Trong nhiều thập kỷ, nước Mỹ đã theo đuổi chính sách xích lại gần hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã “bẻ lái” chính sách này trong nhiệm kỳ bốn năm qua của mình.
Ông Trump coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh theo cách gian lận, vì vậy chính quyền ông đã đánh thuế tới 2/3 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giảm lượng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và hối thúc các đồng minh không dùng công nghệ Trung Quốc.
Các cố vấn của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nói họ cũng có chung nhìn nhận về Trung Quốc như chính quyền Trump, rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh gây hại. Điều này cho thấy ngay cả nếu Mỹ thay đổi chính quyền những tháng tới, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn sẽ ở mức cao.
Căng thẳng như vậy sẽ báo hiệu thêm những biến chuyển lớn cho các doanh nghiệp toàn cầu vì họ phải tư duy lại chuỗi cung ứng và các hệ thống công nghệ, trong một thế giới ngày càng chia rẽ. Các nước sẽ đứng trước sức ép phải chọn bên.
Ông Tập và ông Biden (phải) tại một cuộc gặp ở Thành Đô năm 2011. Ảnh: CNN. |
Ông Biden tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc
“Tôi nghĩ có nhận thức rộng rãi trong đảng Dân chủ rằng ông Trump nói khá chuẩn về những hành vi gian lận của Trung Quốc”, Kurt Campbell, quan chức cao cấp về châu Á trong Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Obama, nói với Wall Street Journal.
Các cố vấn của ông Biden nói họ sẽ đẩy mạnh chiến dịch tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao chiến lược như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, và mạng thế hệ mới 5G, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Thuế mà ông Trump đã áp lên Trung Quốc có thể vẫn được duy trì. Dù phê phán cuộc chiến thương mại của ông Trump là gây hại, phía ông Biden không cam kết gỡ bỏ thuế, mà chỉ nói thuế sẽ được xem xét lại. Một số nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội đang vận động duy trì thuế nhằm bảo vệ người lao động Mỹ.
Tuy nhiên, hai ứng viên khác nhau về chiến thuật và thông điệp. Các cố vấn của ông Biden bác bỏ giọng điệu như Chiến tranh Lạnh của ông Trump, và chỉ ra rằng có tới hơn 500 tỷ USD hàng hóa qua lại xuyên Thái Bình Dương giữa hai nước vào năm ngoái, ngay cả trong thương chiến.
“Cách mà ông (Trump) đàm phán và đấu tranh với họ (Trung Quốc) là khá hỗn loạn”, ông Campbell nói.
Ông Biden (phải) đang lắng nghe khi ông Tập phát biểu tại một buổi họp ở Los Angeles năm 2012. Ảnh: AFP. |
Phía ông Trump lại lập luận chính ông Biden đại diện cho hệ thống chính trị mà nhiều thập niên qua đã tạo điều kiện cho Trung Quốc lớn mạnh, đồng thời đã lập ra hệ thống thương mại tự do khiến người Mỹ mất việc làm. Năm 2000, chính ông Biden, nghị sĩ đang có ảnh hưởng nhất về đối ngoại, ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Bill Clinton cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thay đổi đáng kể so với trước
Việc cứng rắn với Trung Quốc cũng sẽ là thay đổi đáng kể đối với ông Biden và đội ngũ cố vấn đối ngoại. Hầu hết trong số họ đã phục vụ chính quyền ông Obama. Một số ý kiến cho rằng chính quyền Obama đã quá mềm mỏng với Trung Quốc.
Ông Biden nói sẽ hợp tác chặt hơn với các đồng minh trong một chiến dịch cùng gây áp lực lên Bắc Kinh. Ông cho rằng như vậy sẽ hiệu quả hơn ông Trump, vốn đang cùng lúc tranh cãi thương mại với nhiều đồng minh như châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Biden cũng nói sẽ ưu tiên hơn nữa việc hợp tác với Trung Quốc đối phó với thách thức toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ông Trump lại cố gắng cô lập Trung Quốc về vấn đề dịch bệnh, và coi nhẹ mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Trung Quốc là nước phát thải carbon nhiều nhất thế giới, và mọi nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Mỹ sẽ phải nhờ đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến việc cứng rắn với Trung Quốc trở nên khó hơn. “Liệu có nên giảm nhẹ cạnh tranh đi nếu có chút khả năng hợp tác? Nếu Trung Quốc cứ gắn hai điều đó với nhau thì sao?”, Thomas Wright, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Viện Brookings, nói với Wall Street Journal.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập rời một sự kiện ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: AFP. |
Cách tiếp cận quốc tế trái ngược của hai ứng viên cũng đến từ quá khứ của họ. Ông Biden có bốn thập kỷ trong chính phủ, tìm cách thúc đẩy hợp tác với lãnh đạo các nước, nhằm định hình trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt. Trái lại, ông Trump vào chính trường rất muộn, đem theo quan điểm chống lại trật tự sẵn có. Ông Trump còn đặt dấu hỏi về giá trị của các liên minh quân sự, như với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hơn bốn thập kỷ qua, các tổng thống cả hai đảng ở Mỹ luôn tìm cách khuyến khích Trung Quốc hội nhập với thế giới. Họ cho rằng làm vậy sẽ có lợi cho Mỹ và tăng sự minh bạch khi Bắc Kinh tuân theo luật lệ quốc tế.
