Hàng loạt hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đã bị xử phạt ngay sau công văn số 8706 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm ngăn chặn tình trạng bơm nước vào động vật.
Sau khi một số lò giết mổ gia súc tại Đồng Nai, Long An, Tiền Giang bị “bể mánh”, mỗi ngày vẫn có khoảng 50-60 con bò được lái buôn đưa về cơ sở giết mổ gia súc Võ Thị Vân (thường gọi là lò Vũ Ngọc). Tại đây, các lái buôn có thể bơm nước ngay cả khi cán bộ thú y đang có mặt. Sau khi giết mổ, thịt bò được chuyển cho các đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM mà không hề bị xử lý.
Út bơm nước cho bò, bên cạnh là một con bò bị sặc nước gục xuống, đầu đập vào nền xi măng. |
Xỉu thì tắm cho tỉnh!
Một buổi tối tháng 11, trong vai một tài xế xe chở bò, chúng tôi có mặt trên đoạn đường cách đường rẽ vào chùa Long Tân ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ khoảng 200 m. Đường vào lò Vũ Ngọc đã xuống cấp nghiêm trọng vì mỗi ngày cả trăm lượt xe tải qua lại. Thỉnh thoảng tiếng “ầm ầm” dội đến từ phía sau do xe dính ổ gà khiến gần chục con bò bị nhốt đứng loạng choạng va vào thùng xe.
Thấy tôi chạy chậm, N. lái bò quê An Giang nói: “Cứ chạy bình thường đi, bò vào lò này có gãy chân cũng không bị trừ tiền”. Gần đến nơi, N. gọi điện thoại cho một người của lò nói: “Ê cha nội, coi giùm cái ống nước bữa tui giấu trên máng xối còn đó không, hôm nay bò nhiều lắm nghe”.
Khoảng 20h, xe chở bò vào đến lò Vũ Ngọc, một thanh niên ra mở cửa. Lò mổ có hai cổng được ngăn cách bởi một bức tường để chia đôi khu chuồng bò với khu giết mổ. Trong số bốn xe tải khác đã đậu từ trước, một xe 3,5 tấn chở hơn 10 con bò đến từ Đồng Tháp.
Thấy chúng tôi cho bò xuống xe, tài xế xe An Giang biển số 67C-02823 hỏi T.: “Bữa giờ có qua lò Thái (tên một lò mổ khác nằm cùng huyện) không?”. T. trả lời: “Bên đó thú y “quần” dữ quá, ổng phải kêu lính cắt nước hết rồi. Nghe nói mới hôm kia bị phát hiện bơm nước, phải đóng cửa rồi”.
Tài xế xe tải biển số 60V-8055 đứng gần đó hưởng ứng: “Vô đây là đúng rồi, chứ không cho bơm nước ai mà mang bò tới”. Sau gần nửa tiếng sắp xếp cho bò ở khu chuồng phía bên phải từ ngoài cổng đi vào, N. dẫn tôi đi vòng qua khu vực giết mổ để vào phòng khách nghỉ ngơi. Trên đường đi, chúng tôi băng ngang một chuồng nhỏ nhốt gần 10 con bò Úc.
Khu vực giết mổ của lò Vũ Ngọc rộng gần 300 m2 nhưng do còn sớm nên vắng vẻ, năm nhân viên giết mổ tập trung ở phòng khách xem tivi. Toàn bộ khu vực lò mổ đều được quan sát qua camera, trước khu vực giết mổ là tấm bảng “cấm quay phim, chụp hình”. Cách chúng tôi khoảng 3m, một nữ cán bộ thú y khoảng 30 tuổi đang nói chuyện với nhân viên lò mổ và cho biết chuẩn bị về nhà.
20 phút sau, cán bộ thú y tên Phạm Thị Tám bước đến, đi vòng ra khu vực chuồng bò. Thấy vậy, một lái bò tên Út tỏ vẻ bực bội: “Giờ này còn đi ra đó thì sao mà bơm”. Người đàn ông tên Út đủng đỉnh: “Ngày nào cũng vậy, mà ngày nào tui cũng bơm được”.
