Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự án khu Nam TP.HCM ngần ngại mở bán vì mùi hôi từ Đa Phước

Việc đưa khách tới dự án thời điểm này được coi là mạo hiểm. Bởi lẽ nếu gặp đúng lúc mùi hôi xuất hiện thì khả năng để chốt được hợp đồng là rất thấp.

Đây là chia sẻ của hầu hết chủ đầu tư cũng như nhân viên kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS có dự án tại khu Nam Sài Gòn.

Ngoài việc các khu dân cư hiện hành đang khổ sở với mùi hôi thì các dự án đã, đang và sẽ mở bán cũng bị đặt vào vòng nguy hiểm vì không thể tính toán tối ưu cho bài toán kinh doanh.

Băn khoăn chuyện mở bán

Nhiều nhân viên kinh doanh của các công ty bất động sản cho hay, hơn một năm nay, khi mùi hôi xuất hiện mạnh ở khu Nam thì thị trường bất động sản ở đây có sự sụt giảm đáng kể.

Bat dong san khu nam Sai Gon anh 1
Thị trường BĐS khu Nam Sài Gòn đang trở nên bị động. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ngoài những dự án đang triển khai bán hàng khó khăn vì bị mùi hôi tấn công những dự án đang có kế hoạch mở bán sau tháng 7 âm lịch cũng phải đau đầu. Bởi lẽ việc mở bán trong khi mùi hôi vẫn chưa được giải quyết chắc chắn sẽ không mang đến hiệu quả tốt nhất.

Đơn cử, tuyến đường nối từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng xuống Phạm Hữu Lầu sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Đây là thời điểm thích hợp để bung hàng vì có thể duy trì đà tăng từ nay cho đến khi thông xe. Ít nhất có 3 chủ đầu tư có dự án biệt thự và chung cư đã tham gia góp vốn xây dựng tuyến đường này, có chủ đầu tư đã xây xong một lốc chung cư hơn 300 căn và chưa bán căn nào.

"Khi mọi việc đang được tính toán kỹ lượng để đón được “điểm rơi” lợi nhuận thì sự cố môi trường bùng phát. Giờ đây để tính toán được thời điểm mở bán cũng khó, chứ chưa nói đến việc bán hàng ra sao?", một doanh nghiệp có dự án trên đường Nguyễn Hữu Thọ cho hay. 

Những nhà đầu tư có khả năng tài chính tốt vẫn cố gắng cầm cự với hy vọng vượt qua ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên với những chủ đầu tư mới khởi động lại dự án sau nhiều năm bỏ hoang thì đây thực sự là bi kịch.

Theo các nhà đầu tư, hai năm nay thị trường BĐS đang có dấu hiệu khởi sắc, họ dồn lực để tái khởi động dự án, hy vọng theo đà thanh khoản tốt. Đến nay sự cố môi trường khu Nam giáng một đòn đau về sức mua.

Chị Thanh Trà, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở khu Nam chia sẻ, trước đây khi liên hệ tìm mua dự án nhiều người chỉ đặt ra những câu hỏi về tiện ích và vị trí cách Phú Mỹ Hưng bao xa. Tuy nhiên trong một tháng trở lại đây, câu hỏi đầu tiên của khách hàng là "khu vực đó có mùi hôi không?"

Thậm chí nhiều khách hàng đã đặt cọc trước đó cũng đề nghị rút lại vì sợ ảnh hưởng về vấn đề mội trường.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc công ty BĐS Việt An Hoà, nhận định nếu tình trạng này tiếp diễn, ảnh hưởng tiêu cực nhất có thể xảy ra là làm suy giảm môi trường đầu tư bất động sản ở khu Nam. Mức tác động ước tính thấp nhất là 30%.

Bên cạnh đó, mặc dù triển khai dự án khá nhiều, nhưng tại khu Nam, Công ty Novaland chỉ mới làm một dự án. Đại diện doanh nghiệp này cho hay sau tháng 7 âm lịch giao dịch ảm đạm, kỳ vọng về tháng 8 sáng sủa hơn cũng bị dập tắt.

