Trong không gian riêng tư, bạn đời đại sứ Mỹ nói với Zing.vn rằng ưu tiên hàng đầu của họ là vun đắp quan hệ Việt - Mỹ và chăm lo hai đứa con, nên rất ít thời gian dành cho nhau.
- Thưa ngài đại sứ, sau khi rời ngành ngoại giao, ở vai trò mới thì ông sẽ tiếp tục đóng góp vào quan hệ Việt - Mỹ như thế nào?
- Đại sứ Ted Osius: Tôi muốn trở lại lĩnh vực giáo dục, đó là cách mang lại tương lai cho người trẻ. Đó cũng là lựa chọn của tôi trong tương lai, vì giáo dục sẽ là lĩnh vực giúp tôi tiếp tục gắn kết với Việt Nam. (Tối qua, ĐS Osius đã thông báo trên Facebook cá nhân rằng ông sẽ chuyển vào TP.HCM để đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Đại học Fulbright kể từ đầu năm tới - PV)
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi cũng hy vọng có thể tiếp tục đạp xe thăm thú các nơi ở Việt Nam. Đây thực sự là một hoạt động mà tôi rất yêu thích. Từ Hà Nội vào Huế hoặc Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng… tôi từng đạp xe ở những nơi này và hy vọng có thể tiếp tục (đạp xe qua nhiều nơi khác) ở Việt Nam.
- Ông nghĩ thế nào về nền giáo dục và cách dạy con của người Việt Nam, cần cải thiện hoặc thay đổi những gì?
- Ông Clayton Bond: Tôi nhận thấy rất rõ là văn hoá Việt Nam rất yêu thương trẻ em. Các em được dành nhiều tình thương, được trân trọng. Chúng tôi thấy rõ điều này qua những người Việt đang giúp chăm sóc con của chúng tôi. Tất cả những người làm việc trong căn nhà này đều có tình yêu thương dành cho trẻ con, và các con của tôi được hưởng thụ tình cảm đó một cách trực tiếp.
- Đại sứ Ted Osius: Không nhiều nơi trên thế giới có công trình nổi bật như ở Việt Nam là Văn Miếu 1.000 năm tuổi. Điều đó cho thấy việc học tập và giáo dục không chỉ được xem là giá trị cơ bản ở thủ đô mà là khắp cả nước.
Tôi cũng từng là giáo viên và nhận thấy người dân ở đây dành sự tôn trọng rất lớn dành cho giáo viên. Tôi từng dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Vào ngày tri ân nhà giáo, các học sinh cũng mang quà và hoa đến tặng tôi.
Nghề giáo rất được tôn trọng trong xã hội Việt Nam, những người thầy cô chỉ xếp sau đấng sinh thành. Từ doanh nhân thành đạt đến các chính trị gia đều dành sự tôn trọng cho thầy cô giáo. Tôi hy vọng nền giáo dục Việt Nam được cải thiện tốt hơn, giáo dục đại học khởi sắc và đột phá hơn, các học sinh được khuyến khích hỏi những câu hỏi hóc búa hơn. Đó sẽ là những thay đổi to lớn giúp Việt Nam đạt được các thành tựu quan trọng.
Tóm lại, tôi cho rằng sự tôn trọng nghề giáo cũng như những cam kết dành cho giáo dục chính là tinh thần chung của mọi gia đình người Việt, là một trong những giá trị cơ bản làm nên Việt Nam.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về những điểm mạnh và điều cần khắc phục với ngành giáo dục ở Việt Nam?
- Đại sứ Ted Osius: Tỷ lệ người dân biết chữ ở Việt Nam rất cao. Đó là một điểm thuận lợi. Điểm thuận lợi này phát huy tốt ở những cấp tiểu học và trung học cơ sở. Chương trình giáo dục ở các cấp này rất tốt. Các em đến trường học đọc, học viết, học về lịch sử, văn hoá đất nước. Nhưng khi đến các cấp cao hơn, như bậc đại học, thì có những hạn chế. Đó là lý do nhiều gia đình cho con em đi du học.