Lò giết mổ Vũ Ngọc. |
Khoảng 20h45, cán bộ Tám đứng ngay trước chuồng T. đang nhốt bò nói chuyện với Út. Út năn nỉ: “Tám đi vô đi, đứng đây muỗi cắn”. Bà Tám nói: “Tui đi vô cho mấy người bơm nước hả, rồi lỡ mà bị nhà báo quay phim thì sao, mấy người thương giùm tui, hai năm nữa tui nghỉ hưu rồi, mà ở trên lệnh vậy đó, phải làm chớ”.
Thấy Út xìu mặt, bà Tám nói tiếp: “Hồi xưa có mấy cái vụ bơm nước này đâu, làm gì mà ác quá, mấy con heo, con bò bị bơm nước xong, mổ ra bộ lòng bầm dập hết, tui làm cái nghề này gần 20 năm rồi, mỗi lần nhìn thấy còn buồn ói đó”.
Khoảng 21h30, chủ lò mổ xuất hiện trên chiếc Mercerdes C300 màu trắng. 30 phút sau, bà Tám đi qua khu giết mổ. Út nói với N.: “Ê bả đi rồi kìa, tranh thủ bơm đi”.
Năm lái bò chỉ chờ có thế, nhanh nhẹn buộc bò vào sát các thanh sắt ngang của chuồng. Những người còn lại chạy đi lấy ống nước để nối với ống có sẵn ở vòi bơm. Sau khi xả van nước, các lái buôn một tay túm đầu con bò, một tay cầm đoạn ống dài gần 2m thọc vào họng bò. Đứng cách N. khoảng 10m, lái bò tên Út rất thành thạo, liên tục ra lệnh cho hai thanh niên đi cùng “mở van”, “tắt đi”. Con bò đầu tiên bị Út bơm nước sau năm phút bắt đầu ói nhưng Út không dừng lại.
Khi con bò bắt đầu ói ra nước lẫn cỏ khô và thở hồng hộc, Út chuyển ống sang con bò khác. Lúc Út đang bơm dở dang thì con bò đầu tiên đã căng phình bụng, miệng trào bọt, bất ngờ ngã đập đầu xuống nền xi măng. Hai thanh niên đi cùng Út nói: “Ê, nó xỉu rồi kìa”. Út cười: “Cứ để đó, tắm xíu là nó tỉnh”.
Chỉ trong vòng 20 phút, Út bơm cho 5 con bò. Đến khoảng 22h, N. cũng bơm nước xong cho hơn 10 con bò chở từ Chợ Mới, An Giang lên. Hai thanh niên là người của lò mổ, trong đó một người tên Phú tỏ ra rất thận trọng, lúc bơm nước cho bò anh ta tắt hết bóng đèn.
Bơm ba cữ một ngày mới... chuẩn
Gần 23h, khi tôi quay vào phòng tiếp khách thì khu giết mổ đã đông nghẹt người. Có gần 60 người của lò mổ đeo tất dài, chân đi ủng, mặc áo thun màu xanh đọt chuối luôn tay chọc, tách, lọc thịt. Phía trước sân, 14 xe tải đang xếp hàng đợi “ra bò”. Từ cuối khu giết mổ, bò đã lột da được đẩy theo dây chuyền bánh lăn về phía trước. Ở bàn điều hành, nữ chủ lò tên Ngọc mặc áo màu đỏ ngồi ghi chép khi nhân viên cân thịt. Thỉnh thoảng, Phú chạy vào nói nhỏ vài câu rồi quay ra.
Qua 23h, vài lái bò chỉ tay về dãy móc thịt xì xào: “Chuyến này “non bò” quá, bơm vô banh hết trơn rồi”. Theo lời N., thường thì sau khi bơm nước, mỗi con bò tăng trọng từ 5-10 kg. Tuy nhiên, muốn bơm “ngon lành” thì phải bơm nhiều cữ. Nếu bơm gấp quá, thịt bò bị trắng, rỉ nước nhiều, thớ thịt rời rạc, sẽ bị lò trừ tiền sau khi cân.
Trong lò giết mổ bò bơm nước. |
Hai thanh niên đi cùng Út, một người tên Quang, một người tên Thám thỉnh thoảng lại chạy ra chỉ trỏ về phía móc thịt sau khi xả thành dây nhưng thịt bị “trắng”, phải đợi quạt cho bớt rỉ nước mới được thanh toán tiền. Khi đồng hồ chỉ qua ngày mới, có thêm bốn xe lạnh chở thịt bò đi vào “xếp tài”, nâng tổng số xe đợi hàng tại lò Vũ Ngọc lên 18 xe. Tất cả các xe đều mang biển kiểm soát của TP.HCM.
H., một lái bò ngồi ở căng tin của lò mổ cho biết, dạo này lời ít hơn trước do chỉ bơm được hai cữ. Trước đây lái bò bơm khoảng ba cữ rồi mới cho bò ra mổ. Theo lời H., bơm từ trưa đến khoảng 15h thì cho bò nghỉ, khoảng 19h bơm cữ thứ hai, khoảng 21h bơm cữ thứ ba.
Bây giờ các lò mổ “ngắt” lại chỉ cho bơm một cữ trước khi mổ khoảng một giờ nên lái bò phải tranh thủ bơm dọc đường. “Bơm dọc đường cũng không thấm được mấy tại đi đường xóc ổ gà, nước ra hết. Chưa kể bò bị té lúc căng nước dễ chết lắm”, H. "phân tích".
Để tránh “sự cố” này, các lái bò đợi gần đến lò mới dừng lại bơm nước. Địa điểm tập kết thường là các bãi rửa xe hoặc nhà dân có chuồng bò khuất so với đường. H. bơm nước cho bò từ khoảng 17h đến 18h rồi chở vào lò mổ. Mỗi lần “đi bò”, H. cho chủ quán 100.000-200.000 đồng gọi là “tiền nước”, tùy số lượng bò nhiều hay ít.
2h, trong phòng tiếp khách của lò Vũ Ngọc, các lái bò sau khi thanh toán tiền tập trung lại ngồi đếm. Từng cọc tiền 500.000 đồng được tháo ra đưa vào máy đếm tiền. N. cho biết, chuyến này lời được năm triệu đồng. Nhóm của Út lời được bốn triệu đồng.
Tình trạng bơm nước vào bò trước khi giết mổ hiện nay khiến giá thịt bò đầu mối tại một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM nhảy múa loạn xạ. Với lò giết mổ nào tranh thủ bơm nước được, giá thịt bò bỏ mối sẽ rẻ hơn các lò khác từ 3.000-5.000 đồng/kg, kéo theo giá bò tại sạp giảm. Hiện tượng này đánh đúng vào tâm lý tiêu dùng thích giá rẻ của đại đa số người dân. Tuy nhiên, phải thật kinh nghiệm mới phân biệt được bò bơm nước hay không nên gần như rủi ro về chất lượng sẽ bị các lò mổ “bẩn” và lái buôn đẩy về phía người tiêu dùng.
Ngày 28/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám ký công văn yêu cầu chi cục thú y các tỉnh thành khẩn trương ngăn chặn tình trạng bơm nước vào động vật trước và sau khi giết mổ.
Công văn nêu rõ đây là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, đồng thời làm cho thịt gia súc dễ bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại từ nguồn nước, dụng cụ bơm nước, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ cũng yêu cầu sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và sở công thương các tỉnh phải công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt gia súc vi phạm để người tiêu dùng biết và không mua thịt gia súc đã bị bơm nước.