AP cho biết kết thúc phiên giao dịch ngày 5/2, chỉ số Dow Jones đã giảm 1.175 điểm, tương đương 4,6% và về mức 24.346 điểm. Mức giảm trong ngày này cũng phá mốc sụt giảm kỷ lục 778 điểm hồi tháng 9/2008 của khủng hoảng tài chính.
Tại đỉnh điểm sụt giảm, chỉ số Dow Jones đã bị giảm đến 1.597 điểm khi cơn bán tháo diễn ra gần như hoảng loạn. Chỉ trong 15 phút, Dow Jones đã mất đến 700 điểm trước khi phục hồi trở lại đôi chút.
Hai ngày sụt giảm liên tục đã xóa sạch phần tăng kể từ đầu năm đến nay và chấm dứt giai đoạn liên tục phá các kỷ lục của Dow Jones. Lợi suất trái phiếu cùng lo ngại lạm phát tăng được cho là nguyên nhân chính của đợt bán tháo.
"Khi các lãi suất tăng thì thường các điều kiện tài chính sẽ siết lại, cho vay ngân hàng, vay cầm cố sẽ chậm lại và lúc đó thì kinh tế sẽ nguy cơ chậm lại", Mona Mahajan, chiến lược gia đầu tư của Allianz Global Investors ở New York, nói.
Các công ty, từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ đến công nghiệp, đều chịu tổn thất. Các công ty năng lượng "chìm xuồng" cùng giá dầu.
Màn hình tràn ngập màu đỏ khi kết thúc phiên giao dịch ngày 5/2 ở Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP. |
Sáng nay, chứng khoán châu Á cũng tiếp tục đà rớt mạnh trên một loạt thị trường. Chỉ số Nikkei ở sàn chứng khoán Nhật giảm hơn 1.000 điểm (tương đương 4,5%). Thị trường Hàn Quốc cũng rớt 2% trong khi chỉ số Hang Seng ở Hong Kong rớt 3,9%.
Đà xuống của thị trường bắt đầu từ hôm 2/2 - phiên cuối tuần trước - khi có dấu hiệu lạm phát tăng và lãi suất cơ bản có thể tăng. Phiên đầu tuần tiếp tục đà giảm sau khi một số ngân hàng có dấu hiệu lỗ. Chỉ số của Wells Fargo sụt tới 8% sau khi FED công bố mức phạt mới với ngân hàng này.
Các chuyên gia về thị trường đã dự đoán điều này sẽ xảy ra, họ lưu ý rằng sự sụt giảm khoản 10% hoặc hơn là bình thường trong một thị trường đang "nóng". Điều đã không xảy ra trong 2 năm qua.
"Chuyện này giống như một đứa trẻ vừa đi dự tiệc về, sau một buổi chiều ăn đầy bánh và kem, và một chiếc bánh nhỏ ăn thêm cũng làm nó khó chịu", AP dẫn lời David Kelly, chiến lược gia toàn cầu của hãng tư vấn JPMorgan Asset Management.
Ông nói rằng các chỉ dấu lạm phát và lãi suất tăng không quá tệ như thoạt trông, và sau khi thị trường đã tăng mạnh trong năm 2017 và đầu 2018, chứng khoán hẳn phải đi xuống một chút.
CNN cho biết trong lúc phiên giao dịch ngày 5/2 đóng cửa với kết quả là Dow Jones giảm mạnh, Tổng thống Donald Trump đang ở bang Ohio và nói về thành tựu kinh tế của chính quyền ông.
Trong lúc tổng thống phát biểu, màn hình tivi ở Cánh Tây của Nhà Trắng, bao gồm cả màn hình của Fox News, đã chiếu song song cả bài phát biểu của tổng thống lẫn điểm Dow Jones đang sụt.
CNN cũng lưu ý dù vừa sụt giảm kỷ luật, chỉ số Dow Jones trong hiện tại vẫn cao hơn thời điểm ông Trump nhậm chức.
CNN chiếu bài phát biểu của tổng thống ở một công ty công nghiệp tại Ohio và cập nhật chỉ số chứng khoán bên dưới. Ảnh: CNN. |
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones là chỉ số bình quân giá của 30 loại cổ phiếu quan trọng nhất được giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York và Sàn giao dịch NASDAQ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ra đời vào năm 1896 và là chỉ số chứng khoán được theo dõi nhiều nhất thế giới.