FTX và Alameda Research từng góp vốn vào nhiều dự án blockchain của Việt Nam. Ảnh: The Block. |
Sàn giao dịch FTX và quỹ đầu tư Alameda Research đã nộp đơn phá sản sau khi cạn kiệt thanh khoản, không còn tiền thanh toán nợ. Tại Việt Nam, một số dự án blockchain nổi tiếng cũng từng được hai tổ chức nêu trên góp vốn đầu tư. Người dùng lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng đến các công ty trong nước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết phạm vi ảnh hưởng không lớn bởi tỷ lệ tham gia của FTX/Alameda Research khá hạn chế. Những công ty này cam kết tiếp tục xây dựng dự án với tiềm lực có sẵn, được chuẩn bị trước.
Dự án Việt ít bị ảnh hưởng
Sau khi thảm họa FTX nổ ra, kết thúc bằng việc công ty nộp đơn xin phá sản, The Block tổng hợp hơn 250 dự án được tổ chức này rót vốn. Hầu hết mô hình lớn ở lĩnh vực blockchain gần đây đều có liên quan đến sàn FTX, quỹ FTX Venture hoặc Alameda Research.
Việt Nam nổi lên là một khu vực tiềm năng trong giai đoạn 2020-2022 với nhiều dự án được phát triển, cộng đồng lớn quan tâm đến tiền số. Do đó, một vài dự án nổi bật từ đội ngũ trong nước cũng nhận được sự chú ý của FTX, Alameda, bao gồm Ancient8, Sky Mavis, Coin98, Solscan, Sipher. Đây là số ít tổ chức được đánh giá có hoạt động xây dựng sản phẩm blockchain bài bản tại Việt Nam, giữa lượng lớn GameFi, dự án gọi vốn lừa đảo.
Danh mục đầu tư của FTX/Alameda có hàng trăm dự án. Ảnh: The Block. |
Trước việc FTX phá sản, danh mục đầu tư của công ty được tái cơ cấu để thanh lý nợ, người dùng lo ngại các dự án trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xác nhận với Zing, đại diện từ đội ngũ phát triển cho biết mức độ tác động hiện ở mức nhẹ.
“Alameda Research có tham gia góp vốn vào Ancient8. Tuy nhiên, họ chỉ là một nhà đầu tư nhỏ. Dẫn đầu vòng seed (hạt giống) của chúng tôi là Dragonfly và Pantera. Trong khi đó, vòng private (vòng góp kín) Makers Fund và C2 Ventures là những tổ chức đã tham gia”, ông Thuật Nguyễn, người đồng sáng lập dự án Guide GameFi Ancient8 nói với Zing.
Đồng thời, ông Thuật cho biết dự án đang phát triển chưa phát hành token (tiền số). Do đó, những người tham gia không cần lo ngại việc mất giá. “Tài sản của chúng tôi chưa bao giờ để lưu trữ trên sàn hoặc ví tập trung nào. Tiền luôn ở trong ví Multisig (đa ký)”, ông Thuật xác nhận.
Trong khi đó, đại diện một dự án xây dựng ứng dụng phi tập trung khác cho biết họ vẫn ổn định nguồn vốn bất chấp sự cố từ nhà đầu tư FTX. Công ty này cam kết việc xây dựng và phát triển dự án lâu dài.
Người để tiền trên FTX bị tác động nhiều hơn
Trao đổi với Zing, ông Trần Huy Vũ, người sáng lập Kyber Network nhận định mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụp đổ của FTX đến những dự án Việt không nhiều.
“Đa phần công ty blockchain Việt Nam không nhận FTT làm vốn đầu tư, nên giá token sập chưa có tác động. Đồng thời thông thường, lượng cổ phần hoặc token dự án trả cho FTX, Alameda thường được bán dạng OTC (thị trường thứ cấp) khi thanh lý nợ với giá rẻ. Theo tôi, đa phần dự án Việt Nam có liên quan đến FTX đều không rơi vào tình huống xấu”, ông Vũ nhận định.
Việc FTX phá sản liên đới đến nhiều tổ chức trong ngành tiến số, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, người sáng lập Kyber cho rằng chính những người dùng, tổ chức đặt nhiều tài sản trên sàn FTX sẽ bị mất tài sản. Đây chính là những chủ nợ, có tiền bị mắc kẹt trên nền tảng khi sàn tuyên bố phá sản.
Một vài tổ chức lớn đã lên tiếng về việc mất tiền. Amber Group cho biết họ giữ khoảng 10% tổng số vốn giao dịch trên FTX. Số tiền này hiện không thể rút về. Quỹ Sequoia góp vào sàn giao dịch này 213 triệu USD năm 2021. Khi FTX phá sản, họ nhanh chóng tuyên bố không liên quan và chấp nhận mất trắng số tiền.
Galaxy Digital, Multicoin Capital, Galois, Paradigm, Genesis Trading, Holdnaut… là những công ty khác bị đóng băng tài sản ký quỹ ở FTX. Tổng số tiền trị thiệt hại từ nhà đầu tư tổ chức trị giá hàng tỷ USD. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa lên tiếng.
Ngoài ra, danh mục tài sản bị rò rỉ từ Alameda cho thấy quỹ nắm giữ rất nhiều token hệ SOL (Solana) bên cạnh FTT. Do đó, từ khi sự cố với FTX bắt đầu, giá SOL liên tục giảm. Từ hơn 30 USD/đồng, coin này hiện được giao dịch quanh mốc 12 USD.
Trên toàn thị trường, đa phần đồng tiền số đều chìm trong sắc đỏ. Tổng giá trị vốn hóa của nghành từ 1.000 tỷ USD đã giảm xuống còn khoảng 840 tỷ USD. Chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến công ty blockchain Việt Nam, nhưng thảm họa FTX phủ bóng đen lên toàn thị trường và đẩy ngành tiền số lùi về giá trị của 2 năm trước.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.