Cần phải thẳng thắn và hy vọng

Phần lớn các doanh nghiệp có dự án tại khu vực này đều rất ngại chia sẻ về tình trạng này vì sợ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của dự án. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp vẫn thẳng thắn thừa nhận và mong rằng tình trạng này khắc phục sớm. Họ đồng thời bày tỏ có được sự thông cảm của khách hàng để đầu tư và phát triển lâu dài.

Là một trong những đơn vị lên tiếng đầu tiên về sự cố “bốc mùi” này, Phú Mỹ Hưng là doanh nghiệp bị tác động trực diện nhất. Đây cũng là nơi mỗi năm có hàng nghìn sản phẩm tung ra bán, từ căn hộ chung cư có giá vài tỷ đồng cho đến biệt thự nhiều triệu USD.

Giải thích về việc can đảm dám lên tiếng, không sợ ảnh hưởng tới việc bán hàng đại diện doanh nghiệp này cho biết: “Chúng tôi kiên nghị lên thành phố chính là đưa lợi ích của cư dân lên trên hết vì đây là đối tượng bị tác động trực tiếp. Điều này sẽ dẫn đến việc nhiều khách hàng tương lai có thể ngần ngại và cân nhắc tới ý định đầu tư. Tuy nhiên, hy vọng qua vấn đề này, TP sẽ tìm được giải pháp giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm, để tạo môi trường sống tốt cho người dân cũng như phát triển khách hàng một cách bền vững”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình (Phó tổng giám đốc Công ty BĐS Hưng Lộc Phát - một nhà đầu tư lớn trong khu vực) cho rằng việc giao dịch hiện chịu ảnh hưởng của vấn đề môi trường. Tâm lý e ngại chiếm khoảng 15% khách hàng quan tâm đến dự án.

"Sự cố môi trường vừa ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân trong khu vực, vừa khiến không còn khả năng thu hút các nhà đầu tư vào khu Nam. Điều đó sẽ dẫn đến chủ trương giãn dân ra vùng ven gặp khó khăn", ông nói.

Đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng thông tin về sự cố môi trường tác động không nhỏ đến thị trường của khu vực. Hiệp hội cũng đã hạn chế không nhắc đến tình trạng này để cho thị trường không trở nên quá bi đát. Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư tại đây chia sẻ rằng tình hình giao dịch đang tệ đi. Và tình trạng này kéo dài có thể để ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đặc khu kinh tế Nam Sài Gòn

Mùi hôi xuất phát từ Khu Liên hiệp xử lý rác Đa Phước

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, mùi hôi tại phía nam TP HCM xuất phát từ bãi rác Đa Phước. Căn cứ về việc UBND TP HCM, trực tiếp là Sở TN&MT đã khảo sát, kiểm tra về việc này. Qua ý kiến ban đầu, Sở nhận định hoạt động của toàn bộ khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước là nguyên nhân chính.

Bộ Tài nguyên Môi trường cũng biết ở đây việc xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp với quy trình công nghệ và quy chuẩn được áp dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra phát hiện nhiều hạng mục liên quan đến xử lý nước thải, nước rác đơn cử như cần có các bể chứa, thì chưa hoàn thành.

Quá trình xử lý rác còn liên quan đến quy trình nhận rác, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi và áp dụng công nghệ sinh học hợp lý. Một việc chính nữa là thu được khí phân hủy từ rác và nước phân hủy để xử lý.

Cuộc sống đảo lộn khi ở cạnh bãi rác Đa Phước

Gần 10 năm sống cạnh bãi rác Đa Phước sinh hoạt của người dân bị đảo lộn vì mùi hôi thối. Cá tôm chết hàng loạt khiến nhiều gia đình đứng trước nguy cơ trắng tay.

 

Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm