-
Theo CNN, nhiều người leo núi trên đỉnh Everest cho biết, họ vừa trông thấy cảnh tuyết và đá lở.
-
Dư chấn mạnh 6,7 độ Richter vừa xảy ra tại Nepal. Sự rung lắc được cảm nhận khắp các khu vực ở miền bắc Ấn Độ. Người dân tại Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, cảm nhận rõ cơn dư chấn mạnh 6,7 độ Richter. Theo Times of India, mọi người chạy khỏi nhà và đổ ra đường sau cơn dư chấn có cường độ mạnh này.
-
Lưu Duy Trân, một du học sinh Việt Nam tại New Delhi, cho biết một dư chấn cường độ nhẹ vừa xảy ra ở thủ đô Ấn Độ vào chiều 26/4. Nhiều sinh viên tại Đại học Jamia Millia Islamia đã bỏ chạy ra đường. Rung lắc kéo dài khoảng 10 giây. Trước đó, chính phủ Ấn Độ cảnh báo nhiều đợt dư chấn sẽ xảy ra trong 36 tiếng kể từ sau trận động đất 7,9 độ Richter ở Nepal.
-
Bức ảnh của phóng viên AFP chụp lại khoảnh khắc hàng tấn tuyết bất ngờ ập xuống trại dừng chân của những người leo núi Everest ngày 25/4. George Foulsham, một nhà khoa học tại Singapore, kể về khoảnh khắc tuyết lở, rằng: "Tôi cố chạy nhưng không thoát. Khi chìm trong tuyết, tôi không thể thở được. Tôi cứ nghĩ sẽ chết, nhưng rồi tôi có thể đứng dậy và may mắn vô sự".
-
Reuters đưa tin, Bộ Du lịch Nepal ước tính ít nhất 1.000 người leo núi, trong đó có 400 người nước ngoài, đang ở trại dừng chân hoặc gần đỉnh núi vào thời điểm trận động đất xảy ra. Khoảng 100 người cho biết họ vẫn an toàn nhưng không thể xuống núi do các tuyến đường chính đều bị tắc nghẽn. Tháng 4 là thời điểm thích hợp nhất để chinh phục núi Everest.
-
Alex Gavan, một trong những người leo núi Everest, cho biết trên Twitter cá nhân rằng trực thăng đã đưa những người bị thương nặng rời khỏi hiện trường. Theo Reuters, đội cứu hộ đang đưa 22 người xuống núi. Sau đó, một trực thăng khác sẽ đến đưa họ trở về thủ đô Kathmandu sau khi bầu trời trong xanh hơn. Ảnh: Reuters
-
Trang Indian Express cho biết, hai cơn địa chấn cường độ khoảng 5,6 độ Richter xảy ra vào đêm 25/4 và rạng sáng 26/4 tại một số vùng ở Nepal và Ấn Độ. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ trấn an người dân không nên sợ hãi vì đây chỉ là dư chấn.
Thủ tướng Narendra Modi cho biết chiến dịch hỗ trợ cứu hộ động đất trong nước và nước láng giềng Nepal mang tên Operation Maitri.
"10 chuyến bay sẽ cất cánh đến thủ đô Kathmandu hôm nay. Họ sẽ không vận các nạn nhân đến bệnh viện, chuyển hàng hóa tiếp tế như thực phẩm, nước uống, thuốc men và các thiết bị y tế", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ Sitanshu Kar cho biết.
-
-
-
Cảnh sát Nepal cho biết ít nhất 1.910 người đã thiệt mạng, bao gồm 721 người ở thủ đô Kathmandu, CNN đưa tin.
-
-
-
-
Số người chết trong động đất Nepal đã tăng lên 1.900 người, theo Times of India.
-
Danh sách các nước giúp đỡ Nepal gồm: Mỹ cử đội cứu nạn và 1 triệu USD tới Nepal. Ấn Độ: 7 máy bay, chở theo thuốc men, đội cứu hộ tinh nhuệ cùng chó nghiệp vụ tìm người mắc kẹt trong đống đổ nát. Anh: Một đội gồm 8 chuyên gia nhân đạo.
Pakistan: 4 phi cơ mag theo các bác sĩ, chuyên gia, lực lượng cứu hộ, chó nghiệp vụ, thực phẩm. Na Uy hứa sẽ hỗ trợ nhân đạo 3,9 triệu USD. Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Israel, Liên minh châu Âu cũng sẽ tiếp viện cho Nepal, BBC đưa tin.
-
Nepal đang kêu gọi các nước gửi viện trợ tới nước này để giúp giải quyết hậu quả của trận động đất lịch sử ngày 25/4. Trong khi đó, công tác cứu hộ đang tiếp diễn. Người dân và lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát, Reuters đưa tin.
-
Nạn nhân thứ 2 thiệt mạng trong vụ lở tuyết được công khai danh tính là Marisa Eve Girawong, 29 tuổi. Cô là nhân viên y tế cho nhóm leo núi Madison và thiệt mạng khi tuyết, đá lở từ dãy Everest.
Thời tiết xấu đang ảnh hưởng đến nỗ lực cứu hộ hàng trăm người leo núi mắc kẹt trên núi. Hai trực thăng không thể tiếp cận các trại, nơi mọi người đang trú ẩn, vì mây mù. Ảnh: Daily Mail -
Trận lở tuyết kinh hoàng đã xảy ra ở đỉnh Everest do dư chấn của trận động đất mạnh 7,9 độ Richter ở Nepal. Theo các nhân chứng, thời điểm xảy ra thảm họa, khoảng 500 lều của người leo núi đang cắm trại xung quang khu vực.
