Ở 7 kỳ AFF Cup trước, tuyển nữ Việt Nam đều nằm trong top 3, trong đó có 2 lần lên ngôi vô địch (2006, 2012). Nhưng dưới sự dẫn dắt của tân HLV Norimatsu Takashi, ĐTVN chơi không thành công dù được thi đấu trên sân nhà. Đội toàn thắng 3 trận ở vòng bảng nhưng thua Thái Lan 1-2 ở bán kết và thất bại 3-4 trước U20 Australia ở trận tranh hạng 3.
VFF kỳ vọng HLV Takashi sẽ giúp tuyển nữ Việt Nam cải thiện về thành tích, trình độ để hướng ra sân chơi châu lục. Tuy nhiên, thời gian làm quen với bóng đá nữ Việt Nam quá ngắn đã khiến ông chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thành tích của HLV Takashi kém hơn 2 người tiền nhiệm, gần nhất là HLV nội Mai Đức Chung.
HLV Takashi thất bại ở giải đấu đầu tiên dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam. |
Tại ASIAD 2014, ông Chung giúp ĐTVN đánh bại nữ Thái Lan 2-1 ở trận tứ kết, tạo được bước tiến lịch sử cho bóng đá nữ Việt Nam khi lần đầu vào Top 4 ở sân chơi châu lục. Với những con người từng thất bại 1-2 trước Thái Lan tại trận tranh vé dự World Cup 2015 vài tháng trước đó, cựu HLV của B.Bình Dương giúp họ lột xác hoàn toàn.
Bằng kinh nghiệm dày dạn, chiến thuật sắc bén và am hiểu đối thủ, HLV Mai Đức Chung giúp tuyển nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan. Đây là trận thắng duy nhất của nữ Việt Nam trước đối thủ trong 4 lần gặp nhau gần nhất.
Khả năng của HLV Takashi cần được kiểm chứng, nhưng việc thất bại ở AFF Cup vừa qua cho thấy một số hạn chế của ông. Trong đội hình dự giải, vị HLV người Nhật Bản giữ lại 12 cầu thủ từng dự ASIAD, nhưng đội không có đối sách hợp lý ở hai trận đấu cuối dẫn đến việc thua ngược bởi những sai lầm ở hàng thủ.
Thể lực và kinh nghiệm trận mạc và những điểm yếu lớn của tuyển nữ Việt Nam tại AFF Cup vừa qua. |
Lý giải về thất bại của đội tại AFF Cup vừa qua, ông Mai Đức Chung cho biết: “Thời gian chuẩn bị quá ngắn là bất lợi cho ĐTVN, bởi các cầu thủ khó lòng tạo được sự gắn kết tốt nhất, còn Thái Lan đã thi đấu cùng nhau nhiều năm trời. Bên cạnh đó, các cầu thủ có dấu hiệu suy giảm về thể lực ở giai đoạn cuối. Sau 3 trận vòng bảng thi đấu tưng bừng, đội tỏ ra hụt hơi ở bán kết và trận tranh hạng 3”.
Việc chuẩn bị quá gấp gáp là nguyên nhân chính khiến ĐTVN không đạt thành tích như mong đợi. Đội được tập trung từ ngày 16/4, chỉ có hai trận giao hữu gặp U14 Hà Nội T&T và U14 PVF trước khi bước vào giải. Chiến lược gia người Nhật Bản thậm chí còn không thuộc hết tên các học trò nên gặp không ít khó khăn trong quá trình huấn luyện. Ông cũng thừa nhận không hiểu hết các học trò cũng như bóng đá khu vực. Đây là điều có thể thông cảm với một HLV mới đến Việt Nam được 3 tháng.
HLV Takashi đánh giá các học trò không yếu thể lực sau trận thua Thái Lan. Tuy nhiên, nhìn vào 5 bàn thua cuối cùng của ĐTVN tại giải, có thể thấy hậu vệ Việt Nam đều không theo kịp các cầu thủ tấn công to, khỏe của Thái Lan, U20 Australia. Điểm yếu này khó có thể cải thiện trong thời gian ngắn.
Tuyển nữ Việt Nam thua thiệt về nhiều mặt so với Thái Lan ở thời điểm này. |
HLV Takashi mạnh dạn trẻ hóa đội tuyển, đặt niềm tin vào cầu thủ mới thuộc lứa 9x. AFF Cup là khởi đầu của một giai đoạn mới, dù thành tích không như mong đợi, ông thầy người Nhật Bản đã thu được những tín hiệu lạc quan khi giúp ĐTVN chơi có đường nét rõ ràng, bài bản và không còn căng cứng về tâm lý như trước. Nhiều cầu thủ còn trẻ như Tuyết Dung (1993), Hồng Nhung (1992), Vũ Thị Nhung (1992), Huỳnh Như (1991), Nguyễn Thị Liễu (1992)... đã là trụ cột ở đội tuyển.
Sau thành công của HLV Miura với bóng đá nam, VFF kỳ vọng ông Takashi sẽ làm được tương tự với đội nữ. Vị HLV sinh năm 1968 sẽ còn một chặng đường dài để chứng minh niềm tin vào thầy Nhật của VFF không bị đặt nhầm chỗ.