13h các ngày trong tuần, Vũ Giang (1) lại ngồi vào bàn để bắt đầu buổi học online tại nhà riêng ở Bắc Giang. Cô gái 19 tuổi hiện là sinh viên năm nhất Đại học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán, nơi cách nhà Giang hơn 1.300 km.
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ mở cửa nên đã bỏ đại học ở Việt Nam và chọn du học”, Giang, 19 tuổi, nói với Zing. “Học online từ tháng 9 tới nay, tôi thấy rất nản, nhiều lúc muốn bỏ học nhưng đây là lựa chọn của bản thân nên tôi phải tự chịu trách nhiệm”.
Không chỉ Giang, nhiều người ôm giấc mơ du học Trung Quốc cũng phải chấp nhận việc nghe giảng từ xa tại Việt Nam. Dù có trải nghiệm “du học” online khác nhau, họ đều mong mỏi đến ngày biên giới Trung Quốc được nới lỏng để thật sự trải nghiệm cuộc sống lưu học sinh.
Nhưng Trung Quốc tới nay vẫn theo đuổi cách chống dịch triệt để “Zero Covid-19” và đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài. Việc kiểm soát biên giới cùng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ khác đã giúp Trung Quốc nhiều lần dập dịch trong thời gian qua, dù ngày càng có nhiều tranh cãi về cái giá quá đắt của "Zero Covid-19" còn biến chủng Delta lây lan quá mạnh.
Trải nghiệm du học Trung Quốc của nhiều người Việt lúc này chỉ gói gọn qua màn hình máy tính. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Du học" Trung Quốc tại Việt Nam
Quyết định du học Trung Quốc không đến với Giang một cách đột ngột. “Gia đình anh chị tôi làm buôn bán với Trung Quốc nên khuyên tôi đi học”, chị nói. “Sau khi học thử tiếng Trung, tôi cảm thấy hợp và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn”.
Sau lần xin học bổng không thành công vào năm 2020, Giang nghĩ rằng Trung Quốc sẽ mở cửa đón du học sinh nên tiếp tục gửi hồ sơ vào năm nay. “Nhưng không ngờ bùng dịch nên chính phủ Trung Quốc vẫn không cho du học sinh sang”, chị nói.
Hiện chỉ lưu học sinh từ Hàn Quốc - chiếm khoảng 10% sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc - mới được cấp visa, theo South China Morning Post.
Trước đại dịch, nhà trường sẽ miễn học phí và trợ cấp mỗi tháng cho lưu học sinh xin được học bổng toàn phần như Giang. Nhưng vì Giang hiện không thể đến trường, khoản trợ cấp hàng tháng không còn, nhà trường cũng thông báo sẽ không cấp bù khoản này khi Giang sang Trung Quốc.
“Tôi bây giờ thấy tiếc nhưng đã lựa chọn thì không có đường lui”, Giang kể. “Bạn bè xung quanh đã học đến năm hai nên tôi không muốn chậm trễ thêm nữa. Tôi chấp nhận học online và đợi chờ tin từ chính phủ Trung Quốc”.
Đã “du học” được khoảng hai tháng nhưng Giang kể vẫn chưa biết mặt thầy cô, bạn bè, và đa số giáo viên chỉ gửi video bài tập cho sinh viên tự học. Chỉ có một môn cô giáo đứng lớp nhưng Giang chỉ nghe “chữ được chữ không” vì lớp đông và chất lượng đường truyền kém.
Thiếu tương tác dường như là vấn đề chung của lưu học sinh như Giang. Quỳnh Nga, 19 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Dương Châu (Giang Tô), cũng lo lắng về việc không có bạn học và không giao tiếp nhiều nên kỹ năng nói bị hạn chế.
Dù vậy, trải nghiệm du học Trung Quốc tại Việt Nam của Nga vẫn khá tích cực. “Thầy cô siêu nhiệt tình và giảng bài chậm cho chúng tôi hiểu”, Nga nói, bổ sung rằng lớp của cô là lớp dành riêng cho lưu học sinh và chỉ có 7 sinh viên.
Tương tự, Văn Anh (2), 19 tuổi, sinh viên năm hai chuyên ngành nha khoa của một trường đại học y Trung Quốc, nói đã được giáo viên chỉ dạy chi tiết trong hơn một năm “du học” trực tuyến vừa qua.
