Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dortmund - điểm trung chuyển của các ngôi sao

Dortmund chính là trạm dừng chân để các ngôi sao sớm vươn mình đến với môi trường lớn hơn trong sự nghiệp.

Bình luận

Ngày 1/7/2021, Manchester United công bố bản hợp đồng mang tên Jadon Sancho với mức phí 85 triệu euro. Trong ngày chàng trai 21 tuổi này ra mắt, ban lãnh đạo và các cổ động viên của “Quỷ đỏ” đều nở nụ cười hài lòng.

Nhưng ở nước Đức, một nhóm người khác còn cảm thấy hài lòng hơn khi họ đã kiếm được khoản tiền lớn sau vài năm đào tạo Sancho.

Trong gần 10 năm trở lại đây, Borussia Dortmund đã vươn mình trở thành trạm trung chuyển tài năng bóng đá danh tiếng hàng đầu châu Âu bên cạnh những “lò” truyền thống như Ajax, Porto hay Benfica.

Dortmund anh 2

Erling Haaland (phải) là mục tiêu của nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu. Ảnh: Reuters.

Trạm trung chuyển tài năng

Hàng loạt cầu thủ trẻ hoặc chưa có danh tiếng được CLB này mua về, đào tạo và rồi lại bán đi với mức phí rất cao, đem lại lợi nhuận để duy trì hoạt động.

Chúng ta có thể kể tới những cái tên như Henrikh Mkhitaryan, Mats Hummels, Ilkay Gundogan, Ousmane Dembele, Pierre-Emerick Aubameyang hay Christian Pulisic. Danh sách này giờ có thêm Jadon Sancho và sắp tới sẽ là Erling Haaland, tiền đạo đang được nhiều CLB lớn săn đuổi.

“Rất ít CLB ở châu Âu chú trọng đến những cầu thủ trẻ như Dortmund”, Jadon Sancho nói ngắn gọn về lý do anh quyết định chọn nơi đây để tiếp tục sự nghiệp sau khi rời khỏi đội trẻ Manchester City. Ở thời điểm ấy, Sancho không thiếu mối quan tâm tại quê nhà, nhưng anh lại tới nước Đức bởi anh hiểu rõ chỉ tại nơi này, anh mới có thể vươn tới tầm vóc lớn hơn.

Pep Guardiola hẳn cảm thấy tiếc nuối khi chứng kiến màn trình diễn của Sancho tại Bundesliga. HLV người Tây Ban Nha nhận ra tài năng của anh, song ông đã thất bại trong việc thuyết phục Sancho ở lại Etihad khi trong tay ông lúc ấy có quá nhiều siêu sao tấn công như Kevin De Bruyne, David Silva hay Raheem Sterling.

Để tiếp tục phát triển, Sancho đã lựa chọn đội bóng sẵn sàng tạo điều kiện cho anh ra sân thường xuyên mỗi cuối tuần. Và kết quả như chúng ta đã biết, sự lựa chọn ấy hoàn toàn đúng đắn.

Sancho là ví dụ tiêu biểu của hình mẫu mà Dortmund đang theo đuổi. Ban lãnh đạo đội bóng đã xác định từ lâu rằng họ khó để trở lại thời hoàng kim của mình như cuối thập niên 1990. Quãng thời gian khủng hoảng về tài chính vào đầu thế kỷ 21 đã để lại cho Dormund một bài học sâu sắc.

Năm 2005, sau thời gian dài điên cuồng mua sắm những ngôi sao đắt giá để đua tranh với Bayern Munich, Dortmund lâm vào tình trạng kiệt quệ và gần như bị phá sản. Giá cổ phiếu của Dortmund trên thị trường chứng khoán sụt giảm 80%, và CLB mất khả năng kiểm soát tài chính để trả lương cho các cầu thủ. Nguy cơ đội bóng bị đổi tên, giáng xuống hạng hiển hiện ngay trước mắt.

Franz Beckenbauer và Bayern lúc ấy đứng ra kêu gọi tổ chức các trận đấu từ thiện và quyên góp khoảng 2 triệu euro để giúp Dortmund vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ đó CLB tiếp tục được ở lại Bundesliga.

Những người lãnh đạo Dortmund đã thấm thía bài học và quyết định chuyển sang chiến lược mới. Thay vì bỏ tiền chiêu mộ các ngôi sao đắt giá, họ dồn toàn bộ tâm huyết để xây dựng chương trình đào tạo trẻ xuất sắc nhằm nhào nặn nên những cầu thủ tài năng và rồi xuất xưởng nhằm mang lại nguồn thu cho CLB.

Chiến lược này bắt đầu từ việc mời Jurgen Klopp, một trong những HLV hay nhất thế giới hiện nay, về dẫn dắt đội một. Dưới bàn tay của Klopp, Dortmund dựa vào những cầu thủ trẻ và trình diễn lối chơi bắt mắt với phong cách Gegenpressing rực lửa. Đó là nền tảng để Dortmund dần tự biến mình thành trạm trung chuyển ngôi sao như bây giờ.

Mỗi ngày, trong trung tâm huấn luyện của Dortmund ở vùng ngoại ô Brackel, các cầu thủ từ lứa nhỏ nhất đến lứa U19 đều được đào tạo theo cùng giáo án để duy trì sự tiếp nối liên tục.

Sự tiếp nối được thể hiện ở chỗ, tại Brackel, HLV của các lứa tuổi đều thường xuyên gặp gỡ và cùng trao đổi để giúp đỡ nhau trong công việc. Đây là điều rất hiếm hoi trong thế giới bóng đá, và nó là nền tảng để Dortmund luôn được hưởng những “quả ngọt” từ công tác đào tạo trẻ của mình.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng luôn tìm cách ứng dụng những công nghệ mới, ví dụ như họ là một trong những đội bóng đầu tiên đưa Footbonaut vào chương trình đào tạo. Mỗi cầu thủ trẻ tại trung tâm đều có nghĩa vụ phải “chơi đùa” với cỗ máy này ít nhất một lần trong tuần. Nó đã giúp cải thiện khả năng chuyền bóng của các cầu thủ và không phải ngẫu nhiên, Dortmund có thể triển khai lối chơi tốc độ xuyên suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, triết lý chiến thắng và tâm lý chinh phục mới là điều quan trọng nhất. Giám đốc của trung tâm Lars Ricken đã cống hiến cả sự nghiệp trong màu áo Dortmund và là người hùng trong chiến thắng tại Champions League 1997. Ông cho biết: “Chúng tôi muốn giành các danh hiệu từ lứa U14 đổ lên và vì thế, các HLV phải tạo ra văn hóa chiến thắng để các cậu bé ở đây có thể sẵn sàng bước lên đỉnh cao bất cứ lúc nào”.

Dortmund anh 3

Cổ động viên Dortmund tự hào khi có một trong những tài năng trẻ của bóng đá thế giới. Ảnh: Reuters.

Con đường của Dortmund

Dortmund không giành được nhiều danh hiệu vì họ không thể cạnh tranh với sức mạnh của Bayern, song không ít các cầu thủ do họ đào tạo đã trở thành những ngôi sao đẳng cấp thế giới và có những chiến thắng rực rỡ trong sự nghiệp.

Việc đào tạo các cầu thủ từ lứa tuổi nhỏ nhất đã giúp Dortmund có Mario Gotze, Marco Reus, Nuri Sahin và mới đây nhất là Youssoufa Moukoko, người đang giữ kỷ lục là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử ra sân tại Bundesliga lẫn Champions League ở tuổi 16. Hiện tại, Moukoko vẫn chưa tròn 17 tuổi, nhưng giá trị của anh được ước tính không dưới 20 triệu euro và chắc chắn, anh sẽ là tài sản quý của Dortmund trong vài năm tới.

Tuy nhiên, yếu tố để biến Dortmund thành bệ phóng ngôi sao thành công chính là công tác tuyển trạch của họ. Những chuyên gia săn lùng tài năng trẻ được phái đi khắp nơi để tìm kiếm và đánh giá các cầu thủ tiềm năng.

Sau đó, Dortmund sẽ thuyết phục những cầu thủ này về và rồi giúp họ phát triển lên đến đẳng cấp thế giới. Ở những đội bóng khác, các cầu thủ trẻ có ít cơ hội để ra sân. Nhưng ở Dortmund, chỉ cần có tài, họ sẽ được các HLV trọng dụng.

Chính sách này giúp Dortmund dễ dàng mang về những cầu thủ trẻ tiềm năng hơn hẳn các CLB lớn khác. Không phải tự nhiên mà Erling Haaland lại chọn Signal Iduna Park thay vì đội bóng tầm cỡ hơn như Bayern, Real Madrid hay Manchester City.

“Tôi đã tìm hiểu và biết Dortmund có niềm tin lớn vào các cầu thủ trẻ, và tôi thấy đó là cơ hội tuyệt vời cho mình”, Christian Pulisic đã kể lại nguyên nhân anh tới Dortmund.

CLB sau đó đã thu được món hời khi bán Pulisic cho Chelsea với mức phí 64 triệu euro, trong khi số tiền chi ra ban đầu bằng 0. Cả ba bên đều hài lòng, Dortmund có tiền, Chelsea có cầu thủ giỏi, còn Pulisic tiến thêm bước dài trong sự nghiệp khi trở thành đội trưởng đội tuyển Mỹ và mới đây giành danh hiệu Champions League.

Nếu Pulisic không lựa chọn Dortmund, chưa chắc anh đã đạt thành công sớm đến như thế. Tiếp sau Pulisic, tài năng trẻ khác của Mỹ là Giovanni Reyna cũng chọn Dortmund làm điểm dừng chân đầu tiên tại châu Âu. CLB đã ký với Reyna mà không mất một đồng phí chuyển nhượng nào và sau 2 năm được đào tạo và thử lửa, chàng trai chưa tròn 19 tuổi này hiện có giá khoảng 40 triệu euro.

Với những cầu thủ trẻ đã tương đối thành danh, Dortmund cũng sẵn sàng trả giá khá cao và đánh cược vào bước phát triển tiếp theo của họ. Với trường hợp của Ousmane Dembele, Dortmund đã chi 35 triệu euro để sở hữu cầu thủ này vào mùa hè 2016 từ Rennais và chỉ sau 1 năm, họ bán anh cho Barcelona để đổi lấy 135 triệu euro. Jude Bellingham và Erling Haaland cũng theo con đường tương tự.

Dortmund chi khoảng 23 triệu euro để đem tiền vệ người Anh về vào hè 2020. Trước đó vài tháng, họ đạt thỏa thuận với Mino Raiola và chấp nhận trở thành bệ phóng cho Haaland, nhờ đó mất 20 triệu euro cho tài năng sáng giá này. Nếu bán cả hai lúc này, Dortmund có thể thu lãi không dưới 100 triệu euro.

Để đảm bảo rèn luyện các cầu thủ trẻ một cách tối ưu, Dortmund tiến hành sử dụng những cậu bé của mình theo lộ trình cẩn trọng nhất. Ví dụ như Sancho khi mới đến Bundesliga, anh không được ra sân thường xuyên ngay lập tức.

Đội bóng trước hết lên kế hoạch dựa vào trình độ hiện tại của tiền vệ người Anh. Sancho bắt đầu từ băng ghế dự bị, sau đó số phút mỗi trận dần được tăng lên, từ 55, 65 rồi 75 phút trước khi khẳng định bản thân sẵn sàng cho 90 phút. Song song với việc đá ở đội một, Sancho còn tiếp tục chơi bóng vào giữa tuần với đội U19 để duy trì cảm giác thi đấu.

Tương tự như vậy là Youssoufa Moukoko, viên ngọc mới nhất của Dortmund. Bất chấp việc ghi 14 bàn sau 4 trận ở cấp độ U19 và thể hiện trình độ vượt trội ở lứa tuổi 16, Moukoko vẫn chỉ được ra sân đá chính tại Bundesliga có 2 lần vào mùa trước và dự bị 12 trận còn lại. Nó giúp cậu bé này tránh những áp lực lớn cũng như sự quá tải đối với cầu thủ còn chưa phát triển hoàn toàn về thể chất.

Chúng ta có thể nhận thấy mô hình kinh doanh của Dortmund chính là nuôi dưỡng và tặng cho những siêu sao thế giới trong tương lai khoảng thời gian thi đấu mà lẽ ra, họ sẽ bị từ chối nếu chơi ở những đội bóng lớn nhất châu Âu trước khi bán họ vài năm sau đó.

Mô hình ấy sẽ khiến Dortmund không thể đua tranh danh hiệu một cách thường xuyên, nhưng đảm bảo cho họ tồn tại trong vòng xoáy tiền bạc của bóng đá, khi rất nhiều CLB đang phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ.

Rõ ràng, bài học về việc suýt phá sản đã dạy Dortmund nhiều điều và bây giờ, họ chấp nhận mình trở thành trạm trung chuyển, nhưng đó sẽ phải là trạm trung chuyển hấp dẫn nhất của bóng đá thế giới.

Hat-trick của Haaland trước Wiesbaden
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
Hat-trick của Haaland trước Wiesbaden Tiền đạo người Na Uy tỏa sáng với hat-trick trong chiến thắng 3-0 của Dortmund ở vòng 1 Cúp Quốc gia Đức rạng sáng 8/8 (giờ Hà Nội).
Bài liên quan

Vũ Hoàng