Dự án trăm tỷ 'treo' giữa Quy Nhơn, dân sống chung với ô nhiễm
Chủ nhật, 8/9/2019 08:53 (GMT+7)
08:53 8/9/2019
Dự án chỉnh trang đô thị đình trệ kéo dài khiến gần 1.000 người dân ở "khu ổ chuột" phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) sống chung với ô nhiễm suốt nhiều năm qua.
Khu "ổ chuột" ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) có khoảng 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu sinh sống trong những căn lều tạm bợ gần khu vực cảng biển Quy Nhơn.
Phần lớn các hộ dân nghèo khó, không có tiền mua đất dọc theo các đường phố, họ đành về đây dựng nhà tạm bợ để tiện lợi đánh bắt thủy sản kiếm sống. Mỗi nhà tạm chật hẹp chỉ từ 15 đến 30 m2 làm theo kiểu "nhà rầm" trên mặt nước ven cảng biển Quy Nhơn.
Rác thải dày đặc bủa vây quanh "khu ổ chuột" phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết 10 năm trước, UBND tỉnh Bình Định từng giao cho thành phố làm chủ đầu tư dự án kè chống lấn chiếm kết hợp với chỉnh trang đô thị cho khu vực này với tổng kinh phí 120 tỷ đồng.
10 năm qua, dự án này vẫn chưa thể triển khai vì khó khăn nguồn vốn. Hoàn cảnh kinh tế gia đình của hàng trăm hộ dân nơi đây đối mặt với nhiều khó khăn, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề. "Tỉnh đã giao cho một doanh nghiệp tiếp tục triển khai nhưng họ mới dừng lại khảo sát chứ chưa thấy triển khai dự án. Do vậy khu ổ chuột này vẫn tồn tại giữa TP Quy Nhơn cho đến nay", ông Nam nói.
"Nhà rầm" chật hẹp, nhiều hộ dân giặt đồ hay tắm giặt để xả thẳng xuống mặt nước cảng Quy Nhơn. Bà Nguyễn Thị Hải (ngụ phường Hải Cảng), phàn nàn khu dân cư trong diện quy hoạch giải tỏa nên không thể sửa chữa lớn hoặc xây mới lại nhà.
Nước biển nhuộm đen bên dưới khu nhà "ổ chuột" phường Hải Cảng. "Mọi người sống ở đây cơ cực trăm bề, nhà vệ sinh cũng chỉ lắp ghép vài miếng tôn cũ mà thôi. Nước thải, rác thải sinh hoạt đều xả thẳng xuống nước biển bên dưới đợi thủy triều dâng lên cuốn đi", bà Hải nói.
Những đứa trẻ lớn lên ở khu dân cư này cũng hồn nhiên vứt rác qua cửa sổ trong những lúc ăn, uống. Bà Nguyễn Thị An (ngụ phường Hải Cảng), mô tả hàng ngày mỗi đợt thủy triều lên cuốn theo rác thải, súc vật chết từ khắp nơi tấp vào bên dưới khu "nhà rầm".
Theo cư dân "khu ổ chuột", sau khi thủy triều rút đi, mọi thứ bị kẹt lại bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến nhiều người tức ngực khó thở.
Rác thải bị kẹt lại trên các thanh gỗ bên dưới khu nhà rầm. Khu "ổ chuột" này hình thành sau ngày giải phóng năm 1975. Đến năm 2011, TP Quy Nhơn giải tỏa làm đường Xuân Diệu đã tái định cư cho khoảng 2.000 người dân. Hiện địa phương vẫn còn gần 200 hộ dân sống tạm bợ ở khu nhà rầm gần khu vực cảng cá Quy Nhơn.
Hũ nhựa các loại cùng rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh bên dưới khu nhà rầm. "Khốn khổ nhất là sau những trận mưa, trời bừng nắng lên, ruồi, muỗi sinh sôi nhiều vô kể khiến mọi sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn. Nhiều người ngã bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị dài ngày", ông Trần Hùng (ngụ phường Hải Cảng) lắc đầu ngao ngán.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hải Cảng, cho biết dù công nhân Công ty môi trường đô thị Quy Nhơn nỗ lực thu gom rác thải cả trên bờ lẫn trên biển nhưng khó thể kham nổi.
"Một số hộ dân ở khu nhà rầm thiếu ý thức và nhiều người neo tàu thuyền ở cảng Quy Nhơn vô tư vứt rác thải xuống biển gây ô nhiễm nặng. Cùng với nỗi lo rác thải làm phát sinh dịch bệnh, khu dân cư này còn đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn và thiên tai bất ngờ ập đến gây thiệt hại nặng về người, tài sản", ông Tuấn lo âu.
Mỗi mùa mưa bão, địa phương luôn đưa khu nhà rầm nơi đây vào khu vực nguy hiểm sẵn sàng sơ tán khẩn cấp. "Khi xảy ra mưa bão lớn, chúng tôi di dời toàn bộ số hộ dân sống ở khu vực này đến trú tạm ở nhà cao tầng, trụ sở UBND phường hoặc các trường học kiên cố an toàn", ông Tuấn nói.
Rác thải ùn ứ ở khu nhà rầm phường Hải Cảng, người dân tự gom lại đốt gây khói độc hại xông vào nhiều nhà dân lân cận.
Khu "ổ chuột" (mũi tên đỏ), phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Ảnh: Google Maps.
Gần trường học, mức giá thuê rẻ, những khu ký túc xá được ví như khu ổ chuột tại Nhật Bản, Trung Quốc, Nga vẫn thu hút hàng trăm sinh viên đăng ký mỗi năm.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 20/6 Bí thư Nhân kể ông đến nhà của vợ chồng ông Lực (91 tuổi), bà Giáp (83 tuổi), 2 người sống trong “căn nhà lụp xụp”, chúng tôi đã quay lại đây.