Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dòng vốn chảy vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tăng trở lại

Nghị định 153 có hiệu lực từ đầu năm nay phần nào khơi thông dòng vốn chảy vào trái phiếu doanh nghiệp vốn bị siết chặt vào quý cuối năm ngoái. Bất động sản lại là tâm điểm.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán SSI vừa phát hành ngày 29/4, tổng giá trị huy động qua thị trường trái phiếu trong quý I ước đạt 37.500 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản chỉ giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống với 23.150 tỷ đồng. Con số này chiếm gần 62% tổng lượng phát hành toàn thị trường.

Kỳ hạn phát hành của nhóm này rút ngắn từ mức bình quân 3,9 năm của cùng kỳ xuống còn 2,9 năm trong quý I năm nay. Tuy nhiên lãi suất của nhóm bất động sản vẫn ở nhóm cao nhất toàn thị trường, bình quân 10,4%/năm. Đây vẫn là nhóm có mức lãi suất cao nhất thị trường.

Trai phieu bat dong co dang am lai,  huy dong von anh 1

Nguồn: SSI.

Bất động sản giảm nhẹ hơn so với mặt bằng chung

Vingroup dẫn đầu với giá trị phát hành 4.375 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm với lãi suất 9,7%/năm. Theo đó, 10 doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm 3/4 lượng trái phiếu bất động sản trong quý I.

Tuy nhiên báo cáo SSI cũng chỉ ra rằng khoảng một nửa lượng trái phiếu phát hành trong quý I không có tài sản đảm bảo, tương đương khoảng 15.700 tỷ đồng, trong đó nhóm công ty địa ốc chiếm một nửa.

Dù vậy, kết quả đạt được trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy hoạt động phát hành trái phiếu của nhóm công ty địa ốc có những chuyển biến so với thời điểm cuối năm 2020.

Cụ thể trong 4 tháng cuối năm 2020 tính từ tháng 9, lượng trái phiếu bất động sản ghi nhận 22.600 tỷ đồng giá trị phát hành, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ tương đương hơn 1/3 lượng trái phiếu phát hành trong tháng 8 (trước thời điểm nghị định 81 có hiệu lực) và khoảng 12,4% lượng phát hành cả năm.

Trai phieu bat dong co dang am lai,  huy dong von anh 2

“Trong khi so với năm trước đó, thời điểm 4 tháng cuối của năm là giai đoạn cao điểm phát hành trái phiếu của nhóm công ty bất động sản, với giá trị ước chiếm gần một nửa lượng phát hành cả năm”, báo cáo của SSI đầu tháng 3 cho biết.

Phòng phân tích của SSI cũng nhìn nhận diễn biến này không bất ngờ khi kể từ 1/9/2020, theo Nghị định 81, các lô phát hành riêng lẻ phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, tổng dư nợ phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu và các điều kiện về hồ sơ phát hành chặt chẽ hơn.

Báo cáo SSI cũng chỉ ra, trong quý I, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn việc phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn so với cùng kỳ.

Tổng giá trị phát hành của nhóm này là 7.000 tỷ đồng, tương đương 18,7% tổng phát hành thị trường và cao hơn nhiều mức bình quân năm 2020 (5,1%). Đây đều là các công ty đang niêm yết trên sàn như Vingroup, Masan, Hà Đô, Thành Thành Công - Biên Hòa, LienViet Postbank…

Thị trường phản ứng với các thay đổi chính sách

Dựa trên các phân tích, SSI cho rằng thị trường trái phiếu trong quý II nhiều khả năng sẽ cao hơn trong quý I vì quý đầu năm thường thấp điểm do trùng dịp Tết và các doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính.

“Thực tế hai năm trước đó 2020 và 2019, lượng phát hành trong quý II đều cao hơn lần lượt 160% và 111% so với quý liền trước”, SSI cho hay. Trong một báo cáo trước đó, công ty chứng khoán VNDirect nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 dự kiến sẽ khởi sắc trước các thay đổi về chính sách.

“Nghị định 153/2020/NĐ-CP ra đời nhằm 'cởi trói' cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhờ quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và rủi ro của nhà đầu tư cũng như tổ chức phát hành”, phòng phân tích VNDirect nhìn nhận.

Mặc dù vậy, nghị định này được đánh giá có tác động lớn đến nhóm nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường khi quy định lại đối tượng tham gia phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thực tế đã chứng minh, trong quý đầu năm, các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 1.529 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp (mua trực tiếp từ tổ chức phát hành), chỉ bằng 16% lượng mua cùng kỳ năm ngoái.

Trai phieu bat dong co dang am lai,  huy dong von anh 3

Tỷ trọng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân giảm từ 19,7% của quý I năm ngoái xuống mức 4,1% trong năm nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua vẫn mua mạnh các trái phiếu riêng lẻ với giá trị 1.117 tỷ đồng412 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng.

Một điểm đáng chú ý là việc gia tăng sự hiện diện của các quỹ đầu tư trái phiếu, trong khi trước đây các quỹ này hoạt động khá hạn chế.

Hầu hết quỹ trái phiếu đều tăng tăng quy mô trong quý I/2021, theo SSI. Quỹ đầu tư trái phiếu của công ty chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS) có quy mô tài sản lớn nhất, đang giảm giá trị tài sản ròng so với đầu năm.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP ra đời nhằm 'cởi trói' cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhờ quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và rủi ro của nhà đầu tư cũng như tổ chức phát hành

VNDirect

Ba quỹ theo sau về quy mô đều tăng trưởng mạnh giá trị tài sản ròng trong quý I/2021 bao gồm quỹ đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF); Quỹ Đầu Tư Trái Phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF); Quỹ đầu tư Trái phiếu Việt nam (VFMVFB).

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác tín dụng năm 2021 hồi giữa tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại thời điểm cuối tháng 3, dư nợ tín dụng bất động đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm ngoái.

Mức này cao hơn mức tăng chung của ngành ngân hàng là 2,93%. Theo đó, đại diện NHNN đã đưa ra một số thông điệp rắn về việc kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Trước các thông tin trên, SSI cho rằng nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới sẽ vẫn khá cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Lãi suất trái phiếu nhóm này có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác. Tuy nhiên chuyên gia SSI cũng cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng vì thị trường bất động sản đang khá nóng, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên. Điều này sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Ai được xem là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?

Điều 11 Luật chứng khoán 2019 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm:

- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan;

- Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;

- Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

- Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

- Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.

Ngọc Nhi

Bạn có thể quan tâm