Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý I/2021 của Ngân hàng Nhà nước chiều nay (22/4), ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết thời gian qua, dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán và bất động sản có tăng cao hơn mặt bằng chung thị trường nhưng các số liệu cho thấy dư nợ chưa tăng đột biến.
Cụ thể, dòng tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán đến cuối quý I ước khoảng 45.300 tỷ, tương đương 0,5% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế. Với quy mô tổng tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,5 triệu tỷ đồng, ông Tuấn Anh cho rằng phần dư nợ trong lĩnh vực chứng khoán không quá cao. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nên NHNN vẫn chủ trương kiểm soát chặt.
Với tín dụng bất động sản, lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này năm 2020 vào khoảng 11,89%, thấp hơn các năm trước đó. Số tăng trưởng 3 tháng đầu năm nay cũng mới đạt khoảng 3%, dù cao hơn cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng các năm trước đó.
“Như vậy, có thể khẳng định tín dụng bất động sản không tăng đột biến trong quý I”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Đức Khánh/NHNN. |
Lý giải về cơn sốt bất động sản diễn ra từ đầu năm, lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết điều này có nguyên nhân từ việc nhà đầu tư “lướt sóng” giá đất khi các địa phương ban hành bảng giá đất mới, trong đó tăng 15-20% so với bảng giá cũ.
Ngoài ra, do thị trường chứng khoán, vàng tăng cao giai đoạn trước đó, nên dòng tiền chốt lời từ các nhà đầu tư cũng được dịch chuyển vào bất động sản.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm do bất động sản và chứng khoán được xếp vào nhóm ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro cho vay, vì vậy trong thời gian tới cơ quan quản lý vẫn sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào 2 lĩnh vực này.
Hiện tại, cơ quan quản lý cũng đã ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó có quy định siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 40%. Hay áp dụng hệ số rủi ro 150% với các khoản vay từ 4 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng…
Cũng tại phiên họp, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết tính đến ngày 28/2, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 1,83 triệu tỷ đồng, và chiếm 19,83% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản là 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cuối năm 2020 và chiếm 35,5% dư nợ lĩnh vực bất động sản, tương đương 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Cùng thời điểm, dư nợ tín dụng tiêu dùng, vay mua, sửa nhà của cá nhân là 1,183 triệu tỷ, tăng 1,75%, chiếm 64,5% dư nợ tín bất động sản và tương đương 12,79% tổng dư nợ trong nền kinh tế.
Số liệu mới nhất của NHNN ghi nhận tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 16/4 đạt 3,34% so với cuối năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng phương tiện thanh toán M2 cũng tăng 2,9% và cao hơn 15,66% so với cùng kỳ năm 2020.
Với mức tăng trưởng tín dụng kể trên, đã có khoảng 307.000 tỷ được các ngân hàng bơm ròng ra nền kinh tế thông qua kênh cho vay từ đầu năm, tương đương mức tín dụng bình quân gần 2.900 tỷ/ngày.