“Vì tình hình dịch bệnh khó khăn, tôi được một số thầy cô ưu tiên hơn về mặt điểm số, bớt khắt khe hơn các bạn Trung Quốc”, Văn Anh nói.
Nỗi lo tốt nghiệp online
Trong 5 tháng qua, Trung Quốc đã ba lần đưa số ca nhiễm về 0 nhưng các đợt bùng phát đang xảy ra thường xuyên hơn, theo Bloomberg.
Khoảng cách giữa các đợt dịch lớn đã giảm từ khoảng 2 tháng trong nửa cuối năm 2020 xuống còn chỉ 12 ngày kể từ tháng 5, thời điểm nước này ghi nhận các ca mắc chủng Delta đầu tiên. Trung Quốc hiện đối mặt đợt bùng phát dịch rộng nhất kể từ Vũ Hán, với hơn 1.000 ca mắc trên 21 tỉnh, theo Bloomberg, dù dịch đang có xu hướng giảm dần.
Đối với những người đang du học Trung Quốc ngay trên Việt Nam, diễn biến dịch ở phía bên kia biên giới là chủ đề rất được quan tâm.
“Hai năm qua, tôi chưa từng bỏ sót bất kì thông báo nào từ nhà trường”, Văn Anh nói. “Bất cứ bài báo nào nhắc tới tình hình dịch cũng đều là tia hy vọng của tôi”.
Một người bán rau củ bên đường ở Bắc Kinh vào ngày 4/11, sau khi chính phủ khuyến cáo người dân mua đủ nhu yếu phẩm ở nhà đề phòng trường hợp khẩn cấp. Ảnh: Reuters. |
“Nhiều lúc dịch bệnh lắng xuống, tôi nghĩ rằng việc sang trường có lẽ chỉ là ngày một ngày hai”, Văn Anh chia sẻ. “Nhưng mọi hy vọng đều dập tắt ngay lập tức”.
Đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ mở cửa trong thời gian ngắn.
Viễn cảnh Trung Quốc đóng cửa suốt 4 năm đại học cũng thường trực trong tâm trí lưu học sinh. “Trung Quốc đã đóng cửa hai năm nên khả năng đóng cửa vài năm nữa cũng rất cao”, Vũ Giang nói. “Nếu học online 4 năm, tôi thật sự thất vọng vì nhiều công ty, xí nghiệp sẽ không muốn nhận người tốt nghiệp online”.
Dù vậy, một số người vẫn kiên trì với dự định du học Trung Quốc và đã có kế hoạch dự phòng, như Huyền Trang, 17 tuổi. Trang có ý định xin học bổng chính phủ Thượng Hải vào tháng 2/2022 về chuyên ngành thương mại quốc tế.
Nếu thật sự phải du học online, Trang nói mình quyết tâm không để phí hoài tuổi trẻ vào việc ngồi nhà học qua màn hình máy tính.
“Tôi sẽ mang máy tính đi học online khắp đất nước Việt Nam, vừa học vừa làm một thứ gì đó để trải nghiệm”, Trang nói. “Hải Phòng sẽ là điểm đến đầu tiên của tôi”.
Cuộc sống ở Trung Quốc vẫn bình yên
Tuy chiến lược "Zero Covid-19" khiến du học sinh Việt Nam phải đợi chờ không biết tới ngày nào được sang trường, người Việt ở Trung Quốc mô tả một cuộc sống gần như vắng bóng đại dịch nhờ các biện pháp chống dịch cứng rắn.
Khải Ly, nghiên cứu sinh ngành khoa học kỹ thuật dệt may công nghiệp sống tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho biết cuộc sống vẫn bình yên, các loại dịch vụ hoạt động không bị hạn chế.
Từ ngày 17/10 tới 21/11, Chiết Giang chỉ ghi nhận 2 ca mắc trong đợt bùng dịch gần nhất, theo dữ liệu chính thức từ chính quyền tỉnh.
“Mọi người tự giác đeo khẩu trang và mở mã sức khỏe ở mọi nơi”, chị Ly cho biết. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, người dân Hàng Châu đã có thói quen đeo khẩu trang khi tới nơi đông người hoặc trên phương tiện giao thông công cộng.
Chị Ly nói kể cả khi không ghi nhận ca nhiễm, chính quyền vẫn đề cao phòng dịch và nghiêm túc kiểm tra mã sức khỏe - loại mã ghi nhận hành trình 14 ngày gần nhất và lịch sử tiêm chủng - của người dân hàng ngày.
Mã xanh lá thể hiện người dùng đang trong vùng an toàn, 14 ngày gần nhất không di chuyển đến vùng dịch và đã tiêm vaccine. Chị Ly không cần khai báo lịch trình di chuyển bởi ứng dụng tự động định vị GPS.
Cách Hàng Châu hơn 1.000 km, Bắc Kinh có tình hình dịch phức tạp hơn với 45 ca mắc nội địa trong ngày 17/10-20/11, theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế Bắc Kinh. Nhưng chỉ vùng có ca mắc bị phong tỏa, những nơi khác vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, chị Hằng - người sống tại đây 4 năm - nói.
Giống tại Hàng Châu, Bắc Kinh cũng áp dụng mã sức khỏe ở nơi công cộng. Chị Hằng cho biết do thành phố có ca mắc nên việc kiểm tra cũng nghiêm ngặt hơn.
Đối với khu dân cư, người dân sống trong tòa nhà liên hệ với nhau qua ứng dụng WeChat. Nếu trong khu vực có người mắc, quản lý tòa nhà sẽ gọi điện cho từng người. Với khối văn phòng, quản lý tòa nhà sẽ liên lạc với bộ phận nhân sự của công ty để thông báo.
“Tôi thấy họ hành động rất nhanh, khoanh vùng và phong tỏa ngay lập tức nếu phát hiện ca bệnh”, chị nói, nhận xét rằng việc xét nghiệm ở Bắc Kinh rất dễ dàng.
“Ở ven đường, họ dựng nhiều quầy xét nghiệm. Trên đường tôi đi làm cũng có một quầy. Lúc nào cũng có người ngồi ở đó”, chị cho biết. Kết quả xét nghiệm có trong vòng 24 giờ bằng phiên bản điện tử hoặc giấy, tùy nhu cầu người dân.
Người dân đã quen với "Zero Covid-19"
Anh Tới - du học sinh sống ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc - cho biết anh đã phải ở trong ký túc xá của trường đã 3 tuần nay.
Hắc Long Giang từng là điểm nóng Covid-19 trong đợt dịch gần nhất khi ghi nhận 277 ca mắc trong các ngày 27/10-15/11, theo dữ liệu từ chính quyền tỉnh.
Anh Tới kể sinh viên hiện chưa được ra khỏi trường trừ khi có lý do chính đáng như đi bệnh viện. Sinh viên hiện học trực tuyến, nhưng vẫn được phép tới thư viện nếu có nhu cầu. Khi vào các tòa nhà trong trường, sinh viên được yêu cầu quét mã sức khỏe.
Người dân xếp hàng ở một quầy xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Mỗi khi dịch bùng phát, anh Tới phải xét nghiệm mỗi ngày một lần hoặc hai ngày/lần. Tính tới ngày 15/11, anh đã phải xét nghiệm 5 lần.
Tuy nhiên, anh Tới cũng chia sẻ “về cơ bản, mọi người đều đã quen với cảnh phong tỏa. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, chỉ là phạm vi hoạt động bị thu hẹp”.
Do Hắc Long Giang không ghi nhận ca mắc mới kể từ ngày 16/11, trường của anh Tới vừa qua đã thông báo sẽ sớm mở cửa.
Hằng cũng cảm thấy phiền vì phải quét mã nhiều. "Cứ ra khỏi nhà là phải quét mã, sang ngay cửa bên cạnh lại quét tiếp. Một ngày quét tới 5-6 lần”, chị nói.
Nếu muốn ra khỏi thành phố, chị Hằng phải báo lên công ty hoặc quản lý tòa nhà. Khi quay lại, chị cần xét nghiệm tùy theo vùng nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao.
Ngoài chuyện ra khỏi thành phố cần nhiều thủ tục phức tạp, chị Hằng cho biết việc Trung Quốc đóng cửa biên giới với người nước ngoài là điều tác động lớn nhất tới chị. “Nếu về nước, tôi sẽ không sang được nữa”, chị chia sẻ. Lần cuối chị về thăm nhà là vào năm 2019.
Dù vậy, theo chị Hằng, người dân Trung Quốc đã quen với cuộc sống "Zero Covid-19". Và nếu từ góc độ cá nhân, việc Trung Quốc tiếp tục chính sách này sẽ giữ cho bản thân chị an toàn. “Người dân đã quen với sự nghiêm khắc như vậy”.
(1,2) Tên nhân vật được thay đổi để không ảnh hưởng đến việc học tập của nhân vật.