Đại sứ quán Anh tại Hà Nội ngày 6/3 cho biết họ "lấy làm tiếc" sau khi truyền thông đưa tin một phụ nữ Việt Nam bị mất việc tại một hội chợ nghệ thuật ở Anh vì định kiến về dịch virus corona, nói rằng đây không phải là quan điểm của chính phủ Anh.
An Nguyen, một giám tuyển người Việt, đăng lên mạng xã hội ảnh chụp email mà cô nhận được từ Raquelle Azran, người định giá và giám tuyển chuyên mảng mỹ thuật đương đại Việt Nam, đã không cho cô tiếp tục giữ vai trò trợ lý cho triển lãm tại Hội chợ Nghệ thuật Giá cả Phải chăng (AFF).
Trong thư, bà Arzan nói "dù công bằng hay không, người châu Á đang bị xem là người mang virus" và do đó, "sự hiện diện của bạn tại gian hàng (trưng bày) đáng tiếc sẽ khiến khán giả do dự bước vào không gian triển lãm", theo Guardian.
Ban tổ chức AFF sau đó đã đình chỉ gian hàng của bà Arzan tại hội chợ, đồng thời yêu cầu bà rút lại các phát ngôn và đưa ra lời xin lỗi đầy đủ. Bà Arzan đã xin lỗi vì hành động "thiếu nhạy cảm" và "cho thấy sự đánh giá kém" của bà.
Một phụ nữ đeo khẩu trang tại London, Anh. Dịch virus corona đã làm gia tăng tình trạng phân biệt chủng tộc tại Anh cũng như nhiều nơi. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc này", Đại sứ quán Anh tại Việt Nam nói trong thông báo được đăng trên Facebook hôm 6/3. "Các quan điểm được thể hiện trong email đó không phải là của ban tổ chức sự kiện hay của chính phủ Anh".
Đại sứ quán cũng khẳng định Anh hiện không khuyến cáo rằng công dân Anh hạn chế đến Việt Nam và ngược lại, cũng không giới hạn việc công dân Việt Nam đến Anh.
"Chúng tôi hy vọng nhiều người nhất có thể ở Anh sẽ tới tham dự hội chợ nghệ thuật này, và có cơ hội gặp gỡ tất cả giám tuyển và nghệ sĩ đã cùng tạo nên chương trình tuyệt vời này", thông báo nêu.
Dịch virus corona chủng mới, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm gia tăng tình trạng phân biệt chủng tộc với người gốc Á tại Anh cũng như trên toàn cầu, khi họ phải hứng chịu những cái nhìn ái ngại lẫn những lời xúc phạm tại nơi công cộng, trên mạng xã hội.
Hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải virus) từng là phong trào trên Twitter với những câu chuyện phân kỳ thị người gốc Á được chia sẻ rộng rãi tại Pháp sau khi nước này ghi nhận những ca bệnh đầu tiên.