Đảo Santorini là một địa điểm du lịch hấp dẫn khi tới châu Âu. Ảnh: T.Z. |
Chúng ta đã phải gói ghém niềm vui của mình lại sao cho vừa... 14 ngày phép mỗi năm, và cố nhét chúng vào khe hở của những cuối tuần. Chúng ta đang xếp niềm vui của mình sau công việc. Tôi muốn sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong cuộc đời mình, như Timothy Ferriss, tác giả quyển sách nổi tiếng Tuần làm việc 4 giờ đã nói, “Tôi sẽ sắp xếp lại công việc xoay quanh cuộc sống của mình, thay vì sắp xếp cuộc sống của mình xoay quanh công việc”.
Thử nhớ lại xem bạn thường sắp xếp những chuyến đi của mình như thế nào?
Tôi cá là có nhiều chuyến tầm 3-4 ngày (nếu đi các nước Đông Nam Á), hoặc 4-5 ngày (nếu đi các nước châu Á xa hơn một chút), đi châu Âu thì mười ngày hoặc hai tuần, trong đó đã cân nhắc rất kỹ để có thể tận dụng hai ngày cuối tuần. Và chúng ta không thôi ghen tỵ với các bạn Tây mỗi lần có thể xách ba lô lên đi một hai tháng, thậm chí cả năm trời.
Ngoài chuyện công việc với nhiều ràng buộc, hẳn câu hỏi “tiền đâu mà đi dài” cũng là lý do khiến chúng ta chẳng dám đi lâu, đặc biệt là với những nơi đắt đỏ như châu Âu.
Tôi từng nghĩ tất cả là do họ lắm tiền, hoặc chí ít là do đồng tiền họ có giá hơn mình. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Đa số những bạn bè phương Tây mà tôi biết có thể đi du lịch dài ngày thường chi tiêu rất dè sẻn, từ việc ăn việc ở cho đến cái sim điện thoại và hàng tá thứ linh tinh khác. Không chỉ ăn tại hostel, tôi còn thấy họ chuẩn bị rất chu đáo mỗi khi đi ra ngoài.
Các cô gái siêng thì trộn salad hoặc nấu vài món đem theo. Các chàng trai thì đơn giản là mua về một ổ sandwich to cùng với một vỉ thịt nguội trong siêu thị giá cực rẻ, chừng 2 euro, rồi tự mình kẹp mấy lát sandwich đem theo là đã đủ cho một ngày no nê.
Cuốn du ký Châu Âu cứ mơ mộng và lên đường của tác giả Cúc T. Ảnh: V.P. |
Họ cũng ít khi mua sim điện thoại nếu không cần thiết, cả ngày đi bên ngoài, đến chỗ nào cũng hỏi wifi, không có thì tối về khách sạn mới nhắn tin cho bạn bè, người thân ở nhà. Có lần, anh bạn của tôi chụp ảnh màn hình đặt phòng cho tôi xem, khi đến Việt Nam, anh đã ở dorm (phòng ngủ tập thể, nhiều giường), và giá mỗi giường một đêm chỉ có 89 nghìn đồng!
Chuyện ăn ở trong những chuyến đi dài đã làm con nhỏ là tôi có cách nhìn khác về hostel. Vốn quen với những chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày ở các resort, khách sạn với phòng riêng, tôi cứ ngỡ hostel là chỗ chỉ dành cho “Tây ba lô ít tiền”, và tưởng tượng ra trong đầu là hình ảnh những chiếc giường ọp ẹp, áo quần ẩm ướt treo khắp nơi. Và duyên nợ đã khiến tôi ở hostel lần đầu tiên một cách bất đắc dĩ.
Đó là lần đầu tiên xin visa châu Âu, bạn bè bảo cứ đặt đại một cái hostel nào đó giá rẻ và cho hủy phòng miễn phí, có visa rồi thì hủy, đặt lại sau. Rồi tôi cũng làm theo, nhưng bỗng dưng tại nơi tôi đã đặt phòng, Safestay Passeig de Gràcia ở Barcelona, lại có quy định là không cho phép hủy sau ngày tôi có visa.
Tiếc tiền, nên tôi đành miễn cưỡng ở lại. Và sau lần miễn cưỡng đó, tôi nhận ra bao nhiêu thứ cool ngầu ở hostel. Tôi ở ngay giữa trung tâm Barcelona (chưa kể nó chỉ cách Casa Batlló - một kiệt tác trứ danh của Gaudi chỉ mấy bước chân), nơi này dành ra hẳn một tầng cực rộng để làm bếp, bàn ăn, bàn billiards, máy bán nước, bia giá rẻ...
Ở đó, tôi và cô bạn đã xào xào nấu nấu cho ra một đĩa spaghetti thịt bò cực kỳ chất lượng từ nguyên liệu mua ở chợ La Boqueria (nằm ngay đại lộ đông đúc La Rambla) đem về.
Sau những ngày ở nhà thuê Airbnb không cho phép nấu nướng như ở Venice (không đến nỗi không được nấu nướng, nhưng mỗi lần muốn sử dụng bếp thì phải kêu chủ nhà xuống canh, và lại còn không có lò vi sóng) hay một căn phòng không có cả máy đun nước nóng như ở Rome, thì chúng tôi mừng rỡ khi tìm được một chỗ cho mình nấu, theo khẩu vị mình ưa thích.
À, tất nhiên là tôi còn mừng vì đã trải qua nhiều bữa ăn ở nhà hàng, nơi một món chính, một phần nước tốn của con nhỏ hết 20 euro. Chuyến đi đến những thành phố khác, trải qua nhiều hostel, tôi còn thêm nhiều lần bất ngờ hơn nữa. Đó là Muffin Hostel ở Salzburg, ngoài bếp, họ có hẳn một khu vườn xanh mát và rộng rãi không thua gì resort.
Bếp thì trang bị đủ cả lò nướng cho tới máy làm hotdog. Hostel ở Zurich thì chăn ấm nệm êm, đặc biệt chăn gối rất dày và thơm. Họ còn đặt cả một bồn rửa mặt và gương rất to ngay trong phòng nữ, có lẽ vì biết các cô gái chúng tôi sẽ cần tẩy trang và thoa thoa dặm dặm dưỡng da mỗi tối.
Dẫu vậy, nói gì thì nói, có một căn phòng riêng, tự do thoải mái không ai dòm ngó, muốn làm gì làm sau một ngày khám phá thấm mệt cũng đáng mong lắm chứ. Nhưng nếu ít tiền, muốn có một chuyến đi dài, có lẽ chúng ta cần “hy sinh” một chút những tiện nghi của kiểu du lịch nghỉ dưỡng.
[...]