Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng chỉ cần triển khai hiệu quả 7 chương trình đột phá là chúng ta vươn tới mục tiêu thành phố có chất lượng sống tốt.
- Thưa ông, TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức, như tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm ngày càng trầm trọng gây bức xúc cho người dân thì đến bao giờ mới có chất lượng sống tốt?
- Cũng như các thành phố lớn trên thế giới, TP.HCM đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe, biến đổi khí hậu và nhập cư… Đây không chỉ là những trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của thành phố.
Do đó, 7 chương trình đột phá do Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đề ra kỳ vọng như là giải pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề trên. Việc hoàn thành 7 chương trình đột phá sẽ tạo xung lực mới, có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để thành phố phát triển, đồng thời sẽ giải quyết được những bức xúc, trăn trở của người dân.
TP.HCM đang ngày phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. |
- Để thực hiện 7 chương trình đột phá, dự kiến TP.HCM cần khoảng 1 triệu tỷ đồng. Thành phố sẽ xoay sở như thế nào trong điều kiện ngân sách đang rất khó khăn vì tỷ lệ điều tiết được phép giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18%?
- Trong thời gian vừa qua, ngoài các cơ chế chính sách chung của Chính phủ, thành phố đã sáng tạo và ban hành rất nhiều cơ chế chính sách riêng để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư 7 chương trình đột phá như chương trình kích cầu đầu tư; chương trình huy động vốn đầu tư xây dựng trường mầm non công lập, chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp…
Đến nay thành phố đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư với số vốn huy động là 41.000 tỷ đồng. Bình quân 1 đồng vốn ngân sách huy động được 14 đồng vốn từ xã hội. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã kết nối cho 36.000 doanh nghiệp với tổng số vốn vay là 680.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố đã đẩy mạnh huy động nguồn vốn khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông qua xã hội hóa đầu tư, hợp tác công – tư (PPP) và các mô hình đầu tư theo quy định của pháp luật nhằm tối ưu hoá và khai thác hết tiềm năng, nguồn lực trong xã hội. Đến nay, TP.HCM đã có 153 dự án đầu tư theo hình thức công – tư (PPP) được triển khai với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng, trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng; 130 dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư 380.000 tỷ đồng.
TPHCM tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: PV. |
- Có nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào hình thức PPP hay không khi số dự án PPP chỉ chiếm khoảng 5% số lượng dự án đầu tư công?
- Mặc dù số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của thành phố không lớn, chỉ chiếm 5% số dự án đầu tư công của thành phố, tuy nhiên, nguồn vốn huy động từ các dự án này đã gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công của thành phố giai đoạn 2011 – 2015. Đây là một trong những giải pháp phù hợp đối với những địa phương có nhu cầu vốn đầu tư lớn như TP.HCM.
Hiện nay, trừ đi nguồn vốn chỉnh trang, nguồn vốn đầu tư hạ tầng từ nay đến 2020 cần 500.000 tỷ, ngân sách chỉ lo được 31,8%, số còn lại phải huy động từ các nhà đầu tư. Tỷ lệ ngân sách để lại 18% duy trì đến năm 2020.
Chỉnh trang đô thị, riêng quận 4, quận 8 thôi đã ngốn gần 15.000 tỷ đồng cho 5.800 căn nhà ven kênh rạch. Đất TP.HCM còn nhiều nhất là ở Cần Giờ, Củ Chi. Làm việc với tôi, nhiều nhà đầu tư muốn chọn đất ở Thủ Thiêm (quận 2) và trung tâm thành phố nhưng đất Thủ Thiêm làm gì còn. Đất ở trung tâm càng hiếm hơn và hiện nay chính phủ tạm đình chỉ. Đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) thì đất đai cũng là ngân sách, phải cần quy trình, tốn rất nhiều thời gian.
- Bài học kinh nghiệm của TP.HCM về thu hút đầu tư trong thời gian qua là gì, thưa ông?
- Những thành tựu chúng ta đạt được là kết quả tổng hợp sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp to lớn, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng vốn là mạch máu của nền kinh tế. Đây chính là yếu tố quan trọng, đảm bảo sự thành công của các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
8 dự án kết nối nhà đầu tư và ngân hàng với tổng số vốn cho vay 26.000 tỷ đồng vừa đạt được (tại hội nghị kết nối các ngân hàng với các nhà đầu tư hạ tầng diễn ra ngày 24/8 – PV) sẽ là một điểm nhấn của thành phố trong việc giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng khi áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, đồng thời sẽ có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tiềm năng lựa chọn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên địa bàn TP.HCM trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM. |
- Liệu có phải là một trở ngại lớn khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM các năm gần đây có xu hướng tụt hạng và dường như thành phố ngày càng kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư?
- Hiện nay, lợi thế lớn nhất của thành phố là dư địa tăng trưởng kinh tế vẫn còn rất cao. Thành phố vừa được tổ chức nghiên cứu dự báo kinh tế Oxford Economics của Anh xếp hạng hai châu Á về tăng trưởng nhanh, chỉ sau thành phố Delhi - Ấn Độ. TP.HCM hoàn toàn có đủ cơ sở để nằm trong top 10 thành phố đẳng cấp thế giới nếu thành phố có cơ chế tài chính ngân sách đặc thù và biết khơi dậy nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, nguồn vốn nhàn rỗi còn rất lớn trong nhân dân.
- Cơ chế tài chính ngân sách đặc thù là điều TP.HCM luôn mong muốn nhưng dường như vẫn chưa có gì chắc chắn cả?
- Tôi đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Phát triển khẩn trương hoàn thiện đề án cơ chế, chính sách đột phá của thành phố theo kết luận tại hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM (khoá X) vừa qua.
Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cần phát huy hơn nữa chiến lược liên kết vùng, liên kết với các doanh nghiệp khác để tận dụng nguồn lực, trình độ công nghệ, tối ưu hoá sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Sức cạnh tranh chỉ thực sự vươn xa nếu các doanh nghiệp cùng đồng hành, biết hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển.
TP.HCM sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từ thành phố đến cơ sở; xây dựng chính phủ điện tử, tháo bỏ các điểm nghẽn về cải cách hành chính, đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chủ yếu phân bổ các nguồn lực nhằm minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các cơ hội đầu tư trên địa bàn TP.HCM.