Chiều 3/4, nhiều ôtô lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi đến khu vực thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai) đã va chạm liên hoàn do khói mù che khuất tầm nhìn. Đơn vị quản lý cao tốc xác nhận khói tràn lên đường xuất phát từ đám cháy cỏ ở hành lang.
Tai nạn khiến 10 xe bị hư hỏng, 4 người bị thương. Trong số các nạn nhân, 3 người được xuất viện, người còn lại bị chấn thương nặng đang tiếp tục được điều trị.
Vụ tai nạn khiến nhiều ôtô nát bươm, dính chùm trên cao tốc. Ảnh: Ngọc An. |
Về việc truy cứu trách nhiệm người liên quan, luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM) cho biết cần phải căn cứ vào kết quả điều tra để xác định cụ thể, xem xét xử lý trách nhiệm. Trong trường hợp này, luật sư cho rằng có thể do lỗi hỗn hợp từ nhiều phía.
Người dân có lỗi khi đốt cỏ tạo ra khói mù mịt bên ngoài hành lang đường cao tốc. Nếu những người này do người khác thuê đốt thì người chủ thuê đó sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Ngoài ra, phải kể đến lỗi của tài xế. Trong tình huống này, tài xế có thể đã không giữ khoảng cách khi lưu thông, đồng thời khi thấy khói mù đường nhưng vẫn không có cách xử lý kịp thời như dừng xe, ra hiệu cho các xe khác ở phía sau.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng quy lỗi cho những người đốt cỏ là vấn đề không đơn giản. Cả luật sư Đức và luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đều cùng quan điểm là khó có thể quy trách nhiệm cho người đốt cỏ dù là họ đốt sát đường cao tốc. Vì việc người dân đốt cỏ khô, rơm rạ trên đồng gây khói mù, hiện nay qua rà soát các văn bản pháp luật, không thấy có quy định nào xử phạt.
Đối với đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc, trách nhiệm của họ được quy định tại Thông tư 90/2014/TT-BGTVT. Theo đó, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc "thực hiện việc tuần tra trên đường cao tốc theo quy định; thực hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng và đảm bảo ATGT trên đường cao tốc".
Đối với trách nhiệm của nhân viên tuần đường cũng có quy định: "Phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến ATGT, các vi phạm quy định về ATGT các tai nạn, sự cố giao thông phải báo cáo kịp thời".
Phần đầu ôtô khách bị biến dạng sau vụ va chạm trên cao tốc. Ảnh: VECE. |
Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) cho biết VECE đã thông báo các sự cố trên hệ thống biển báo VMS cũng như trên VOV Giao thông, đồng thời nhân viên tuần tra và xử lý sự cố thực hiện cảnh báo tại hiện trường trong quá trình xử lý sự cố.
Luật sư Đức cho rằng theo thông tin trả lời báo chí như trên thì để xác định đơn vị khai thác đường cao tốc có lỗi hay không cần phải chờ kết quả điều tra, xác minh của cơ quan công an. Nếu kết quả xác định đơn vị này chậm thông tin dẫn đến xảy ra tai nạn thì phải bồi thường thiệt hại cho các chủ phương tiện bị thiệt hại.