Các binh sĩ đầu tiên của liên quân các nước Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) bắt đầu rời khỏi Kazakhstan từ 13/1, một tuần sau cuộc can thiệp chóng vánh. Tổng thống Nga Vladimir Putin miêu tả chiến dịch quân sự diễn ra "chính xác như kim đồng hồ, nhanh, mạch lạc, hiệu quả".
Việc đưa quân tới Kazakhstan là lần đầu tiên CSTO tiến hành can thiệp quân sự kể từ khi tổ chức này thành lập vào thập niên 1990. Chiến dịch giúp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev xoay chuyển cục diện, dập tắt các cuộc biểu tình có nguy cơ khiến ông ngã ngựa, theo Nikkei Asia.
Binh sĩ rời đi, dấu giày ở lại
Trong bối cảnh Nga triển khai quy mô lớn binh sĩ ở biên giới với Ukraine, chiến dịch quân sự của CSTO càng khiến phương Tây thêm hoài nghi Moscow.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá cuộc can thiệp vào Kazakhstan đã tái khẳng định vị trí của Nga, với tư cách cường quốc có ảnh hưởng an ninh lớn nhất ở khu vực Trung Á.
"Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan cho thấy Nga giờ là cường quốc không thể thay thế trong vấn đề an ninh Trung Á. Mỹ đã rời khỏi khu vực này, Trung Quốc chủ yếu quan tâm tới thương mại và đầu tư, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không giúp ổn định tình hình", Stanislav Pritchin, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu hậu Xô Viết, Học viện Khoa học Nga, nói.
Viết trên tạp chí Foreign Policy, chuyên gia nghiên cứu Nga - châu Âu của Đại học Harvard Ingrid Friedman có kết luận tương tự. Bà Friedman cho rằng những thông điệp kêu gọi tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại đã không hiệu quả bằng "dấu giày của binh sĩ Nga trên thực địa".
"Cuộc khủng hoảng Kazakhstan cho thấy những lời lẽ sáo rỗng sẽ không thể giúp thúc đẩy chính sách đối ngoại thực chất. Nếu muốn lãnh đạo (thế giới) bằng những giá trị của mình, Washington trước hết phải xác định nước Mỹ sẵn sàng chiến đấu vì điều gì và sẽ dám đi bao xa", bà Friendman nói.
CSTO ra đời năm 1992, hiện gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan. Tổ chức được thành lập nhằm đối trọng với NATO ở phương Tây, phục vụ nhu cầu an ninh tập thể của các nước thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ.
Binh sĩ CSTO trong lễ duyệt binh trước khi rút khỏi Kazakhstan. Ảnh: Reuters. |
Trước đây, CSTO do Nga khởi xướng bị coi chỉ là "con hổ giấy" khi sau gần 30 năm không có hoạt động nào mang tính thực chất. CSTO bị chỉ trích vì thường từ chối can dự bất chấp kêu gọi của các nước thành viên.
Hai ví dụ điển hình là cuộc cách mạng ở Kyrgyzstan năm 2010 và lời đề nghị trợ giúp của Armenia trong cuộc chiến với Azerbaijan năm 2020.
Chẳng những vậy, CSTO gần như bất lực khi hai thành viên là Tajikistan và Kyrgyzstan nổ ra xung đột biên giới hồi tháng 4/2021.
Nhưng nay, CSTO đã chứng minh liên minh quân sự này không đơn giản chỉ là một tổ chức biểu tượng của các quốc gia Liên Xô cũ.
Viktor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Arsenal of the Fatherland, cho biết bất chấp những chỉ trích của công luận, CSTO đã đạt được nhiều bước tiến thực sự những năm qua.
Năm 2009, CSTO thành lập lực lượng phản ứng nhanh. Trong những ngày đầu, các nước gửi quân tham gia thiếu sự phối hợp cần thiết. Nhưng qua thời gian, CSTO đã tiến hành những hoạt động chung thường xuyên và ngày càng phức tạp hơn.
"Những nỗ lực nói trên đã giúp nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến của các đơn vị thuộc lực lượng phản ứng nhanh", ông Murakhovsky nói.
Xoay chiều khủng hoảng
Khủng hoảng nổ ra ở Kazakhstan hôm 2/1 mang tới cho CSTO cơ hội kiểm tra khả năng của lực lượng phản ứng nhanh với Nga - nước đóng góp phần lớn binh sĩ.
Từ các cuộc biểu tình nhỏ lẻ nhằm phản đối tình trạng giá nhiên liệu tăng phi mã, bạo lực bắt đầu lan rộng ở hàng loạt thành phố lớn tại Kazakhstan, tâm điểm là thành phố Almaty.
