Sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên tại Singapore tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: "Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Tối nay có thể ngủ ngon".
Tuy nhiên, một tuyên bố của tổng thống gửi cho quốc hội Mỹ hôm 22/6 lại cho thấy giọng điệu khác khi giải thích lý do chính quyền Trump cần tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận kinh tế cứng rắn với Bình Nhưỡng, theo AFP. Các biện pháp này xuất hiện lần đầu dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.
"Sự tồn tại và nguy cơ làm giàu nguyên liệu có thể tách ra dùng cho vũ khí trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hành động và chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường và đặc biệt cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ", ông Trump viết trong tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore. Ảnh: AFP. |
Ông nói vì lý do trên, 6 sắc lệnh hành pháp áp đặt cấm vận với Triều Tiên mà chính quyền của ông cũng như các chính quyền Mỹ trước đây đã ban hành phải được tiếp tục duy trì sau ngày 27/6.
"Tôi sẽ tiếp tục (áp dụng) tình trạng khẩn cấp quốc gia về Triều Tiên thêm một năm nữa", ông Trump viết.
Dù tuyên bố này được xem chỉ là vấn đề thủ tục, sự khác biệt về giọng điệu phản ánh khối lượng công việc mà quan chức Mỹ thừa nhận vẫn chưa hoàn thành, trong bối cảnh các nhà đàm phán đang thương lượng chi tiết về vấn đề giải giáp vũ khí của Triều Tiên.
Tại cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore hôm 12/6, hai bên đã ký tuyên bố chung "hướng đến việc phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, lời lẽ trong tuyên bố này được cho là khá mơ hồ khi không đề cập đến lộ trình hay mục tiêu nào cụ thể.
Washington lâu nay vốn luôn yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân một cách "toàn diện, có thể xác thực và không thể đảo ngược", trước khi Mỹ gỡ bỏ cấm vận, song điều này đã không được nhắc đến trong tuyên bố chung.
Sau cuộc gặp, ông Trump đã dành nhiều lời ca ngợi ông Kim, nói lãnh đạo Triều Tiên là "nhà đàm phán rất thông minh, cứng rắn và đáng tôn trọng".