Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Drogba trải lòng về Chelsea qua tự truyện mới ra mắt

Huyền thoại của Chelsea tâm sự về các đồng đội cũ Lampard và Terry, đồng thời lý giải vì sao Torres không thể lấy lại được phong độ, cho dù Chelsea tạo điều kiện hết khả năng.

Trong cuốn tự truyện mới phát hành có tên “Commitment" (tạm dịch: Cam kết), huyền thoại Didier Drogba của Chelsea dành nhiều trang để kể về những người đồng đội trong máu áo của The Blues.

Kỷ niệm mà Drogba nhớ nhất trong màu áo Chelsea là màn ngược dòng thần kỳ trước Bayern Munich trong trận chung kết Champions League 2011/2012. Ở trận đấu ấy, Drogba suýt chút nữa từ “hero” (người hùng) biến thành “zero” (tội đồ).

Drogba ghi bàn thắng bằng vàng gỡ hòa cho Chelsea ở phút 88. Nhưng trong hiệp phụ, chính anh là người phạm lỗi với Robben. Sau đó, cầu thủ chạy cánh người Hà Lan sút hỏng quả phạt đền và đường đi của trái bóng còn khó tin hơn: bóng bật cột và trượt qua lưng của Cech trong gang tấc.

Drogba ăn mừng chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2014/2015 của Chelsea. Ảnh: Getty.

Trong trận đấu kỳ dị này, ngoại trừ Ashley Cole, không có cầu thủ chân trái nào sút thành công từ chấm 11 m (Mata, Robben, Ivica Olic đều hỏng ăn).

Ngoài sự ưu ái của thần may mắn cho Chelsea, yếu tố khiến Robben sút hỏng penalty có thể là những lời khích tướng của Drogba.

Trước khi Robben bước lên chấm đá phạt, Drogba tiến đến gần chàng hói và rỉ tai: “Cậu từng là cầu thủ Chelsea, làm ơn đừng sút vào. Mà dù sao thì Cech biết cậu sút hướng nào rồi. Cậu cố gắng cũng vô ích".

Bên cạnh câu chuyện vui về màn nắn gân Robben, Drogba cũng tiết lộ lý do vì sao một sát thủ như Torres lại nhanh chóng hóa thân từ “hope” (niềm hy vọng) thành “flop” (thất bại).

“Ở Liverpool cậu ấy là vị vua, là người được trọng vọng nhất. Còn ở Chelsea, có lẽ cậu ấy cũng là vua, nhưng là vua nước nhỏ. Chelsea có tới 22 ông vua nước lớn”.

Torres gia nhập Chelsea với giá chuyển nhượng 50 triệu bảng – kỷ lục nước Anh thời điểm ấy. Dù tỏa sáng rực rỡ ở Liverpool nhưng anh thất bại về thành tích ghi bàn ở Chelsea. Còn nếu xét về danh hiệu, Torres đại thành công khi về Chelsea.

“Bằng tất cả sự tôn trọng, tôi hoàn toàn thấu hiểu rắc rối của Torres. Anh ấy không hòa nhập được với lối chơi và bị áp lực của con số 50 triệu bảng đè lên vai. Ở Liverpool, cậu ấy với Gerrard mà xưng là số 2 thì không ai dám nhận là số 1”.

Drogba là thủ lĩnh khuấy động phong trào ở Chelsea. Ảnh: Getty.

“Lối chơi của Liverpool thời đó xoanh quanh hạt nhân Torres. Bóng được nhồi cho Torres thường xuyên, không phải vì người khác không sút được mà vì HLV chỉ đạo như vậy. Torres được phép loanh quanh ở vòng cấm. Nhưng ở Chelsea thì không bao giờ có chuyện ấy, tiền đạo cũng phải tích cực phòng ngự và tự tìm cơ hội. Nhưng đó là trước thời Torres đến, sau đã khác. Vậy thì tôi nghĩ nguyên nhân Torres sa sút là do chính bản thân cậu ấy”.

Chính Drogba cũng từng có thời gian bị đày ải lên ghế dự bị vì ông chủ Abramovich chỉ thị các HLV Chelsea phải dùng Torres, nếu không muốn ra đường. Drogba thổ lộ nhiều người buông lời gièm pha anh: “Cái anh này qua tuổi 30 rồi, chạy vài chục phút là xin ra ngoài ngồi thở dốc”.

Drogba hiểu và đồng cảm với quyết định đưa Torres của BLĐ Chelsea. Đội bóng Tây London lúc ấy bắt đầu công cuộc chuyển giao thế hệ, khi những trụ cột như Terry, Cech hay chính bản thân Drogba rục rịch chuẩn bị kế hoạch tương lai cho cuộc sống không bóng đá.

