Dự đoán kịch bản chiến tranh Triều Tiên
Động thái cứng rắn giữa Triều Tiên và Mỹ - Hàn Quốc dấy lên lo ngại về một cuộc chiến hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân nhưng giới hạn của cuộc xung đột tương lai dường như chỉ là trận đấu pháo.
Bên miệng hố chiến tranh
Xét về mặt kỹ thuật, giữa hai miền Triều Tiên mới chỉ có một hiệp định đình chiến ký năm 1953, nên về mặt lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc còn ở trong chiến tranh. Trạng thái hòa bình “tạm bợ” kéo dài gần 60 năm qua luôn bị thách thức bởi các vụ xung đột quân sự quy mô nhỏ.
Ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh luôn bị các bên khéo léo phá vỡ bằng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” nhằm củng cố thế mạnh trong các cuộc mặc cả chính trị.
Tranh tuyên truyền cổ động khí thế tấn công Mỹ ở Triều Tiên. |
Vài năm trở lại đây, mức độ đu dây giữa hai trạng thái đã diễn ra với tần suất ngày càng cao và biên độ ngày càng lớn. Các kịch bản xung đột tuy phong phú nhưng mô-típ không mới. Thực chất đó là vòng xoáy bế tắc của chuỗi hoạt động đàm phán – khiêu khích – gây hấn.
Các phát ngôn đe dọa, sử dụng vũ lực trên thực tế của Triều Tiên thường diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc có các động thái khiêu khích hoặc thậm chí, mới chỉ được lên kế hoạch. Còn nhớ, vụ chiến hạm Cheonan bị bắn chìm hồi tháng 3/2010 làm 46 thủy thủ thiệt mạng diễn ra khi Mỹ và Hàn Quốc có kế hoạch tập trận chung thường niên. Trong nhiều cuộc tập trận như vậy, quốc kỳ Triều Tiên bị đem làm “mục tiêu giả định”.
Quốc kỳ Triều Tiên bị đem biến thành mục tiêu trong các cuộc tập trận của Hàn Quốc. |
Còn vụ pháo kích đảo Yeonpyeong hồi tháng 11/2010 diễn ra ngay sau khi có thông tin Mỹ sẽ xem xét tái vũ trang cho lực lượng quân sự nước này ở Hàn Quốc các vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngược lại, mỗi lần Triều Tiên thực hiện các hoạt động thử nghiệm chương trình tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân, Mỹ - Hàn Quốc lại rầm rầm phản đối đòi tìm các biện pháp trừng phạt.
Tới nay, tưởng chừng dư luận đang chứng kiến các bên leo tới những nấc thang cuối cùng của vòng xoáy khiêu khích chuẩn bị bước sang chuỗi xung đột quân sự chưa từng có. Có thể tạm lấy dấu mốc là vụ Triều Tiên cho thử vũ khí hạt nhân lần thứ 3, hồi tháng 2. Trong khi Mỹ và đồng minh cùng các quốc gia khác trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc còn loay hoay tìm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên bởi các ý tưởng cho lệnh trừng phạt sắp cạn thì Bình Nhưỡng tuyên bố cắt đứt đường dây nóng liên lạc với phía Hàn Quốc.
Căng thẳng nhất là Triều Tiên tuyên bố xóa bỏ Hiệp định đình chiến 1953 và Thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau năm 1991 ký với Hàn Quốc. Động thái này chỉ từng xảy ra một lần từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Những ngày gần đây, truyền thông Triều Tiên không ngừng phát đi các thông điệp cứng rắn từ lãnh đạo nhà nước và quân đội. Những ngôn từ quen thuộc như “san phẳng”, “dìm trong biển lửa”, “ném vào vạc dầu” dành cho Mỹ - Hàn Quốc được làm mới thêm bằng những video clip mô tả cảnh Nhà Trắng sụp đổ hay quân đội Triều Tiên giải phóng Seoul... chỉ trong ba ngày.
Ở Triều Tiên, những lời kêu gọi “san phẳng”, “dìm kẻ thù trong biển lửa”, “ném kẻ thù vào vạc dầu” không phải là mới. |
Đáp lại, Mỹ vừa động miệng vừa động binh. Một mặt, giới chức Mỹ gọi sự khiêu khích của Triều Tiên là sai lầm, thậm chí dọa tấn công phủ đầu. Bên cạnh đó, nước này cam kết bảo vệ Hàn Quốc bằng “ô hạt nhân”.
Mặt khác, Washington vội vã điều siêu pháo đài bay B-52 tới Hàn Quốc. Dù với danh nghĩa tập trận, nhưng giới quan sát hoàn toàn hiểu đây là hành động vừa để răn đe vừa để chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Đấu pháo là giới hạn cuối cùng?