Tối 5/1, Tổng thống Tokayev gửi yêu cầu hỗ trợ quân sự từ CSTO nhằm dập tắt các cuộc biểu tình mà nhà lãnh đạo Kazakhstan miêu tả là "những băng nhóm khủng bố" được tài trợ từ nước ngoài.
Theo Reuters, chỉ trong vòng vài giờ, lãnh đạo các nước thành viên CSTO tổ chức tham vấn qua điện thoại để thảo luận đề nghị từ ông Tokayev. Sáng sớm 6/1, CSTO thông báo gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan "trong thời gian giới hạn để ổn định tình hình".
Khoảng 2.500 binh sĩ CSTO được triển khai tới các thành phố lớn ở Kazakhstan. Lực lượng này chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, trung tâm chỉ huy quân sự, sân bay, cơ sở năng lượng và đài truyền hình.
Binh lính Tajikistan lên máy bay Il-76 về nước. Ảnh: Reuters. |
Lực lượng của CSTO được dẫn dắt bởi tướng Andrey Serdyukov, người đứng sau chiến dịch quân sự giúp Nga sáp nhập Crimea năm 2014, đồng thời chỉ huy quân đội Nga ở Syria.
Ông Stanislav Pritchin, chuyên gia Học viện Khoa học Nga, cho rằng dù binh sĩ nước ngoài không trực tiếp tham chiến, sự có mặt của lực lượng CSTO đã làm thay đổi chiều hướng cuộc khủng hoảng.
Đầu tiên, việc triển khai binh sĩ là "liều doping tinh thần" của CSTO dành cho chính quyền Tokayev, với thông điệp bộ máy an ninh của Kazakhstan được liên minh quân sự hậu thuẫn.
Hơn nữa, bằng cách chiếm quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng chiến lược trọng yếu, CSTO cho phép chính phủ huy động lực lượng tiến hành các chiến dịch phản kích dập tắt biểu tình.
"Vào lúc cuộc biểu tình ở cao điểm, rất nhiều điểm nóng khiến lực lượng an ninh Kazakhstan không đủ khả năng hiện diện ở khắp mọi nơi. 2.500 binh sĩ CSTO giúp cởi trói cho lực lượng chính phủ, cho phép họ nhắm vào người biểu tình", ông Pritchin nhận xét.
Trong khoảng thời gian sau ngày 6/1, gần 10.000 người biểu tình đã bị bắt giữ, Bộ Nội vụ Kazakhstan cho hay. Đến 10/1, Tổng thống Tokayev tuyên bố trật tự "cơ bản đã được khôi phục".
Hôm 11/1, nhà lãnh đạo Kazakhstan thông báo nhiệm vụ của CSTO đã hoàn thành, liên quân sẽ rút hết vào 23/1.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/1 cho biết lực lượng CSTO bắt đầu chuyển giao các cơ sở trọng yếu cho nước chủ nhà và lên đường về nước.
Động cơ mạnh mẽ
Sau cuộc can thiệp chóng vánh, vai trò của CSTO trở nên nổi bật tại khu vực Trung Á. Hình ảnh những đơn vị lính dù đổ bộ xuống Almaty sẽ không sớm phai nhạt.
Khác với những cuộc khủng hoảng trước, nguyên nhân chính khiến CSTO hành động ở Kazakhstan là tình trạng bất ổn tại Afghanistan. Từ khi Taliban trở lại nắm quyền, CSTO đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn ở Tajikistan và Kyrgyzstan.
Liên minh cũng tăng cường hợp tác với Uzbekistan, một cựu thành viên của CSTO có đường biên giới chung với Afghanistan.
Hồi tháng 9, CSTO bỏ phiếu tán thành thiết lập ngân sách chung phục vụ nghiên cứu quốc phòng, đồng thời thành lập lực lượng quân cảnh chung.
Xe quân đội Kyrgyzstan chở binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO rời Kazakhstan. Ảnh: Reuters. |
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo tình hình ở Afghanistan "tạo ra nguy cơ xuất khẩu khủng bố và ma túy đến lãnh thổ các nước CSTO".
Một số nhà lập pháp Nga cho rằng tình trạng bạo lực ở Kazakhstan những ngày qua là do các phần tử vũ trang đến từ Afghanistan gây ra.
Nhà báo Murakhovsky cho biết trấn áp Taliban và các nhóm Hồi giáo cực đoan là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy CSTO tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Á.
"Luôn có nguy cơ các phần tử vũ trang xâm nhập qua biên giới phía Nam, hình thành nên các tổ chức khủng bố trong lòng các nước thành viên CSTO. Bởi vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị, thành lập các đơn vị mới, củng cố trao đổi thông tin, đổi mới các cuộc tập trận cho phù hợp", ông Murakhovsky nói.