Drogba nói thêm: “Từ khi Torres về, HLV của Chelsea không những bị ép đưa cậu ấy ra sân mà còn bị ép phải xây dựng lối chơi quanh cậu ấy”.

Thầy cũ Ancelotti sau khi rời Chelsea từng nhận định Drogba sẽ bị bán đi để nhường chỗ cho Torres, bởi vì chàng tiền đạo người TBN thường có xu hướng “nuốt chửng những kẻ cạnh tranh”. Dù vậy, Drogba nhấn mạnh trong cuốn tự truyện là anh luôn hết sức giúp đỡ người đồng nghiệp mới.

“Tôi muốn cậu ấy hòa nhập nên cố gắng thay đổi cách chơi. Bạn biết đấy, thay đổi bất cứ điều gì ở người trưởng thành là điều khó khăn. Tôi tập cách lùi lại phía sau hoặc chơi rộng sang hai biên, hóa thân thành “số 10 ảo” để Torres tiến lên".

"Hai năm trước, tôi thường đá cặp tiền đạo với Anelka và khi Torres đến, tôi chấp nhận hy sinh. Chúng ta đều biết, Torres chưa bao giờ lấy lại được phong độ đỉnh cao. Vấn đề là ở cậu ấy”.

Drogba thừa nhận anh cũng từng ở vào tình thế tương tự Torres hiện tại. Đó là ngày mới đến Chelsea từ Marseille năm 2004. Hồi ấy, Drogba thậm chí còn không thèm tập luyện chăm chỉ, trái ngược với Torres. HLV Mourinho từng giải thích lý do ông chọn Torres và bỏ Lukaku thế này: “Torres sút hỏng mà được phạt góc thì cậu ấy lập tức chạy đến lấy bóng và đặt vào vị trí đá phạt. Lukaku thì không, cậu ấy đứng yên, vuốt tóc và ôm đầu tỏ vẻ tiếc nuối”.

Drogba kể là anh có ấn tượng mạnh với một cầu thủ cao lớn, mạnh mẽ, trông rất trẻ, luôn tập luyện chăm chỉ với nguồn năng lượng dự trữ dồi dào.

Sau nhiều ngày quan sát cầu thủ to con ấy, anh hỏi 1 đồng đội khác: “Này anh chàng kia là ai thế?". Đồng đội bảo: “John Terry – người được quy hoạch làm đội trưởng tương lai đấy”. Rồi anh ta ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Vậy mà lời nói đùa của anh đồng đội với Drogba sau này lại thành sự thật. Lần lượt Drogba (2 lần), Lampard rồi Cech rời Chelsea.

Tất cả ra đi nhưng Terry vẫn còn lại ở Stamford Bridge. Drogba bảo, anh chẳng cần nhìn đâu xa để học hỏi, cứ nhìn sự chuyên nghiệp của Terry - người kém anh 2 tuổi.

Drogba tin truyền thông tạo áp lực lớn cho anh trong 2 năm đầu ở Chelsea. Nhưng các đồng đội và HLV Mourinho quá tuyệt vời. Họ cho anh sự bao dung và ủng hộ khó tin. Lampard từng ra sức thuyết phục anh ở lại Chelsea hồi mùa hè năm 2006.

Thời đỉnh cao, Drogba là ác mộng của hầu hết hậu vệ của Ngoại hạng Anh. Sức càn lướt và tì đè của Drogba là cực tốt. Anh nhiều lần ghi bàn ở tư thế hiếm ai nghĩ anh có thể ghi bàn. Ảnh: Getty.

“Lúc ấy 90% tôi sẽ dứt áo ra đi. Tôi quá mệt mỏi với truyền thông Anh. Nhưng Lampard giữ chặt tôi ở Stamford Bridge. Tôi nhớ mang máng là cậu ấy nhắn cho tôi thế này: “Chào DD (viết tắt của Didier Drogba), tôi hy vọng anh sẽ ở lại. Vì chúng ta đã sát cánh bên nhau vô địch Ngoại hạng Anh. Mục tiêu Champions League vẫn còn dang dở và chúng ta nhất định phải hoàn thành”.

“Tôi nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại và mong ngóng tin nhắn tiếp theo. Tuy nhiên đợi chờ là khá vô ích bởi Lampard không phải người nói nhiều. Vẻ lãnh đạo của cậu ấy toát ra trên sân bóng và bằng các bàn thắng cùng đường chuyền, không phải sự lên gân quát nạt hay ra lệnh. Cùng Terry, Lampard là thủ lĩnh đích thực của đội bóng. Tôi rất khâm phục hai cậu em này”.

“Đoạn tin nhắn giúp tôi đả thông hoàn toàn tư tưởng. Tôi cần ai đó nói thẳng rằng họ cần tôi đến mức nào”, Drogba kết lại phần kể về các đồng đội ở Chelsea.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm