Du khách Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều ở TP Nha Trang, Khánh Hòa. |
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Khánh Hòa, trong năm 2015, lượng khách Trung Quốc đến tỉnh này đạt khoảng 180.000 lượt, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2014 (khoảng 33.000 lượt).
Nhiều chỉ sau khách Nga
Khách Trung Quốc đến TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ vị trí thứ 5 vào cuối năm 2014 nay đã vọt lên thứ 2, chỉ sau khách Nga. Hiện mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay đưa khách Trung Quốc đến Khánh Hòa.
Theo bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Khánh Hòa, TP Nha Trang thu hút khách Trung Quốc là do có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu ấm áp, thuận lợi. Mặt khác, Cảng Hàng không Cam Ranh đón đường bay thẳng từ Trung Quốc đến Khánh Hòa là một lợi thế không nhỏ.
Ông Luyện Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho rằng cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch, trung tâm còn tổ chức giới thiệu Nha Trang vào thị trường tiềm năng này.
"Các tour đưa khách chủ yếu từ Trung Quốc nằm sâu trong lục địa nên họ rất thích không khí biển, thưởng thức hải sản, vui chơi ở các điểm giải trí. Mùa đông ở Trung Quốc rất lạnh mà Nha Trang hầu như nắng ấm quanh năm nên rất phù hợp", ông Cường lý giải.
Theo ông Cường, hiện nay, một khách Trung Quốc trung bình lưu trú 4-5 ngày, thường ở khách sạn 3 sao trở lên. Chi tiêu của khách Trung Quốc chủ yếu cho dịch vụ ăn uống, đi lặn, mua sắm sản phẩm từ biển, mỹ nghệ từ trầm hương... nên cũng đóng góp không nhỏ trong nguồn thu của ngành du lịch.
"Thả rông" du khách
Một lãnh đạo một cơ quan nhà nước ở Nha Trang, kể lại câu chuyện một vị khách Trung Quốc đi thẳng vào cơ quan ông. “Tưởng người này muốn trình báo công an việc gì đó nên tôi chỉ đường. Ai ngờ, mãi sau tôi mới biết vị khách này xin… đi vệ sinh. Quả thực, việc khách TQ tăng vọt khiến Khánh Hòa trở tay không kịp. Những dịch vụ đi kèm cũng như hướng dẫn cần thiết cho du khách của các tour vẫn chưa đáp ứng nhu cầu”, vụ này nhận xét.
Một nhân viên lễ tân khách sạn ở Nha Trang cho biết khách Trung Quốc sử dụng đồ đạc trong khách sạn rất mau hư hỏng. Nhiều lần nhân viên khách sạn còn bắt gặp họ đưa chân lên bồn rửa mặt để rửa giày dép. Bên cạnh đó, nhiều người dân ở TP Nha Trang phản ánh về tình trạng đổi “tiền chui” cho người Trung Quốc ngay tại sân bay Cam Ranh, tại nhà hàng, khách sạn. Tại kỳ họp vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã chất vấn Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa về những phản ánh của người dân cũng như tình trạng trưng biển hiệu tiếng Trung sai quy định của các cơ sở kinh doanh gây bức xúc dư luận.
Ông Luyện Mạnh Cường thừa nhận về sự lúng túng trước việc du khách Trung Quốc đổ xô đến Nha Trang. “Việc khách Trung Quốc có nhu cầu gì, chi tiêu như thế nào, mua sắm ra sao, chúng tôi chưa nắm được. Sắp tới, ngành du lịch sẽ có đề tài khoa học, khảo sát, tìm hiểu cụ thể nhu cầu của họ…” - ông Cường nhấn mạnh.
Ngăn ngừa nhập cảnh trái phép
Theo khảo sát, hiện có 19 doanh nghiệp (DN) lữ hành đón và phục vụ khách Trung Quốc đến Khánh Hòa. Trong đó, chỉ 4 DN có giấy phép lữ hành quốc tế và 3 DN của tỉnh Khánh Hòa làm đại lý.
Các doanh nghiệp này đơn thuần chỉ là cầu nối với các đơn vị lữ hành lớn từ TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng; làm khâu trung gian kết nối các dịch vụ như: Đặt chỗ phương tiện đi lại, đặt phòng khách sạn, tour vui chơi giải trí, cung ứng dịch vụ hướng dẫn viên du lịch và mua bán bảo hiểm cho khách… Điều này dẫn đến việc quản lý các DN phục vụ đưa khách TQ đến Khánh Hòa gặp rất nhiều khó khăn.
Sự bị động rõ nhất ở lĩnh vực hướng dẫn viên. Một cán bộ ở Ban Quản lý khu di tích tháp Bà Ponagar cho biết hằng ngày có hàng chục đoàn khách TQ đến thăm thú nhưng ban quản lý không có hướng dẫn viên nào biết tiếng Trung. "Chúng tôi chỉ nghe họ 'xì xào' chứ không biết họ nói gì", cán bộ này nói.
Theo bà Phan Thanh Trúc, lực lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ biết tiếng Trung của tỉnh chỉ khoảng 10 người. Do thiếu hướng dẫn viên, các DN thường sử dụng hướng dẫn viên ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Không phụ thuộc vào loại du khách nào
Theo bà Phan Thanh Trúc, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch. Để phát triển du lịch bền vững, tỉnh cũng không quá chú trọng vào một thị trường, loại khách nhất định nào, kể cả khách TQ.
“Để Nha Trang - Khánh Hòa là điểm đến du lịch văn minh, thân thiện, an toàn, mỗi ngành du lịch thì không thể làm được mà phải được sự ủng hộ, phối hợp của nhiều ngành và chính cả sự hợp tác của người dân” - bà Trúc nhấn mạnh.