Vào giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi xe tăng của Đức có phần thất thế trước xe tăng Liên Xô và đồng minh, Đức quốc xã đã nghĩ đến việc phát triển một loại xe tăng đặc biệt có tên Panzer VIII Maus.
Các nhà thiết kế Đức muốn bọc giáp dày cho xe. Độ dày giáp phía trước lên đến 460 mm, 250 mm ở vị trí của pháo thủ, 240 mm ở phía trước tháp pháo, 220 mm ở hai bên tháp pháo, 210 mm ở thân xe và 190 mm ở phía sau.
Mẫu thử nghiệm siêu tăng Panzer VIII Maus V1 hoàn chỉnh được đưa vào thử nghiệm trong tháng 6/1944. Ảnh: Militaryfactory. |
Xe tăng Panzer VIII Maus được trang bị pháo chính KwK 44 L/55 128 mm. Pháo 128 mm đủ mạnh để tiêu diệt tất cả các phương tiện bọc thép thời đó trong phạm vi 3.500 mét. Đây được xem là pháo tăng lớn nhất từng được trang bị cho xe tăng.
Bên cạnh đó, siêu tăng Panzer còn được trang bị pháo đồng trục 75 mm cùng một súng máy 7,92 mm. Với dàn hỏa lực này, Panzer VIII Maus có thể dễ dàng được mệnh danh là “vua của các loại tăng”.
Đức Quốc xã dự định sử dụng Panzer VIII Maus như một công cụ để chọc thủng tuyến phòng ngự của đối phương mà không phải chịu thiệt hại. Tới cuối cuộc chiến, 5 chiếc xe tăng Panzer VIII Maus đã được phê duyệt sản xuất.
Hai mẫu thử nghiệm đã được sản xuất vào cuối năm 1944. Trong đó, một chiếc chưa được lắp tháp pháo.
Panzer VIII Maus có chiều dài 10,2 mét, rộng 3,71 mét, cao 3,63 mét, kíp chiến đấu 6 người.
Tuy nhiên, độ dày của giáp cùng các loại vũ khí được trang bị khiến khối lượng chiến đấu của Panzer VIII Maus lên đến 200 tấn. Panzer trở thành chiếc xe tăng chủ lực nặng nhất từng được chế tạo.
Khối lượng của xe tăng quá lớn khiến các nhà thiết kế không thể tìm ra loại động cơ phù hợp cho nó. Mặc dù theo tính toán ban đầu, xe có thể di chuyển với tốc độ 20 km/h nhưng trên thực tế không động nào có thể di chuyển với tốc độ 13 km/h trong điều kiện lý tưởng.
Bên cạnh đó, khối lượng lớn khiến không một cây cầu nào chịu được sức nặng của xe.
Panzer VIII Maus có hỏa lực mạnh, giáp dày nhưng khối lượng quá lớn. Ảnh: Militaryfactory |
Trong 5 chiếc Panzer VIII Maus được lên kế hoạch sản xuất, chỉ 2 chiếc được hoàn thành phần vỏ cùng với một tháp pháo đã được chế tạo.
Vào cuối cuộc chiến, các mẫu Panzer VIII Maus đã chế tạo bị Hồng quân Liên Xô thu giữ. Hiện tại, một nguyên mẫu của siêu tăng Panzer VIII Maus được trưng bày tại bảo tàng xe tăng Kubinka ở Nga.
Nguyên mẫu siêu tăng Panzer VIII Maus được trưng bày tại bảo tàng xe tăng Kubinka ở Nga. Ảnh: Wikipedia. |