Danh sách các doanh nghiệp, các dự án bất động sản nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền lên đến vài nghìn tỷ đồng vừa được Cục Thuế Hà Nội công khai danh tính. Các dự án này chủ yếu tập trung ở các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân...
Đơn cử, Khu chung cư cao tầng và Dịch vụ Phương Đông ở 62 Nguyễn Huy Tưởng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn, nợ hơn 76 tỷ đồng; dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An - 21 Lê Văn Lương của Tổng công ty Thành An nợ 143 tỷ đồng; Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng (hay còn gọi là Sapphire Palace) của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hà Nội Sông Hồng nợ 10,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cũng nợ hơn 150 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại dự án Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại 108 Nguyễn Trãi….
Nhiều dự án chung cư nợ tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư vẫn bán hàng bình thường dù trái luật. |
Hay như dự án khu đô thị mới Phú Lương (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Việt hiện cũng nợ tiền sử dụng đất lên đến 1.544 tỷ đồng. Đơn vị này được UBND TP Hà Nội giãn tiến độ nộp tiền làm 7 quý, mỗi quý doanh nghiệp phải nộp gần 200 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thực hiện được đầy đủ.
Theo quy hoạch, dự án có quy mô trên 344.000 m2, gồm khu nhà thấp tầng, cao tầng và trường học, được khởi công từ năm 2008, nhưng sau đó đã tạm dừng và “đắp chiếu” đến năm 2015 lại tiếp tục khởi động và mở bán qua hàng loạt đơn vị thứ cấp, với mức giá khoảng 21-22 triệu đồng/m2.
Nằm trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), dự án Khu nhà phố Wall của Công ty TNHH Kim Anh được khởi công từ năm 2013, dự kiến hoàn thành vào năm 2016 nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn.
Mặc dù dự án không được triển khai trong một thời gian dài, song các căn liền kề, biệt thự thuộc dự án này vẫn được một số đơn vị rao bán với giá 20-68 tỷ đồng/căn và nói rõ giá bán đã gồm VAT, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng chưa gồm thuế trước bạ, tiền xây dựng.
Thế nhưng, tại danh sách công khai doanh nghiệp nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội thì Công ty TNHH Kim Anh còn nợ đến 74,9 tỷ đồng tiền thuế.
Một số dự án khác như dự án Sapphire Palace ở số 4 Chính Kinh, dự án Diamond Plaza của Handico 6, mặc dù đã hoàn thành công trình và đã bán hết căn hộ cho người mua nhà nhưng vẫn “chây ì” không nộp tiền sử dụng đất.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các dự án có tên trong danh sách nợ tiền sử dụng đất này đều đã được bán trên thị trường. Có dự án đã bán xong, có dự án đang bán và việc làm này là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, theo Điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, những dự án chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng.
Chính phủ quy định rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm các điều kiện trong đó quan trọng nhất là chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
Chính vì thế, đây là thông tin không được các chủ đầu tư công khai với người mua nhà, còn người mua nhà lại chỉ chú ý đến tiến độ xây dựng của dự án. Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, việc chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, nghĩa là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người mua nhà. Nhất là khi làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, người mua nhà sẽ gặp phải nhiều khó khăn.