Chính quyền Obama - Biden ban đầu cho rằng ông Tập lên nắm quyền sẽ tiếp tục các chính sách tự do hóa thị trường của những người tiền nhiệm. Thế nhưng, chủ tịch Trung Quốc lại củng cố quyền lực, đảo ngược nhiều chính sách nói trên, khiến phía Mỹ phải thay đổi cách nhìn.
Gần cuối nhiệm kỳ Obama, Mỹ bắt đầu mạnh tay xử lý nạn đánh cắp qua mạng, thách thức yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và kiểm soát chặt hơn đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ. Ông Biden là người đi đầu trong việc chỉ trích Trung Quốc gian lận thương mại, nhưng về hành động thì đa phần chỉ dừng lại ở những kiến nghị lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva.
Cửa hàng đầu tiên của Huawei ở Thâm Quyến. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tổng thống Trump lên nắm quyền đẩy nhanh quá trình cứng rắn với Trung Quốc. Ông chỉ trích WTO quá chậm chạp và yếu ớt. Ông đánh thuế 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chặn các công ty công nghệ Trung Quốc. Gần đây hơn, ông đổ lỗi cho Trung Quốc về dịch Covid-19, tăng tập trận trên Biển Đông, trừng phạt công ty, quan chức Trung Quốc, đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Kinh tế Mỹ bị tác động
“Dù ai đắc cử, chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ còn cứng rắn hơn trong vòng 5 năm tới so với 5 năm qua”, theo Richard Haas, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời George W. Bush, giờ là giám đốc Hội đồng Đối ngoại, một viện chính sách.
Các nghị sĩ Mỹ đã đề ra hơn 200 dự luật về Trung Quốc trong phiên hiện tại (kéo dài một năm) của Quốc hội, gấp đôi số dự luật tương tự ở phiên trước. Trong thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew mùa hè qua, 73% người Mỹ cho biết có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc. Năm 2011, con số đó chỉ là 36%.
Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Tập tại một hội nghị về an ninh hạt nhân ở Washington năm 2016. Ảnh: Getty Images. |
Một hướng phê phán của ông Biden là ông Trump đã gây thiệt hại cho nước Mỹ, mà không thể buộc Trung Quốc có những cải cách kinh tế mà Mỹ mong muốn. Hậu quả là xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sụt giảm, còn các công ty phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc chịu giá cao hơn và bị gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nghiên cứu của Moody’s Analytics năm 2019 ước tính chiến tranh thương mại khiến kinh tế Mỹ mất đi 300.000 việc làm, và 0,3% GDP. Quan chức của ông Trump lại nói những gì mất đi sau cùng sẽ được bù lại bởi các cam kết mua hàng của Trung Quốc theo thỏa thuận thương mại hồi tháng 1.
Ông Biden nói chính sách Trung Quốc của mình cũng sẽ nhấn mạnh việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Ông muốn Mỹ cạnh tranh với Bắc Kinh toàn cầu về những giá trị căn bản, không chỉ về thương mại - đây là chiến lược truyền thống của Mỹ mà ông Trump đã coi nhẹ.
Phó tổng thống Joe Biden ở một lễ đón tại Bắc Kinh năm 2011. Ảnh: AFP. |
Một tổng thống Joe Biden sẽ phải xử lý những chia rẽ trong chính đảng Dân chủ về cách chống Trung Quốc. Một mặt sẽ là quân đội, khi một bên trong đảng muốn cắt ngân sách Lầu Năm Góc, còn bên kia muốn Mỹ tăng cường hỗ trợ các đồng minh ở châu Á.
Một vấn đề chia rẽ khác là thương mại. Nhiều người của đảng Dân chủ phản đối có thêm các hiệp định tự do thương mại. Những người khác lại cho rằng hiệp định tự do thương mại là cần thiết để củng cố các liên minh, cùng kiềm chế Trung Quốc.
Trước khi hết nhiệm kỳ, ông Obama đã đàm phán xong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 nước, và ông Biden cũng ủng hộ. Tuy nhiên, ông Trump đắc cử và rút Mỹ khỏi TPP. Giờ đây, chiến dịch ông Biden nói việc gia nhập lại TPP không phải là ưu tiên.