Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Hòa Phát không mua cổ phiếu quỹ?

Ban lãnh đạo khẳng định không có chủ trường mua cổ phiếu quỹ do có những thay đổi trong quy định pháp luật cũng như giữ cam kết với các tổ chức tín dụng.

Kết thúc phiên giao dịch 1/4, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đóng cửa ở mức 45.700 đồng. So với vùng đỉnh lịch sử 58.000 đồng hồi tháng 10/2021, thị giá của "ông trùm" ngành thép Việt Nam đã mất hơn 21% giá trị, tương đương giá trị vốn hóa bốc hơi hơn 55.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh trên, ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết nhận được nhiều đề xuất của cổ đông về việc cân nhắc mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu dao động về mức thấp và công ty có nguồn tiền mặt dồi dào.

Trước đây, các công ty đại chúng có thể mua cổ phiếu quỹ với mục đích đầu tư, bình ổn giá và bán khi giá cổ phiếu tăng cao. Hòa Phát cũng đã từng mua cổ phiếu quỹ sau đó bán ra khi có nhu cầu.

Dù vậy, hiện quy định về mua cổ phiếu quỹ đã có thay đổi. Từ năm 2021, công ty đại chúng mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu mua lại theo Điều 36 Luật Chứng khoán năm 2019, như vậy cổ phiếu quỹ đó sẽ không bán được.

Hoa Phat,  co phieu quy,  binh on gia anh 1

Cổ phiếu HPG mất hơn 21% giá trị từ vùng đỉnh. Đồ thị: TradingView.

Hiện, vốn điều lệ của tập đoàn mẹ Hòa Phát là 44.729 tỷ đồng; trong khi tổng vốn điều lệ của các công ty con cấp 1 thuộc tập đoàn khoảng 63.100 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng vốn điều lệ của các công ty con đang lớn hơn vốn điều lệ tập đoàn mẹ. Do vậy nếu mua cổ phiếu quỹ, vốn điều lệ của tập đoàn sẽ giảm hơn nữa, dẫn tới mất cân đối và không tương xứng với quy mô hiện tại.

Hơn nữa, điều này còn vi phạm cam kết với các tổ chức, định chế tài chính đang cấp tín dụng cho Hòa Phát. Khi Hòa Phát vay tiền đã cam kết không giảm vốn điều lệ và sẽ thông báo với ngân hàng khi có thay đổi.

Hòa Phát có 22.471 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 18.236 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Song, tập đoàn cũng vay ngắn hạn 43.747 tỷ đồng và vay dài hạn 13.465 tỷ đồng.

Với các lý do trên, ban lãnh đạo Hòa Phát khẳng định không có chủ trương mua cổ phiếu quỹ trong thời gian này.

Tập đoàn Hòa Phát hiện là doanh nghiệp đầu ngành thép tại Việt Nam và cũng đang là công ty sở hữu quy mô tiền mặt lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp tính đến cuối năm 2021 nắm giữ hơn 40.700 tỷ đồng gồm tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn; tăng gần 19.000 tỷ đồng trong năm ngoái nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh.

Năm ngoái, tập đoàn được điều hành bởi tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu tăng 65% lên mức kỷ lục 150.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên cán mốc 34.520 tỷ đồng (1,5 tỷ USD).

Dù sở hữu lượng tiền mặt lớn, nhà sản xuất thép này vẫn tăng cường vay nợ ngân hàng. Hòa Phát có tổng cộng hơn 57.200 tỷ vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) tại cuối năm 2021, cao hơn 6% so với một năm trước.

Mới đây tập đoàn này còn ký kết hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn của Việt Nam - dẫn đầu bởi Vietcombank - để thu xếp khoản vay hợp vốn 35.000 tỷ đồng nhằm tài trợ cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Đây là dự án sản xuất thép có quy mô hơn 280 ha với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Nhiều đại gia cầm cố cổ phiếu vay tiền ngân hàng

Ngoài FLC, Masan, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… đều là những doanh nghiệp thường xuyên sử dụng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm