu trú mỗi năm. Con số đó có nghĩa mỗi ngày có 1,4 triệu cặp đôi, tương đương 2% dân số đất nước, đến một khách sạn tình yêu.
Bị thay thế bởi các dịch vụ đứng đắn hơn
Trước kia, các khách sạn thường tập trung xung quanh các con phố hoạt động về đêm. Tuy nhiên, tên gọi "khách sạn tình yêu" chỉ thật sự ra đời vào cuối những năm 1960 khi hoạt động kinh doanh này trở nên chuyên nghiệp và cao cấp hơn. Nhiều nơi bắt đầu trang trí bên ngoài bằng những biển báo neon sáng rực nhằm thu hút khách hàng.
Khi các dịch vụ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, nhiều chủ khách sạn đã lắp đặt thêm một số tiện ích bổ sung như giường xoay tự động, đệm nước hay bể sục.
Trước sự thay đổi của xã hội Nhật Bản hiện đại, các khách sạn tình yêu đang dần phải thay đổi, nâng cấp dịch vụ của mình để giữ chân khách hàng. Ảnh: Love in Japan. |
"Giống như mọi hoạt động kinh doanh trong ngành dịch vụ, chủ khách sạn phải tiếp tục cải tiến và nâng cấp cơ sở vật chất nếu muốn khách hàng quay lại", ông Wantanbe nói.
"Và điều đó đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các khách sạn đứng đắn hơn ở những địa điểm được ưa chuộng hơn như bên hồ, bờ sông hay có tầm nhìn ra núi. Đây là một thách thức lớn đối với các khách sạn tình yêu truyền thống."
Chị Kyoko, một người nội trợ ở Yokohama chia sẻ: "Đôi khi tôi thích đến khách sạn tình yêu với chồng chỉ vì ở đó chúng tôi có thể tận hưởng và thư giãn, dành thời gian cho chính mình trong một không gian mới mẻ hơn."
Người phụ nữ này cũng cho biết hai vợ chồng đều phải làm việc cả ngày, đến tối lại phải chăm sóc con cái. "Thật tuyệt vời khi có thể để lũ trẻ ở nhà với ông bà và hai vợ chồng có thể dành thời gian cho nhau, giống như chúng tôi đã làm trước đây khi nhịp sống chưa trở nên quá bận rộn".
Thế hệ khách hàng mới
Trong quá trình cố gắng có thêm khách hàng, các khách sạn tình yêu cũng thu hút được một lượng lớn du khách nước ngoài đến thăm Nhật Bản, đặc biệt là ở những khu vực nổi tiếng, nơi khách sạn thông thường luôn trong tình trạng thiếu phòng.
Theo tạp chí Friday, khi những vị khách đến từ Trung Quốc đang tập trung ngày một nhiều ở các khu phố đông đúc với có số lượng lớn khách sạn tình yêu, các chủ kinh doanh đang phải điều chỉnh dịch vụ của mình để phù hợp với nhóm khách hàng này.
Ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, đến các khu phố giải trí có nhiều dịch vụ khách sạn tình yêu. Ảnh: Family Fed. |
Nhiều khách hàng trong số này là gia đình có trẻ nhỏ, chính vì vậy các chủ kinh doanh phải đáp ứng bằng cách lắp thêm giường đôi cũng như loại bỏ các thiết bị không phù hợp.
Một số khách sạn thậm chí đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên nói tiếng Trung Quốc và áp dụng các chương trình giảm giá để thu hút khách du lịch nhiều hơn.
Với các phòng có giá khởi điểm thấp nhất là 3.500 yen một đêm (31 USD), dịch vụ này là một sự thay thế hấp dẫn so với các khách sạn thông thường có giá trung bình hiện tại là 17.500 yen một đêm (150 USD).
Tuy nhiên, với tình trạng người địa phương đang không còn mặn mà với dịch vụ lưu trú này, nhiều nhà phân tích cho rằng các khách sạn tình yêu có thể chuyển sang phục vụ của khách du lịch hơn là các cặp đôi Nhật Bản.