Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dragon Capital bán hơn 46 triệu cổ phiếu Hòa Phát

Quỹ ngoại lớn nhất thị trường bán mạnh khoản đầu tư tại "vua thép" Việt Nam để thu về khoảng 1.800-2.300 tỷ đồng sau 4 tháng.

Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý đã thông báo bán tiếp 1,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vào ngày 29/3.

Giao dịch này khiến tổng sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital giảm từ 224 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,01%) trước giao dịch xuống còn 222,6 triệu cổ phiếu (4,98%). Theo đó quỹ ngoại lớn nhất tại Việt Nam đã không còn là cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát.

Đây là hành động thoái vốn liên tục của Dragon Capital bởi trước tháng 12/20221 thì quỹ đầu tư trên vẫn còn nắm giữ 268,6 triệu cổ phiếu HPG, tương đương hơn 6% vốn của Hòa Phát.

Như vậy, chỉ trong khoảng 4 tháng vừa qua, nhóm nhà đầu tư này đã bán hơn 46 triệu cổ phiếu HPG. Đây là giai đoạn cổ phiếu biến động khoảng 40.000-50.000 đồng, tạm tính Dragon Capital đã thu về số tiền khoảng 1.800-2.300 tỷ đồng.

Hành động thoái vốn khối lượng lớn của quỹ đầu tư này cũng khiến HPG trở thành một trong các cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn nhất. Khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 75 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng giá trị hơn 3.400 tỷ đồng kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Hoa Phat,  co phieu,  Dragon Capital anh 1

Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong một năm gần nhất. Đồ thị: TradingView

Tính đến hết phiên giao dịch 1/4, thị giá HPG đạt mức 45.700 đồng, giảm 21% so với vùng đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 10/2021. Theo đó khối cổ phần mà Dragon Capital còn nắm giữ có giá trị thị trường trên 10.000 tỷ đồng.

Gần đây cổ đông Hòa Phát đã gửi nhiều đề xuất đến ban lãnh đạo tập đoàn về việc cân nhắc mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu dao động về mức thấp, trong khi doanh nghiệp có nguồn tiền mặt dồi dào.

Tuy nhiên đại diện Hòa Phát khẳng định không có chủ trương mua cổ phiếu quỹ cho rằng do quy định đã có thay đổi, buộc phải giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu mua lại. Điều này sẽ làm mất cân đối vốn và không tương xứng với quy mô tập đoàn hiện tại.

Bên cạnh đó điều này còn vi phạm cam kết với các tổ chức, định chế tài chính đang cấp tín dụng cho Hòa Phát. Khi Hòa Phát vay tiền đã cam kết không giảm vốn điều lệ và sẽ thông báo với ngân hàng khi có thay đổi.

Hòa Phát có 22.471 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 18.236 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Song, tập đoàn cũng vay ngắn hạn 43.747 tỷ đồng và vay dài hạn 13.465 tỷ đồng.

Theo báo cáo kinh doanh 2 tháng đầu năm, tập đoàn công nghiệp này sản xuất 1,4 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Bán hàng thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn cán nóng đạt 1,34 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ. Con số này chưa bao gồm gần 200.000 tấn ống thép và tôn mạ Hòa Phát đã cung ứng cho thị trường.

Năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát hiện đạt trên 8 triệu tấn/năm, tức khoảng 700.000 tấn/tháng. Trong đó riêng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất chiếm sản lượng 5,6 triệu tấn/năm (bao gồm 2,6 triệu tấn phôi thép và 3 triệu tấn HRC/năm).

Vì sao Hòa Phát không mua cổ phiếu quỹ?

Ban lãnh đạo khẳng định không có chủ trường mua cổ phiếu quỹ do có những thay đổi trong quy định pháp luật cũng như giữ cam kết với các tổ chức tín dụng.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm