Du học sinh từ các nước phương tây trở về thường thất vọng về mức lương và môi trường làm việc. Ảnh minh họa: Asianweek |
Chi phí du học ở các nước phương tây trung bình khoảng 200.000 nhân dân tệ (hơn 32.000 USD). Do đó, những sinh viên đã tốt nghiệp ở nước ngoài không muốn tìm một công việc chỉ đủ trang trải nhu cầu hàng ngày. Họ hy vọng được làm ở vị trí cao với mức lương khoảng 10.000 nhân dân tệ/tháng (1.600 USD/tháng). Và tất nhiên, tất cả những gì họ có vẫn chỉ là hy vọng.
Zhong, trưởng phòng nhân sự một công ty tư nhân ở Thiên Tân, cho hay "lương được trả theo năng lực, không phụ thuộc vào bằng cấp". Tuy nhiên, du học sinh về nước thường đòi hỏi rất nhiều, hoặc về lương hoặc là về môi trường làm việc.
Theo ông Li, một giám đốc nhân sự, sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài thường khá phi thực tế khi tìm việc ở thị trường trong nước. "Chi phí du học đắt đỏ khiến họ không muốn làm những công việc được trả 3.000 nhân dân tệ/tháng. Ngay cả khi đã được nhận, họ luôn so sánh điều kiện làm việc trong nước với các nước phương Tây. Như vậy thật khó chấp nhận", ông Li chia sẻ thêm.
Theo China.org.cn, từ năm 1978 đến 2012, Trung Quốc có khoảng 2,6 triệu sinh viên du học và 90% trong số đó là tự phí. Từ năm 2007 đến 2011, số lượng du học sinh liên tục tăng trưởng trên 20% mỗi năm. Trong 5 năm gần đây, số lượng sinh viên về nước vào khoảng 800.000, gấp 3 lần so với những năm 1970.
Chuyên gia tư vấn du học họ Liu chia sẻ, du học thường có hai lý do, một là muốn mở rộng kiến thức, hai là vì không đỗ đại học trong nước. Ở trường hợp thứ nhất, sinh viên học tại những trường hàng đầu thường có kiến thức chuyên môn rất tốt. Trường hợp thứ hai nhanh chóng nhận ra rằng cái mác du học không giúp họ ở thị trường lao động khi về nước.
Tốt nghiệp ở New Zealand, về nước làm công việc 5.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 800 USD), Xiao Yu rút ra kết luận "doanh nghiệp quan tâm đến năng lực hơn là bằng cấp của ứng viên".
Thực tế khó khăn và cạnh tranh khốc liệt làm những du học sinh thực tế hơn khi tìm việc. Shen Fu, 26 tuổi, hiện là quản lý một khách sạn năm sao, cũng từng rất vất vả để có vị trí hiện tại.
Cô ứng tuyển vào vị trí quản lý quản lý khách sạn. Shen là người duy nhất có bằng nước ngoài trong số các ứng viên. Cô tự tin sẽ được tuyển vào làm quản lý. Nhưng trái với mong đợi, cô bị loại ngay sau vòng phỏng vấn. Bộ phận nhân sự cho biết những ứng viên khác có nhiều kinh nghiệm hơn. Shen được mời vào làm vị trí tiếp tân và ngay lập tức cô từ chối. Sau đó Shen sớm nhận ra rằng tất cả khách sạn đều đề nghị giống nhau. Cuối cùng, cô đã đồng ý bắt đầu từ vị trí tiếp tân.
Shen nói "Chúng tôi cần phải hạ bớt kỳ vọng và bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Kinh nghiệm và kiến thức ở nước ngoài sẽ được trả xứng đáng chỉ khi chúng tôi có trách nhiệm với công việc chúng tôi đang làm".