-
AP dẫn lời nhà chức trách địa phương cho biết số người chết vì lở tuyết lên đến 17 và 61 người khác bị thương.
-
Khoảng 300.000 du khách nước ngoài có mặt tại Nepal để để du lịch và leo núi trong ngày động đất xảy ra. Chính phủ Anh cho hay 50 công dân nước này mất tích hoặc thiệt mạng trong thảm họa, theo Reuters.
-
Theo Guardian, số người thiệt mạng trong thảm kịch ở Nepal cao bởi cường độ động đất 7,9 độ Richter, mạnh nhất tại quốc gia này trong 80 năm qua. Ngoài ra, tâm chấn nông, tại điểm dưới mặt đất khoảng 11 km, cũng là một nguyên nhân dẫn đến tổn thất lớn. Theo David Rothery, giáo sư địa chất tại Anh, động đất nông khiến việc rung chuyển tại bề mặt tồi tệ hơn so với động đất sâu.
-
Một đoạn đường ở thủ đô Nepal nứt nẻ sau thiên tai. Phóng viên K. Dhiksit của IBN tại Kathmandu kể rằng vào thời điểm xảy ra động đất, anh nghe thấy "những âm thanh cực lớn" và người dân lao ra đường. Trong khi đó, Manesh Shrestha, phóng viên của CNN, cho biết: "Khung cảnh khá hỗn loạn. Mọi người khóc vì sợ hãi". Ảnh: Twitter
-
Thông điệp "Hãy giúp nạn nhân động đất Nepal" trên một công trình điêu khắc bằng cát ở bãi biển Puri, Ấn Độ. Ảnh: Times of India
-
Bộ Nội vụ Nepal cho biết tổng số người thiệt mạng trong động đất ngày 25/4 lên tới 1.865 người. Ít nhất 4.700 người khác bị thương, theo AP.
-
Máy bay C-130J của Không quân Ấn Độ đã đưa nhiều công dân nước này mắc kẹt ở Nepal về Delhi đêm qua. Ảnh: Twitter
-
Xe cứu thương đến hiện trường cứu hộ các nạn nhân của trận động đất. Bộ Nội vụ Nepal cho biết chính phủ nước này đã giải nhân 500 triệu USD để phục vụ công tác cứu nạn tại các khu vực chịu hậu quả của động đất. Ảnh: EPA
-
-
Theo Bộ Nội vụ Nepal, công tác cứu hộ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Các vùng xa xôi của đất nước này có thể cũng bị ảnh hưởng nên số người thiệt mạng có thể tăng, CNN đưa tin. Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối các vấn đề nhân đạo ước tính 4,6 triệu người trong vùng đã cảm nhận thấy động đất. Tại Nepal, 30 trong số 75 khu vực chịu ảnh hưởng của đợt thiên tai này. Ảnh: AFP
-
Động đất gây lở tuyết trên núi Everest, chôn vùi nhiều trại dành cho người leo núi ở Nepal, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Ảnh: AP
-
Người dân ở Katmandu đổ xô tới các quầy bán thức ăn ngoài trời bởi các cửa hàng trong thành phố đóng cửa sau trận động đất. Người dân và du khách ngủ ngoài trời đêm qua vì lo ngại dư chấn tiếp tục xảy ra. Ảnh: New York Times
-
Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia Ấn Độ (NDRF) đưa hàng cứu trợ lên máy bay để chuyển tới các nạn nhân động đất ở Nepal. Trận động đất ảnh hưởng tới nhiều quốc gia láng giềng của Nepal khiến 36 người Ấn Độ thiệt mạng. 12 người ở Tây Tạng, Trung Quốc và 4 người ở Bangladesh thiệt mạng. Ảnh: Getty
-
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã điện đàm với Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav và Thủ tướng Sushil Koirala, cam kết Ấn Độ sẽ làm hết sức để giúp Nepal trong thời điểm khó khăn này, Times of India đưa tin.
-
Cộng đồng quốc tế đã gửi lời chia buồn tới Nepal, đồng thời đưa ra đề nghị giúp đỡ quốc gia Nam Á này trong công tác cứu hộ và khắc phụ hậu quả thảm họa động đất kinh hoàng vừa xảy ra. Mỹ đã cử đội cứu hộ cùng 1 triệu USD tới Nepal.
-
Theo Times of India, số người thiệt mạng trong trận động đất ngày 25/4 đã lên đến 1.500 người.
-
-
Tóm tắt thảm kịch động đất ngày 25/4:
1.457 người đã chết sau khi trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tác động tới Nepal và các nước láng giềng. Phó thủ tướng Nepal Bamdev Gautam ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự giúp đỡ của thế giới.
18 nhà leo núi chết trên núi Everest vì lở tuyết. Nhiều người khác đang mắc kẹt. Số người chết được phát hiện tăng mạnh vào cuối buổi chiều và tối ngày 25/4. Nạn nhân tử vong ở Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Tây Tạng.
Động đất phá hủy nhiều nhà cửa ở thủ đô Kathmandu, bao gồm các di tích lịch sử, trong đó có tháp cổ Dharahara. Các bệnh viện trong thành phố trở nên quá tải vì số người thương vong quá lớn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh cho quân đội nước này tới giúp đỡ quốc gia láng giềng Nepal và di tản công dân Ấn Độ. Mỹ cũng phái đoàn cứu hộ lên đường.
Dư chấn 6,7 độ Richter lại rung chuyển Nepal
Cảnh sát Nepal cho hay số người thiệt mạng sau trận động đất hôm qua đã lên đến 1.953 trong khi một đợt dư chấn cường độ mạnh lại xảy ra ở thủ đô Kathmandu.