Dòng sông dài 4.350 km chảy từ Trung Quốc xuống Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang ngày càng trở thành tâm điểm cạnh tranh Mỹ - Trung, theo Reuters.
Một nghiên cứu năm nay của tổ chức Eyes on Earth từ Mỹ cho rằng các đập của Trung Quốc đã giữ một lượng nước lớn vào năm 2019, giữa lúc các nước hạ lưu phải chịu hạn hán nghiêm trọng. Trung Quốc phản bác lại nghiên cứu này.
Sinh kế của khoảng 60 triệu người ở hạ lưu phụ thuộc vào dòng Mekong.
Dự án mới, mang tên Mekong Dam Monitor, một phần do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, sẽ dùng dữ liệu từ các vệ tinh có thể đo đạc xuyên qua các đám mây để tính toán mực nước ở đập của Trung Quốc và các nước khác. Thông tin sẽ được công khai và cập nhật gần như theo thời gian thực, kể từ ngày 15/12.
Một đoạn sông Mekong ở biên giới Lào và Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Một chỉ số khác về “độ ẩm bề mặt” sẽ cho thấy một khu vực nhất định có độ ẩm cao hơn hay thấp hơn so với bình thường, từ đó rút ra xem các dòng chảy tự nhiên đang bị ảnh hưởng thế nào bởi các đập.
“Công cụ theo dõi này sẽ cung cấp bằng chứng rằng 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong được điều phối một cách tinh vi và vận hành theo cách tối đa hóa sản lượng thủy điện các tỉnh phía đông Trung Quốc, mà không quan tâm một chút nào tới ảnh hưởng ở hạ lưu”, theo ông Brian Eyler, từ tổ chức Stimson Center đặt ở Washington, một viện chính sách chuyên về vấn đề này.
Trung Quốc và Mỹ đều có những tổ chức riêng để hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong: nhóm hợp tác Lan Thương - Mekong của Bắc Kinh và quan hệ đối tác Mekong - Mỹ của Washington.