Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

DongABank họp bất thường bàn chuyện tăng vốn

Chủ đề chính được mang ra bàn bạc trong cuộc họp cổ đông bất thường tới của DongABank là chuyện tăng vốn điều lệ bù đắp vào phần vốn ngân hàng đang lỗ lũy kế.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông bất thường năm 2019. Đây là lần triệu tập họp cổ đông đầu tiên của ngân hàng sau 4 năm, kể từ khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 8/2015.

Theo DongABank, sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, ngân hàng đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ tại thời điểm 31/12/2018.

Theo số liệu đã kiểm toán của EY, đến hết năm 2018, DongABank đang lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo ngân hàng có giá trị thực vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng (mức vốn điều lệ tối thiểu theo pháp định), ngân hàng này phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật.

Ban lãnh đạo công ty cho biết dựa vào tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay, DongABank có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, ngân hàng không thể thực hiện phát hành ra công chúng cho cổ đông hiện nay vì không đáp ứng các điều kiện chào bán. Đặc biệt là quy định hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Vì vậy, DongABank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.

dongabank hop co dong xin tang von anh 1

Theo đánh giá, hình thức này có ưu điểm là không yêu cầu tổ chức phát hành đáp ứng các điều kiện về hoạt động kinh doanh có lãi, không có lỗ lũy kế ở năm liền trước năm chào bán nhu phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tuy nhiên, phát hành theo hình thức này, tổ chức phát hành chỉ chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet.

Ngoài ra, nhà đầu tư mua cổ phần của đợt chào bán riêng lẻ còn bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm. Dù vậy, đây là sự lựa chọn duy nhất của DongABank hiện nay nên HĐQT ngân hàng vẫn lựa chọn hình thức này để tăng vốn.

Công bố kế hoạch tăng vốn để bù đắp tối thiểu vốn điều lệ về mức 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên ban lãnh đạo DongABank không tiết lộ số dự kiến phải tăng thêm thực tế.

Trong đợt chào bán sắp tới, ngân hàng sẽ ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu, ngoài ra sẽ phát hành cho nhà đầu tư bên ngoài đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thời gian dự kiến chào bán sẽ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần này sẽ được dùng để bù đắp việc âm vốn điều lệ của ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính gần nhất DongABank công bố (năm 2014), ngân hàng có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 5.642 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 87.000 tỷ đồng. Cùng năm, ngân hàng ghi nhận 2.127 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 16% nhưng lợi nhuận sau thuế thu về giảm tới 92%, đạt chưa tới 27 tỷ đồng.

MBBank bị truy thu hơn 9 tỷ đồng tiền thuế

9,2 tỷ đồng là số tiền MBBank phải nộp bổ sung cho kỳ quyết toán thuế trong 2 năm 2017 và 2018.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm