Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du lịch thiệt hại 7 tỷ USD vì dịch Covid-19

Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí... và làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch.

Chủ trì cuộc họp báo chiều 3/3 là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ.

Dự họp báo còn có Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ…

hop bao Chinh phu thuong ky thang 2 anh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, các thành viên Chính phủ đã họp bàn đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như những giải pháp để đạt mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 2 anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hải Quân.

Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19, song người đứng đầu Chính phủ lưu ý tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước.

Ở Việt Nam, dịch Covid-19 tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.

“Có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng nêu thực tế nhưng cũng cho rằng không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Nhiều chuyên gia nhận định dịch Covid-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, bởi tác động của nó là nhiều chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; Khách quốc tế tăng 4,8% - mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) - mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ.

Dịch Covid-19 khiến du lịch mất 7 tỷ USD

Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ của cả hệ thống trong công tác phòng, chống dịch. Những ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, số người lây nhiễm tăng chóng mặt, có khi ngày hôm sau tăng gấp đôi ngày hôm trước.

“Dịch lan ra nhiều nước, trong đó có những nước là địa bàn thị trường truyền thống và là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch…

“Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Nói về việc phòng chống dịch Covid-19, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh phải kiên quyết áp dụng cách ly tập trung, không để lây lan dịch từ bên ngoài vào.

“Nếu để một ca nhiễm bệnh vào Việt Nam và để xảy ra lây chéo thì sẽ rất khó kiểm soát”, ông Dũng nói.

Ông nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để rơi vào bị động. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các đối tượng bị dịch bệnh; tập trung tái cơ cấu sản xuất; đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong tình hình dịch bệnh, tránh thanh toán trực tiếp mà đẩy mạnh thanh toán trực tuyến.

Zing.vn đặt một số câu hỏi tại họp báo:

1. Với Bộ Công an: Một số thông tin trong vụ án liên quan Tuấn Khỉ. Đến nay, cơ quan điều tra đã làm rõ vai trò của 10 người liên quan bị khởi tố trong vụ án này ra sao? Trước đó, khi vây bắt Tuấn Khỉ, Bộ Công an dựa vào manh mối nào để phát hiện chỗ ẩn nấp của Tuấn? Và sau vụ việc, theo Bộ Công an, cần rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc quản lỹ vũ khí quân dụng ở địa phương?

2. Với Bộ Tài chính: Quy định về mức giảm trừ gia cảnh mới vẫn lỗi thời, chưa khoa học, chưa theo kịp mức tăng thu nhập của người dân. Ngoài việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho sát thực tế, Bộ Tài chính có tính đến việc sửa các bất cập khác của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong việc thu thuế các ca sĩ, người mẫu, cá nhân nổi tiếng, người kinh doanh qua mạng, các cá nhân trên YouTube, Facebook…

3. Với Bộ Kế hoạch và đầu tư: Vừa qua xảy ra việc một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD. Rà soát lại quy định thì thấy một cá nhân nào cũng có thể khai báo mức vốn điều lệ bất kỳ, sau đó nếu không góp đủ chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là kẽ hở của hệ thống đăng ký doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ KHĐT về vụ việc này như thế nào? Có cần thiết phải sửa quy định để tránh các hệ lụy có thể xảy ra hay không?

"Mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh phù hợp biến động giá cả"

Trả lời về cơ sở đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết việc thay đổi mức giảm từ gia cảnh là căn cứ theo Khoản 4, điều 1, Luật số 26/2012. Bộ Tài chính đã theo dõi chỉ số giá CPI biến động và tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới.

“Mức điều chỉnh phù hợp biến động giá cả”, bà Mai nói. Với câu hỏi mức giảm trừ mới này có lỗi thời, “vô cảm”, không bồi dưỡng nguồn thu, Thứ trưởng Bộ Tài chính không đề cập.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 2 anh 3

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Ảnh: Hải Quân.

Nói về việc quản lý thuế của các đối tượng như người nổi tiếng, ca sĩ, người kinh doanh qua mạng, cá nhân nổi tiếng trên YouTube, Facebook, bà Mai cho biết Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 và có đầy đủ công cụ, quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành để quản lý thuế các đối tượng này.

“Trước hết cần nâng cao trách nhiệm kê khai đầy đủ, trung thực của các đối tượng. Cần tuyên truyền việc thực hiện đúng quy định, song song với việc thanh tra, kiểm tra”, bà Mai phát biểu.

Bài học cách ly ở Sơn Lôi giúp không phát sinh ca dịch bệnh Covid-19 mới

Trả lời câu hỏi về giải pháp ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh đã có thành công bước đầu và đã có nhiều bài học. Hiện, dịch bệnh đã lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đều có các kịch bản.

Ví dụ khi dịch lan ra ở Hàn Quốc, ta áp dụng biện pháp phù hợp như yêu cầu tất cả hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát. Sau đó ta làm việc với Hàn Quốc về việc miễn thị thực. Tiếp đó, ta tiến hành cách ly tất cả hành khách đi qua, đến từ vùng dịch. Chúng ta cũng chỉ định 3 sân bay đón khách về từ vùng dịch như sân bay Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ, dừng đón khách Hàn Quốc ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trước đây có khoảng 70 chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam nhưng nay còn rất ít.

Về hiệu quả việc cách ly, ông Long nhấn mạnh trong phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như phòng, chống dịch Covid-19 thì cách ly là cực kỳ quan trọng, giúp không lan rộng dịch ở Việt Nam. Bài học cách ly ở Sơn Lôi - Vĩnh Phúc giúp không phát sinh ca bệnh mới. “Chúng ta đã thực hiện rất hiệu quả”, ông Long nhận định.

Về khả năng cách ly, hệ thống quân đội có trên 60 điểm với khoảng hơn 30.000 chỗ cách ly. Hiện chúng ta điều phối cách ly ở các địa phương và đã có hơn 10.000 người đang được cách ly, vẫn có thể cách ly được thêm lượng người nữa...

3 lý do Tuấn "Khỉ" lẩn trốn được sau khi gây án

Trả lời câu hỏi của Zing.vn, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết ngay sau khi Lê Quốc Tuấn (Tuấn "Khỉ") gây án, Bộ Công an và Công an TP.HCM xác định Tuấn là tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì đối tượng này có súng AK và còn số đạn khá lớn. Ngoài ra còn có thể có các loại vũ khí khác. Hơn nữa, Tuấn rất thông thạo địa bàn, mối quan hệ rộng và đặc biệt liều lĩnh. Đây cũng là đối tượng có kiến thức đối phó với lực lượng công an. Từ những nhận định đó, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt quyết tâm truy bắt.

"Trước khi gây án, Tuấn là cán bộ công an nhưng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không chấp hành ý thức kỷ luật, Tuấn sa vào cờ bạc dẫn đến vụ việc. Sau vụ việc này, Bộ Công an chỉ đạo Công an TP.HCM yêu cầu lãnh đạo Công an quận 11 kiểm điểm quản lý cán bộ chiến sĩ và quản lý vũ khí, yêu cầu lãnh đạo Công an Củ Chi kiểm điểm việc quản lý địa bàn, để xảy ra ổ cờ bạc hoạt động trên địa bàn", ông Xô nói.

"Quy mô vốn của doanh nghiệp 6,3 tỷ USD là bất thường"

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng là đúng quy định nên không có lý do gì để cơ quan chức năng không cấp phép. Tuy nhiên, ông đánh giá quy mô vốn này là bất thường. Cơ quan đăng ký kinh doanh đã vừa một mặt tôn trọng đơn vị đăng ký, vừa phối hợp cơ quan liên quan để giám sát, theo dõi việc nộp đủ tiền đã cam kết trong 90 ngày.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 2 anh 4

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: Hải Quân.

“Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát doanh nghiệp. Nếu có việc sửa đổi hồ sơ hay đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý theo pháp luật”, ông Phương nói.

Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng cho biết vụ việc là bài học quý giá để quản lý đăng ký kinh doanh theo cơ chế hậu kiểm, song song là nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp.

"Chúng tôi phải bảo toàn vốn Nhà nước"

Trước câu hỏi của báo chí về việc nhiều doanh nghiệp xin chuyển từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về lại bộ chủ quản cũ, đại diện Ủy ban đã có phản hồi.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban, cho biết trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng. Thậm chí, có dự án triển khai dở dang 10 năm, 20 năm. Việc chuyển giao hồ sơ về Ủy ban, cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án chưa đầy đủ. Bà Hà nhấn mạnh với mỗi dự án, cơ quan này yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành.

“Chúng tôi chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả thì phải yêu cầu làm rõ. Có những doanh nghiệp, tập đoàn chưa quen cách triển khai của Ủy ban, nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả chúng tôi yêu cầu phải báo cáo”, bà Hà chia sẻ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Phải gỡ bỏ rừng thủ tục cho doanh nghiệp' Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ có cả rừng thủ tục đã tích lũy qua nhiều năm mà chính phủ cần xem xét, tháo gỡ từng bước cho doanh nghiệp.

Tạm dừng miễn thị thực cho người Hàn Quốc từ 29/2

Để ngăn chặn dịch Covid-19 vào Việt Nam, Chính phủ đã quyết định tạm dừng áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc từ 0h ngày 29/2.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm