Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột nhập hai cơ sở bò bơm nước ở Đồng Nai

Sau khi bơm nước, bò liêu xiêu đứng dậy vùng vẫy, bụng căng phồng, chúi đầu xuống nền xi măng, ọc ra máu và tăng trọng khoảng 10 kg.

Gần đây, khi nhiều lò mổ các tỉnh miền Tây “án binh bất động” vì bị cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao thì nhiều lò mổ trâu bò ở Đồng Nai vẫn hoạt động công khai, nhộn nhịp. 

Sau nhiều ngày xâm nhập vào hai lò mổ Hiển và Danh ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh bơm nước cho bò tăng trọng trước khi xẻ thịt. Mỗi ngày có khoảng 60-70 con trâu, bò được các thương lái đưa về hai lò này để giết mổ.

Bơm nước 2-3 lần trước khi giết mổ

Một người đàn ông đang bơm nước vào họng các co bò.

15h ngày 1/12, tại lò mổ Hiển có 6 chiếc xe tải lớn nhỏ tỏa đi tứ hướng để chở trâu, bò. Sau vài giờ, những chiếc xe tải lần lượt chở bò về lò mổ. Các lái bò Đục, Quang ở xã Sông Mây, Oanh ở khu Bàu Cá, Dũng ở khu Giang Điền, Chương ở xã Bình Minh, Bảy ở Suối Đá (huyện Vĩnh Cửu) bắt đầu xuất hiện ở lò mổ Hiển.

Đến giờ bơm nước, lái bò tên Đục lần lượt buộc 5 con bò vào tường rào cạnh hai vòi nước. Sau đó, Đục lấy một ống nước nhựa dài khoảng 1,5m màu xanh, to bằng cổ tay ra chỗ bò đang buộc rồi xả van nước. 

Với biệt danh “sát thủ” bơm nước nhanh và gọn, Đục kéo dây xỏ mũi bò vắt lên tường rào cho đầu bò ngẩng, miệng há. Không tốn chút sức nào, Đục thọc ống nước đang chảy xối xả vào họng bò. Lúc này con bò lắc mạnh đầu vùng vẫy nhưng dây buộc chặt, nó đành bất lực, đứng yên chịu trận.

Bơm khoảng nửa phút, thấy bụng bò đã căng, Đục dừng lại, rút ống nước. Tiếp đến, Đục cầm chiếc ống nhựa dài 1,5 m thọc vào cổ họng đến gần ngập hết cái ống rồi thụt ra thụt vào, đồng thời thả dây buộc. Bò thở hồng hộc, lảo đảo chúi đầu, nước màu xanh cùng cỏ phun ra từ miệng con bò.

Khi bò vừa ói xong, Đục tiếp tục ấn vòi nước vào cổ họng bò đến khi thấy bụng bò căng cứng, nước miệng trào ra thì dừng lại. Thấy bò ọc ra nhiều cỏ, một lái bò đứng gần đó lên tiếng: “Anh bắt mấy con này ăn no quá nhỉ?”. “Ừ, phải tháo hết ra rồi bơm lại cho nó thấm”, Đục giải thích. 

Dứt lời, Đục tiếp tục kéo vòi bơm lần lượt với các con khác. Đến con cuối cùng Đục dừng lại, nói: “Con này thấy yếu quá, chân đứng không vững, bị bệnh chắc rồi, bơm giờ chết ngay”. 

Chỉ 15 phút Đục đã bơm xong số bò của mình rồi chuyển chúng buộc ra chỗ khác để nhường chỗ cho các lái lò khác bơm nước bò của họ. Bò vừa bơm nước bước đi liêu xiêu, đầu chúi xuống, nước trong miệng vẫn không ngừng rỉ ra.

Gần 22h, ngoài hàng chục lái bò còn có hơn 40 người của lò mổ tập trung chuẩn bị cho công việc của mình. Lúc này chủ lò mổ cầm một quyển sổ ghi chép số lượng bò của các thương lái làm thịt trong đêm. Một lúc sau, các lái bò tiếp tục bơm nước tăng hai, cũng có một số người không dám bơm nữa vì “một số bò còn non, sợ bơm nhiều vỡ thịt, chủ lò mổ trừ tiền...”.

Bò tăng 10 kg sau khi bơm nước

Còn tại lò mổ Danh nằm gần cuối con đường trong khu Đồng Lách của xã Hố Nai 3, khu vực nhốt bò được chủ lò xây dựng thấp hơn mặt đường hơn 1m, có tường cao bao bọc xung quanh và dùng lưới vây kín để tránh những con mắt nhòm ngó. Vì đang trong thời điểm nhiều lò mổ bị kiểm tra nên chủ lò Danh cũng hết sức cảnh giác với những người lạ mặt lảng vảng quanh lò mổ của mình.

Bò sau được bơm nước ọc ra nhiều máu, đầu chúi xuống nền xi măng vùng vẫy và tăng trọng được  khoảng 10kg.

Chiều 9/12, trong khu nhốt có 20 con bò chờ giết mổ. Sau đoạn đường dài vận chuyển từ nhiều tỉnh đến, không được ăn uống nên tất cả bò đều bị hóp bụng vì đói. Một lái bò hơn 40 tuổi, mặc quần ngắn, ở trần kéo chiếc ống nước đang chảy xối xả cầm theo một đoạn ống nhựa tiến lại con bò. Sau khi nối đoạn ống nhựa ngắn với ống nước đang chảy, lái bò nhanh chóng thọc ống nước vào cổ bò. 

Khoảng một phút, thấy nước trong miệng ói ra, lái bò liền giật ống nối, nước màu xanh chảy ào ra theo ống nhựa. Đây là khâu “rửa ruột”, một trong các công đoạn bơm nước của các lái bò. 

Sau màn “rửa ruột”, lái bò lại nối vòi nước vào ống nhựa để bơm nước vào bò. Hai phút sau, bụng bò căng phồng, bò vùng vẫy, nước miệng trào ra thì lái bò mới rút vòi nước. Bò chúi đầu xuống nền xi măng, ọc máu cùng với nước.

Hình như việc bơm nước bò ọc máu là chuyện bình thường nên người đàn ông không chút chùn tay, tiếp tục thọc ống nước vào bò kế bên. Tuy nhiên, con bò này nhỏ và yếu hơn nên khi bị bơm nước, bò không chịu nổi lập tức ọc nước, ngã quỵ. 

Thấy vậy chủ lò mổ lên tiếng: “Con này non, yếu nên bơm ít thôi, không chết bây giờ”. Người bơm dừng tay, bò liêu xiêu đứng dậy dựa vào bức tường. Hơn một phút sau, con bò này thải ra màu nước đỏ au...

Theo các lái bò, muốn “ngon lành” thì phải bơm ít nhất hai lần, nếu được ba lần là tốt nhất, mỗi lần cách nhau khoảng 4-5h. Nếu bơm gấp thịt bò bị trắng, rỉ nước nhiều nhìn không còn ngon thì sẽ bị lò trừ tiền sau khi cân. 

Sau khi bơm nước, mỗi con bò tăng trọng trên dưới 10 kg tùy trọng lượng từng con. Khi giết mổ xong, chủ lò sẽ tính tiền trả cho lái buôn để nhận thịt. Số lượng thịt bò này hầu hết được tiêu thụ ở các đầu mối tại TP.HCM.

Cận cảnh bơm nước cho bò tại các  lò mổ ở Đồng Nai.

Dân phản ánh nhưng cơ quan chức năng không xử lý

Theo quan sát của PV, lò mổ Hiển, Danh (Đồng Nai) đều không đảm bảo vệ sinh môi trường. Lò mổ Hiển thiết kế ống thoát nước lớn nối qua khu đất trống để cho chất thải chảy xuống phía sau lò mổ. 

Đặc biệt, lò mổ Danh nằm trong khu dân cư nhưng vẫn xả hết chất thải xuống kênh bên cạnh gây hôi thối nồng nặc. Người dân nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng không thấy xử lý.

Long An: Sẽ đóng cửa lò giết mổ sai phạm

Chiều 14/12, ông Phan Ngọc Châu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, cho biết: Hiện lái bò trên địa bàn tỉnh không bơm nước bò tại lò giết mổ mà tổ chức bơm bên ngoài. 

“Chi cục Thú y tỉnh Long An cấm đưa bò bơm nước vào lò để giết mổ. Nếu lò nào sai phạm sẽ bị đóng cửa”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Châu, từ ngày 20/11 đến nay Chi cục Thú y tỉnh Long An đã phạt hơn 60 triệu đồng các trường hợp vi phạm vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, do tăng cường giám sát tại các lò giết mổ nên nhiều lái bò đã chuyển địa bàn hoạt động. 

“Khi biết lái bò chuyển đến địa phương nào thì Chi cục Thú y tỉnh Long An sẽ báo với chi cục thú y của địa phương đó để tiếp tục giám sát”, ông Châu nói.

Cùng ngày, ông Huỳnh Thanh Hải, Trạm phó Trạm Thú y quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết sau khi cơ quan thú y TP.HCM kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình đưa thịt bò bơm nước vào chợ Phạm Văn Hai (TP.HCM) thì tình trạng thịt bò bơm nước đưa vô chợ mất hẳn.

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 9 và 12/12, Trạm Thú y quận Tân Bình phát hiện ba xe tải vận chuyển hơn 3,5 tấn thịt bò bơm nước từ lò Năm Xuân và Bảy Vân (đều thuộc Long An) vào chợ Phạm Văn Hai tiêu thụ. Hiện toàn bộ số thịt nói trên đang bị tạm giữ, chờ kết quả xét nghiệm để xử lý.

http://plo.vn/thoi-su/dot-nhap-hai-co-so-bo-bom-nuoc-o-dong-nai-516194.html

Theo Văn Vũ - Trần Ngọc/Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm