Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đợt trục xuất lớn nhất lịch sử' của ông Trump sẽ diễn ra như thế nào?

Dù Tổng thống đắc cử Donald Trump và các đồng minh có nhiều tuyên bố cứng rắn về việc trục xuất hàng loạt người nhập cư, nỗ lực này nhiều khả năng sẽ vấp phải các rào cản pháp lý.

Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến huy động hàng loạt cơ quan thuộc chính phủ liên bang để thực hiện lời cam kết "tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử".

Với tiền đề từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump được cho là đang cố gắng sử dụng toàn bộ nguồn lực có thể và tạo áp lực buộc các "thành phố trú ẩn" phải hợp tác với nỗ lực trục xuất người nhập cư, Reuters dẫn 6 nguồn tin là các cựu quan chức và đồng minh của ông Trump cho biết.

Các "thành phố trú ẩn"

Ngày 18/11 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Trump xác nhận sẽ tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" để "sử dụng quân đội" nhằm trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Trước đó, trong quá trình tranh cử, chính trị gia gốc New York cũng nhiều lần tuyên bố sẽ tiến hành quá trình trục xuất ngay ngày đầu tiên quay lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng.

"Vào ngày đầu tiên, tôi sẽ bắt đầu chương trình trục xuất lớn nhất lịch sử nước Mỹ để loại bỏ những tên tội phạm", ông Trump phát biểu tại cuộc mít tinh trên quảng trường Madison (New York) hồi tháng 10.

Tổng thống đắc cử đã nhiều lần sử dụng từ "tội phạm" trong các phát ngôn của mình. Về lý thuyết, khi một cá nhân vượt biên trái phép, người đó đã vi phạm pháp luật. Điều đó đồng nghĩa rằng toàn bộ người nhập cư vào Mỹ trái phép đều nằm trong diện có thể bị trục xuất dưới thời ông Trump, theo MSNBC.

Theo dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew, trong số 130 triệu hộ gia đình tại Mỹ, khoảng 5,6 triệu hộ có người nhập cư không có giấy tờ. Số liệu này đồng nghĩa rằng cứ 25 gia đình ở Mỹ thì có 1 gia đình quen biết hoặc có mối quan hệ với người nhập cư không có giấy tờ.

Donald Trump truc xuat anh 1

Chiến dịch trục xuất hàng loạt của chính quyền ông Trump trong tương lai dự kiến sẽ tốn kém một lượng lớn nhân lực và kinh phí. Ảnh: New York Times.

Trước động thái cứng rắn của ông Trump đối với vấn đề nhập cư, ngày 19/11 (giờ địa phương), Hội đồng Thành phố Los Angeles đã thông qua sắc lệnh "thành phố trú ẩn", ý chỉ những địa phương "từ chối hợp tác hoàn toàn với lệnh bắt giữ của chính quyền liên bang đối với những người nhập cư không có giấy tờ", theo Britainnica.

Anthony Romero, giám đốc điều hành Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), nói rằng tổ chức của ông cũng đang làm việc với giới chức tại các thành trì của đảng Dân chủ để nắm được kế hoạch hành động của họ.

Các Thống đốc Gavin Newsom của California, Maura Healey của Massachusetts và JB Pritzker của Illinois đều đang thảo luận về cách để bảo vệ cộng đồng người nhập cư tại các tiểu bang này, theo MSNBC.

Trong khi đó, tại các bang bảo thủ, đơn cử như Texas, các khoản đầu tư lớn đang được đổ vào các trại giam giữ tạm thời. Quá trình trục xuất hàng triệu người dự kiến sẽ đem lại nguồn thu cho các cơ sở này.

Một số trung tâm tư nhân đã bị điều tra với cáo buộc ép những người bị tạm giam làm việc với mức lương rất thấp, chỉ khoảng 1 USD mỗi giờ.

"Tất cả phụ thuộc vào ngân sách"

Những người ủng hộ ông Trump dự đoán rằng tổng thống đắc cử sẽ kêu gọi công chức liên bang, bao gồm từ binh sĩ đến các nhà ngoại giao nước ngoài, để biến lời hứa trục xuất hàng loạt thành hiện thực.

Nỗ lực của ông Trump nhiều khả năng sẽ yêu cầu sự trợ lực từ các tiểu bang bảo thủ và sử dụng kinh phí của chính phủ liên bang để chống lại các rào cản pháp lý, theo Reuters.

Trong quá trình tranh cử, Thượng nghị sĩ JD Vance, phó Tổng thống đắc cử đảng Cộng hoà, ước tính rằng chiến dịch trục xuất hàng loạt do ông Trump khởi xướng có thể loại bỏ khoảng 1 triệu người nhập cư mỗi năm.

Những người phản đối việc trục xuất hàng loạt người nhập cư cảnh báo rằng nỗ lực của ông Trump có thể gây chia rẽ, tốn kém và kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Donald Trump truc xuat anh 2

Sau khi ông Trump tuyên bố sẽ sử dụng quân đội để tiến hành trục xuất, nhiều địa phương đã cân nhắc thông qua đạo luật "thành phố trú ẩn" để bảo vệ người nhập cư. Ảnh: New York Times.

Các cuộc thăm dò ý kiến của Edison Research cho thấy 39% cử tri cho rằng phần lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ nên bị trục xuất trong khi 56% trả lời rằng họ nên được phép nộp đơn xin tư cách cư trú hợp pháp.

