Có lẽ ở đây là cảnh Phật, nên lòng người, ai cũng thấy nhẹ lâng lâng, không bợn chút bụi trần. Người ta đang sống ở một thế giới khác, tấm lòng vị tha đã thắng sự ích kỷ vị ngã, lấy sự niềm nở giúp đỡ nhau làm trọng yếu!
Có lẽ ở đây cảnh thiên nhiên mơ màng như không như có, như xa như gần, người ta chịu ảnh hưởng của núi trời mây nước, trở nên phóng khoáng rộng rãi, quý người hơn quý mình!
Khi thuyền vừa cập bến, các cô lái đò dừng chèo, mang hành lý lên bờ giúp khách đi đò. Miệng các cô hớn hở tươi như hoa, lời các cô nhẹ nhàng, điệu bộ các cô nhanh nhẹn. Khách đi thuyền ai cũng ngợi khen.
Chào khách ra về, các cô niệm Nam mô A Di Đà Phật, và các cô nói theo: “Xin Phật độ trì cho cụ để sang năm cụ lại đi trẩy hội, chúng con sẽ đón cụ ở đây”.
Khách cũng đáp lại:
“A Di Đà Phật! Tôi cũng cầu xin Phật phù hộ cho cô luôn luôn khỏe mạnh, chở được nhiều khách tới lễ Phật.”
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Dương Nhân/Pexels. |
Đấy là những khách rời thuyền, còn những khách xuống thuyền nữa.
Các cô đon đả chào mời. Du khách xuống thuyền cô hay xuống thuyền của một cô khác, các cô vẫn vui vẻ giúp đỡ khách. Các cô lên bờ mang giúp khách xuống thuyền đồ lễ, vàng hương, và có khi khách mang theo cả chăn màn để phòng lúc ngủ lại chùa. Khách được các cô giúp vui mừng, cảm ơn lòng từ bi của Đức Phật đã cho khách được may mắn, và các cô cũng hài lòng.
Một tốp khách xuống thuyền, hai ba tốp khách lại xuống thuyền. Chiếc thuyền bé nhỏ của mỗi cô chỉ chở nhiều lắm là năm sáu người khách. Khách đã đủ, thuyền các cô rời bến.
Cô lái đứng ở đầu thuyền, quay mặt về phía khách. Theo đà tay cô bơi, mái chèo đập xuống nước, làm bắn những bọt trắng lên mạn thuyền. Người cô cúi xuống hay đứng lên tùy theo mái chèo đưa về đằng sau hay đằng trước. Đò lướt nhẹ nhàng trên dòng suối nhỏ nước trong vắt. Du khách có thể nhìn thấy đám cỏ mọc ở dưới suối, hoặc những cây rong bập bềnh theo gợn sóng.
Dòng suối quanh co chảy qua cánh đồng chiêm, hai bên bờ suối có những ruộng mạ con gái xanh mơn mởn như tơ nõn chạy suốt tới chân trời hoặc tới chân một ngọn núi xa xa. Đi khỏi cánh đồng chiêm, suối lọt vào những vách đá xanh rì. Ở thuyền nhìn lên, du khách thấy những ngọn núi đủ các hình, cao có, thấp có, xa có, gần có, ngọn đậm, ngọn nhạt, ngọn chênh vênh, ngọn hiền từ.
Cô lái đò vừa bơi thuyền, vừa nói chuyện với khách chỉ dẫn cho khách biết đâu là núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng, đâu là động Tuyết Quỳnh, đâu là chùa Trình. Cô lại giảng giải cho khách nghe tại sao có suối Giải Oan, có chùa Cửa Võng, tại sao lại gọi là hang Phật Tích, tại sao có chùa Tiên, đường lên Trời thế nào, lối xuống Địa Ngục ra sao.
Khách trẩy hội vừa nghe cô nói vừa nhìn theo phong cảnh, đồng thời khách cũng luôn miệng niệm Nam mô mỗi khi gặp chiếc thuyền ở trong chùa đi ra, hoặc mỗi khi vượt một chiếc thuyền khác. Cô lái đò dẻo tay chèo, vui câu chuyện, và cũng nhẹ miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật theo với du khách.
Thuyền lướt sóng, đè ngọn cỏ, đi nhẹ nhẹ, bên các thuyền khác. Tiếng niệm Phật Nam mô vang động khắp dòng suối. Mỗi khi thấy một ngọn núi, cô lái đò thường chỉ cho du khách: “Kìa là núi Mâm Xôi, đây núi Mẹ Bồng Con v.v...”.
Cảnh đi đò Suối là cảnh nên thơ nhất trong cuộc đi trẩy hội chùa Hương. Khách ngồi đò, với lòng tin tưởng vô biên ở đức Phật, hướng cả tâm hồn về cõi Phật.
Những con đò bập bềnh đè mặt nước, chiếc nọ trước chiếc kia. Khách đi thuyền miệng không ngớt tiếng niệm Phật. Họ niệm Phật để chào nhau, họ niệm Phật để cho đò mau tới bến. Họ niệm Phật để cầu chúc cho mình và cho các bạn đồng hành.
Những con đò vào gặp những con đò đi ra, tiếng niệm Phật lại càng vang dội hơn. Các nam thanh nữ tú, các cụ già, các thiếu phụ, mặc dầu không hề quen biết, vồn vã nhau trong tiếng chào, cầu chúc cho nhau những điều may mắn. Những nụ cười đón những nụ cười, những nét mặt hân hoan đáp lại những nét mặt hân hoan.
Tỉnh cũng như quê, ở đây người ta không phân biệt ai sang ai hèn. Đạo giáo đâu có giai cấp, và đức Phật đâu có của riêng ai. Những chàng thanh niên thành thị, ăn vận rất lịch sự tới nơi đây hằng tươi tỉnh chào các cụ già quê, chào các thiếu nữ đồng ruộng, và những cô áo quần sặc sỡ xanh đỏ tím hồng ở đây vẫn là bạn của những cô quần sồi áo vải.
Ai gặp ai cũng đều mừng rỡ, và những tiếng Nam mô hồn nhiên xuất hiện ở cửa miệng mọi người như muốn tả hết nghĩa bác ái của Đức Phật. Tiếng Nam mô của khách trẩy hội như làm nhịp cho cô lái đò bơi, và đều đều theo tay lái, thuyền lướt sóng thấm thoát đã tới chùa Trình.
Khách có người vào lễ chùa Trình, có người đi thẳng.
Sao chùa này gọi là chùa Trình? Khách trẩy hội vào chùa như trình diện trước khi tới cảnh Phật, và khách ra về cũng vào lễ chùa này như để từ giã cảnh Hương Sơn.
Chùa Trình cách bến đò Suối chừng 500 thước. Rời khỏi chùa Trình, thuyền đi được chừng hai cây số sẽ gặp một nhánh suối khác, nhánh suối này dẫn khách tới chùa Long Vân, chùa có động tuyệt đẹp, cũng là một thắng cảnh thuộc phạm vi chùa Hương.