Thế nhưng, mức độ điều binh của Mỹ cho thấy, Washington đánh giá những xung đột mới đây - cũng như những lần trước - chỉ dừng lại ở mức độ khiêu khích, gây hấn hoặc sử dụng vũ lực ở quy mô nhỏ. Nếu bình tâm suy xét, có thể thấy ngoài các tác động của bên ngoài, việc leo thang của Triều Tiên đôi khi còn bị thúc đẩy từ các vấn đề bên trong. Đơn cử là khả năng gây căng thẳng để củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Những nấc thang căng thẳng mới trong thời gian qua cho thế giới thấy, nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên đã thể hiện sự táo bạo, quyết đoán hơn những gì mà cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il từng thể hiện. Theo những hình ảnh phát đi từ Triều Tiên, cũng có thể thấy, sự ủng hộ của quân đội dành cho ông Kim Jong-un trước phương tiện truyền thông nồng nhiệt như thế nào. Trong cuộc thị sát đó, những người lính ở các vị trí tiền đồn không ngần ngại lao xuống làn nước lạnh để vẫy chào vị lãnh tụ trẻ tuổi.
Quân nhân Triều Tiên lao mình xuống biển lạnh để chào đón nhà lãnh đạo trẻ tuổi. |
Sự kiện pháo kích đảo Yeonpyeong đã được kể ở trên có thể coi là một dữ kiện tham khảo cho nhận định này. Hồi cuối năm 2010, sau một loạt thăng tiến trong cơ quan Đảng và nhà nước Triều Tiên, “vốn liếng chính trị” của ông Kim Jong-un chưa có nhiều. Nhưng sau trận pháo kích, ông Kim Jong-un được truyền thông Triều Tiên giới thiệu là tác giả của kế hoạch pháo kích và là một “thiên tài quân sự”. Vì vậy, vị thế mà ông Kim Jong-un có được trong nền chính trị sắp bước vào giai đoạn chuyển giao của Triều Tiên có thêm một lý do thuyết phục.
Tham khảo sự kiện pháo kích đảo Yeonpyeong cho thấy, tuy không đẩy tới mức cao nhất là xung đột quân sự lớn, thậm chí dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân nhưng một cuộc xung đột nhỏ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là hoàn toàn có thể diễn ra. Để chuẩn bị cho khả năng này, cả hai bên Triều Tiên - Hàn Quốc và Mỹ chắc chắn đã có không chỉ một mà là vài kế hoạch tác chiến. Điều đáng quan tâm là quy mô của cuộc xung đột trong tương lai sẽ ở mức độ nào, những quân bài nào sẽ được lực lượng quân sự các bên sử dụng.
Dựa vào các chiến lệ trên thế giới và ở ngay chính bán đảo Triều Tiên có thể thấy, trong bối cảnh như vậy, ít khả năng các bên sử dụng các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ đối phương và sử dụng các vũ khí, phương tiện chiến tranh cơ giới như xe tăng, thiết giáp hay máy bay...
Một cuộc điều động binh lực như vậy đòi hỏi các bên phải tiêu tốn một nguồn lực quốc gia lớn. Đồng thời, vượt qua khu vực phi quân sự sẽ "khó ăn nói" với quốc tế. Việc sử dụng tên lửa tầm xa có thể được cân nhắc, nhưng thực tế, Triều Tiên tuy tự lực phát triển công nghệ tên lửa nhưng chất lượng của chúng vẫn còn là dấu hỏi. Độ chính xác, khả năng chống nhiễu và thậm chí, tránh đòn đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang bố trí dày đặc trong khu vực ra sao?
Với Triều Tiên, vũ khí phù hợp nhất vẫn là pháo binh, hỏa lực chủ yếu và “rất dồi dào” trong kho vũ khí nước này. Với tầm bắn và sức mạnh hỏa lực đáng kể, Triều Tiên có thể triển khai một cuộc tấn công từ bên này biên giới với Hàn Quốc và đạt hiệu quả “hủy diệt” như mong muốn của các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.
Triều Tiên sở hữu kho pháo binh đồ sộ và phong phú. |
Phương án mà Hàn Quốc đưa ra cũng tương tự bởi vũ khí của quân đội nước này tuy hiện đại nhưng số lượng ít hơn nhiều so với vũ khí tương tự của Triều Tiên. Khi chất lượng khó có thể bù lại số lượng, giải pháp khả thi hơn cả vẫn là “đấu pháo” và chờ sự hỗ trợ của đồng minh là Mỹ.
Còn Mỹ, với xu hướng đối ngoại được hình thành từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Obama, Washington sẽ hành xử giống ở nhiều nơi khác, cố gắng tới mức thấp nhất phải sử dụng tới biện pháp quân sự, và trong trường hợp phải động binh thì cũng hạn chế tới mức thấp nhất sự can thiệp.
Khả năng mà Mỹ hỗ trợ đồng minh Hàn Quốc nhiều nhất trong trường hợp này là sử dụng các vũ khí tấn công đường không chính xác cao nhắm vào các căn cứ quân sự của Triều Tiên nhằm hạn chế sức mạnh hỏa lực của đối phương.
An Dương
Theo Infonet