Chúng tôi có nhiều quan hệ đối tác với các trường đại học Mỹ, và hy vọng có thể mang những giá trị của họ về triển khai ở Việt Nam. Hy vọng rằng sự ra đời của Đại học Fulbright Việt Nam sẽ giúp thay đổi bức tranh giáo dục đại học ở Việt Nam. Vì chương trình giảng dạy hướng đến khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi khó, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân, sự sáng tạo.
Tôi nghĩ rằng tinh thần doanh nhân đã vốn có và được trân trọng ở Việt Nam. Rất nhiều người đã sẵn sàng khởi nghiệp, xây dựng một điều gì mới, lấp vào những nơi còn thiếu sót hoặc đang có nhu cầu. Đây là làn sóng đang được ủng hộ và nó sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam. Nền giáo dục đại học hiện đại cần nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo này. Đó cũng là con đường giúp Việt Nam thịnh vượng hơn.
- Đại sứ Osius rất bận rộn với công việc vun đắp cho quan hệ Việt - Mỹ. Vậy ngài ấy chia sẻ việc chăm con như thế nào? Những điều gì mà người bạn đời đã làm khiến ông thấy biết ơn nhất?
- Ông Clayton Bond: Các con gọi Ted là Papa. Tôi rất yêu thích những khoảnh khắc nhìn các con chơi với papa. Đó là niềm vui lớn của tôi. Và Ted rất giỏi trong việc này.
Anh ấy cũng ủng hộ quan điểm và cách làm của tôi trong việc nuôi dạy con. Chúng tôi rất coi trọng việc dạy cho lũ trẻ về cách sống và những giới hạn (trong cư xử), về việc đối xử với người khác và với bản thân chúng như thế nào. Các con cần tôn trọng chúng tôi như những bậc phụ huynh, tôn trọng những đứa trẻ cũng là con nuôi trong cuộc sống.
- Đại sứ Ted Osius: Học cách chia sẻ với người khác cũng là điều không dễ dàng với những đứa trẻ.
- Ông Clayton Bond: Thực ra khi tôi nói về sự tôn trọng đã bao gồm việc chia sẻ. Chẳng hạn chúng sẽ xử sự như thế nào khi người khác lấy đi món đồ của chúng.
- Do đặc thù công việc của các ông nên những đứa trẻ cũng phải thay đổi môi trường sống liên tục. Các con của ông thích ứng với điều này như thế nào?
- Ông Clayton Bond: Tôi nghĩ chúng tôi cần ở bên các con trong mọi hoàn cảnh, theo dõi các con thích ứng như thế nào, có gặp rắc rối gì hay không, những quyết định của chúng tôi sẽ ảnh hưởng chúng như thế nào... Chúng tôi chọn trường mẫu giáo rất kỹ lưỡng, cân nhắc những chương trình nào tại trường là phù hợp cho con.
- Bận rộn với công việc của phu quân đại sứ, ông vẫn hoàn thành chương trình tiến sĩ luật song song với chăm sóc các con. Ông cân bằng những việc này thế nào?
- Ông Clayton Bond: Không có gì quan trọng với tôi hơn là việc nuôi con và quá trình phát triển của chúng. Bản chất công việc của hai chúng tôi khác nhau. Ted bận rộn với việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Đó là việc rất quan trọng và tôi hoàn toàn ủng hộ những gì anh ấy làm.
Vì vậy, công việc chủ yếu của tôi là chăm sóc các con, bảo đảm quá trình phát triển của chúng diễn ra bình thường và tự nhiên. Đó là một phần lý do tôi rời khỏi ngành ngoại giao để có thể tập trung vào gia đình.
- Hai ông dành những khoảnh khắc riêng tư cho nhau như thế nào?
- Đại sứ Ted Osius: Điều đầu tiên, khi chúng tôi cùng chăm sóc con nghĩa là chúng tôi đang ở bên nhau, như khi hai bố cùng cho các con đi ngủ.
- Ông Clayton Bond: Tôi nghĩ vai trò và trách nhiệm của chúng tôi khác nhau. Trở thành đại sứ Việt Nam là mơ ước của Ted và tôi ủng hộ anh ấy sống trọn vẹn với ước mơ. Là viên chức chính phủ, Ted đang thực hiện những mục tiêu to lớn vì lợi ích của cả nước Mỹ và Việt Nam. Nên tôi tôn trọng điều ấy.
Tôi cũng chia sẻ thật với bạn rằng “thời gian cho nhau” không phải là ưu tiên lúc này của chúng tôi. Mối ưu tiên là công việc của Ted và các con.
- Đại sứ Ted Osius: Mỗi năm một lần, chúng tôi “lẻn” ra ngoài, đến ăn tối tại một khách sạn cách đây không xa, để có không gian riêng của chúng tôi. Nhưng việc đó chỉ xảy ra một lần trong năm thôi (cười). Chúng tôi thực sự không có nhiều thời gian riêng tư với nhau.
Tôi biết một số cặp đôi sẽ có kiểu “đêm hẹn hò đáng nhớ” (a date night) nhưng chúng tôi chưa có dịp.
- Ông Clayton Bond: Chúng ta nên như vậy.
- Hơn 10 năm hôn nhân, hai người hẳn đã có những khoảnh khắc bất đồng. Vậy bí quyết để dàn xếp điều này của các ông là gì?
- Ông Clayton Bond: Chúng tôi luôn nói thẳng và thành thật về vấn đề, cảm xúc của mỗi người như thế nào. Cặp đôi nào cũng sẽ có lúc bất đồng, không kiểu này thì kiểu khác. Nhưng chúng tôi giữ nguyên tắc là luôn tâm sự thẳng thắn với nhau.
- Trong những sinh hoạt đời thường, tôi để ý rằng ngài đại sứ vẫn hay trìu mến gọi ông Bond là “tình yêu của tôi” (my dear - PV). Vậy bí quyết để duy trì hạnh phúc của các ông là như thế nào?
- Đại sứ Ted Osius: Như tôi đã nói đấy, việc liên tục trao đổi là rất quan trọng, về cả những điều bạn đồng tình hoặc không. Phải luôn trò chuyện cùng bạn đời của mình. Đôi khi Clayton là người thúc giục tôi chia sẻ về để hiểu chuyện gì đang xảy ra, thỉnh thoảng thì ngược lại. Tóm lại, tôi nghĩ điều then chốt là duy trì tâm sự chia sẻ với nhau.
- Ông Clayton Bond: Tôi muốn nói thêm rằng chúng tôi có một số nguyên tắc như tôn trọng và luôn tin tưởng nhau.
- Đại sứ Ted Osius: Và tôn trọng những giá trị mà chúng tôi cùng theo đuổi.
- Trở lại việc ông nói sẽ rời ngành ngoại giao. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối về chuyện này. Vì sao ông muốn như vậy?
- Ông Clayton Bond: Thời gian chúng tôi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam và chuẩn bị cho giai đoạn tới khá bận bịu. Tôi nghĩ mình không thể cùng lúc sắp xếp việc rời nhiệm sở và làm việc toàn thời gian (ở Bộ Ngoại giao). Tôi cần thời gian để cân bằng cuộc sống.
Ngoài ra với tôi thì không có gì quan trọng bằng gia đình. Ted có một công việc rất bận rộn nên trước mắt trong vài tháng tới, một trong hai chúng tôi cần tập trung hơn cho việc chăm sóc gia đình.
Đó là lý do ngắn hạn. Còn về lâu dài, tôi muốn theo ngành luật nên đã học để trở thành luật sư. Giờ tôi đã có giấy phép hành nghề luật sư. Tôi tin rằng niềm đam mê và mục đích của mình là dùng luật pháp để đảm bảo công lý.