Hoạt động trục xuất hàng triệu người nhập cư sẽ đòi hỏi phải huy động nhiều sĩ quan, một lượng lớn cơ sở tạm giam và nhiều thẩm phán toà án di trú hơn. Hội đồng Di trú Mỹ ước tính chi phí trục xuất 13 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ vào khoảng 968 tỷ USD và và quá trình có thể kéo dài đến một thập kỷ.

Tom Homan, người được ông Trump chọn vào vị trí "ông trùm biên giới" trong chính quyền tương lai, nói trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 10 rằng quy mô của các đợt trục xuất sẽ phụ thuộc vào nguồn nhân lực và số cơ sở tạm giam.

"Tất cả phụ thuộc vào ngân sách", ông Homan nói.

Chiến dịch trục xuất sắp tới của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump được dự đoán sẽ vấp phải sự phản kháng từ các nhân viên chính phủ có tư tưởng đối lập, bao gồm các viên chức sàng lọc người di cư xin tị nạn.

ACLU và các nhóm ủng hộ người nhập cư đã chuẩn bị cho những cuộc chiến pháp lý tại toà trong trường hợp tổng thống đắc cử muốn thị phạm quyền lực, theo Reuters.

Lee Gelernt, một luật sư của ACLU, cho biết hơn 15 luật sư tập trung vào vấn đề nhập cư của văn phòng quốc gia ACLU đã dành hơn 12 tháng qua để chuẩn bị cho khả năng ông Trump trở lại nắm quyền.

Một số người ủng hộ ông Trump cho rằng tổng thống đắc cử có thể sẽ hành động quyết liệt hơn tại Bộ Ngoại giao trong nhiệm kỳ thứ hai. Bởi lẽ, trong lần đầu nắm quyền Nhà Trắng, ông Trump đã gặp khó khăn trong việc yêu cầu các quốc gia khác nhận lại công dân của họ.

Chính quyền ông Trump cũng chật vật trong việc thuyết phục những nước láng giềng như Mexico ngăn công dân của họ tiếp cận biên giới với Mỹ.

Donald Trump truc xuat anh 3

Chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu đã gặp khó khăn trong việc ngăn dòng người nhập cư đổ về biên giới Mỹ. Ảnh: Reuters.

Stephen Miller, kiến ​​trúc sư đứng sau các chính sách nhập cư trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, từng nói vào năm 2023 rằng lực lượng Vệ binh Quốc gia từ các tiểu bang hợp tác có khả năng được triển khai đến các tiểu bang kháng cự để hỗ trợ trục xuất. Điều này có khả năng gây ra các cuộc chiến pháp lý.

Vào ngày 3/11, trong một cuộc mít tinh ở thành phố Macon, bang Georgia, ông Trump nói rằng bản thân sẽ viện dẫn Đạo luật chống Kẻ thù Ngoại bang 1798 khi đắc cử tổng thống. Hành động này gần như chắc chắn sẽ vấp phải các thách thức pháp lý tại toà án.

Theo đạo luật trên, những người nhập cư Mỹ không có giấy tờ sẽ chịu án tử hình nếu giết hại một công dân Mỹ khác.

Theo Trung tâm Tư pháp Brennan, Đạo luật chống Kẻ thù Ngoại bang 1798 từng được viện dẫn 3 lần trong lịch sử: cuộc chiến năm 1812, Thế chiến I và Thế chiến II.

Trung tâm Brennan và một số tổ chức khác đã kêu gọi Quốc hội Mỹ bãi bỏ luật này.

"Nhiều người lo ngại rằng chính quyền ông Trump sẽ tìm cách sử dụng luật này để biện minh cho việc giam giữ vô thời hạn và trục xuất người nhập cư khỏi nước Mỹ một cách nhanh chóng và không cần quá trình xem xét lại của tòa án", Naureen Shah, phó giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ của ACLU, đã viết vào cuối tháng 10.

George Fishman, cựu quan chức Bộ Anh ninh Nội địa trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cho biết chính quyền tương lai sẽ cần phải chứng minh rằng những người nhập cư được chính phủ nước ngoài gửi đến thì mới có thể trục xuất họ được.

Chân dung thống đốc giúp ông Trump trở lại Nhà Trắng

Greg Abbott, Thống đốc Texas, đã góp phần đưa cuộc khủng hoảng biên giới ra tâm điểm của sự chú ý khi gửi hàng trăm nghìn người nhập cư đến các thành trì của phe Dân chủ.

Los Angeles phản ứng sau tuyên bố trục xuất hàng loạt của ông Trump

Hội đồng Thành phố Los Angeles ngày 19/11 (giờ Mỹ) đã thông qua sắc lệnh "thành phố trú ẩn" để bảo vệ người nhập cư sau tuyên bố sẽ trục xuất hàng loạt của ông Donald Trump.

Người nhập cư gốc Haiti ở Ohio lũ lượt rời đi sau khi ông Trump đắc cử

Nỗi lo bị trục xuất hàng loạt vào ngày 20/1/2025 đã khiến một bộ phận cư dân gốc Haiti ở Springfield, Ohio, kéo nhau rời đi tới các địa phương hoặc thậm chí là quốc gia khác.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm