Khoe khoản lời sau hơn 10 ngày mở mới tài khoản chứng khoán, anh Văn Tuyên (Hà Nội) cho biết anh chỉ mới gia nhập thị trường này khi chứng khoán Việt lao dốc gần đây. Hơn nữa, công ty anh làm buộc phải tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc giữa dịch Covid-19 và quyết định giãn cách xã hội của Chính phủ.
Anh Tuyên chỉ là một trong số nhiều người lần đầu tham gia thị trường chứng khoán Việt giữa dịch Covid-19. Thống kê của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, đến cuối tháng 3, toàn thị trường ghi nhận hơn 2,402 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Trong đó, tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 2,392 triệu và nhà đầu tư tổ chức trong nước là 10.355 tài khoản.
Số lượng tài khoản của khối ngoại là 32.878, với 29.114 nhà đầu tư cá nhân và 3.764 tổ chức.
Tài khoản chứng khoán mở mới tăng đột biến
Như vậy, riêng nhóm trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3, cao nhất trong 2 năm trở lại đây và gấp đôi so với trung bình 6 tháng gần nhất. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mở mới 191 tài khoản, thấp nhất 3 năm.
Có tới 31.832 tài khoản (99,6%) giao dịch chứng khoán trong nước mở mới tháng vừa qua là của nhà đầu tư cá nhân, còn lại 117 tài khoản là của nhóm nhà đầu tư tổ chức.
Số tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới tháng vừa qua đã tăng đột biến so với những tháng trước đó và chỉ xếp sau tháng 3/2008 (với hơn 40.600 tài khoản mới). Đây cũng là thời điểm chứng khoán trong nước đạt đỉnh lịch sử với VN-Index vượt mốc 1.200 điểm.
Trong đợt tăng lần này, chứng khoán trong xu thế đi xuống khi VN-Index đã giảm từ vùng 960 điểm xuống 662 điểm (quý I), tương đương giảm gần 300 điểm (31%). Mức giảm trong riêng tháng 3 cũng là gần 25%.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, VN-Index đã có 6 phiên tăng liên tục lên mức 748,02 điểm (cuối ngày 8/4), tăng hơn 13% từ đáy gần nhất.
Theo ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối môi giới khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lực mua của nhà đầu tư trong nước đang là trụ đỡ chính cho thị trường. Ngược lại, khối ngoại đã bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng trong quý I.
“Thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng thắc mắc thời gian qua ai đang đổ tiền vào thị trường”, ông nói.
Dù nước ngoài liên tục rút tiền, thanh khoản thị trường hiện tại vẫn được duy trì. Thậm chí, thanh khoản tháng 3 còn cao hơn tháng 1-2. Trái ngược với những lần giảm mạnh trước đó, khi thị trường thường mất ít nhất 1-2 tháng giảm thanh khoản rõ rệt vì nhà đầu tư chọn phương án đứng ngoài thị trường.
Theo ông Hùng, không phải yếu tố quyết định nhưng việc số lượng nhà đầu tư cá nhân mới cao đột biến đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi của thị trường chứng khoán.
“Chưa thể lượng hóa giá trị nhóm nhà đầu tư cá nhân mới này đổ vào thị trường nhưng với lượng tài khoản mở mới tăng đột biến, nước ngoài bán ròng mà thanh khoản vẫn cao rõ ràng đã có dòng tiền mới đổ vào thị trường”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho biết còn một số yếu tố khác giúp thị trường không giảm quá sâu đợt vừa qua, bao gồm việc doanh nghiệp và cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phiếu quỹ (riêng tháng 3 khoảng 5.000 tỷ).
Một phần khác đến từ nguồn margin, khi các nhà đầu tư tận dụng tối đa nguồn tài chính để hy vọng bắt đáy thị trường.
Cũng đóng góp 1 phần quan trọng là nhóm nhà đầu tư cũ lâu ngày không giao dịch quay lại và tự doanh của các công ty chứng khoán. Theo đó, nhóm công ty này đã mua ròng hơn 300 tỷ đồng quý I vừa qua.
"Tiền lẻ vào, tiền lớn không?"
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) tại thị trường lớn trên thế giới vẫn đang có xu hướng “tiền lẻ” gia nhập trong khi “tiền lớn” đứng ngoài.
Trong một cuộc thăm dò của Goldman Sachs, một nửa khách hàng tổ chức tại đây cho rằng thị trường vẫn chưa tạo đáy, 3/4 thì cho rằng cổ phiếu vẫn đang trong thị trường gấu (giảm). Dù thị trường đã tăng từ mức thấp của tháng 3, các nhà đầu tư tổ chức vẫn không bị thuyết phục.
Ngược lại, mối quan tâm của nhà đầu tư cá nhân với cổ phiếu và giá dầu đã tăng đột biến gần đây. Dữ liệu từ Google trends cho các từ khóa “How to buy stocks”, “How to buy oil” (làm thế nào để mua cổ phiếu/ mua dầu) tăng đột biến trong tuần 15-22/3 sau đó giảm khá mạnh đến hiện tại.
“Xem ra lượng nhà đầu tư cá nhân lần đầu vào thị trường đã xuống tiền không ít”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, doanh thu của Plus500, một sàn giao dịch niêm yết ở London (Anh) chuyên phục vụ nhà đầu tư cá nhân đã tăng 500%, phản ánh xu thế tiền giao dịch đang chảy vào thị trường từ phía nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Bức tranh tổng thể cho thấy tại thị trường quốc tế đang có xu hướng nhà đầu tư nhỏ lẻ vào thị trường trong khi nhà đầu tư lớn ngồi ngoài quan sát”, ông nhận định.
Ông Tuấn cũng cho biết, dòng tiền nước ngoài đang rút ra khá mạnh ở các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam.
Tổng hợp những điều trên cho thấy đà tăng của chứng khoán Mỹ gần đây không bền vững và là lý do Goldman Sachs cho rằng chứng khoán vẫn đang trong thị trường gấu, cũng như việc các khách hàng lớn của ngân hàng đầu tư này không giữ vị thế mua.
Với thị trường Việt Nam, khi khối ngoại bán ròng liên tục, ông Tuấn cho rằng thị trường sẽ tăng tùy theo sức mạnh của dòng tiền nội và tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Cùng quan điểm, ông Lê Vương Hùng cho rằng chứng khoán Việt cũng đang trong xu hướng này khi lượng lớn các quỹ, khối ngoại đều đã phải bán ra để giữ tiền mặt.
“Nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng như nước ngoài có xu hướng chung là nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao. Nguyên nhân vì quy mô dịch bệnh, vấn đề sau dịch bệnh như thế nào vẫn chưa rõ ràng, các quỹ đầu tư, tổ chức phải ưu tiên thu tiền mặt về dù lỗ hay lãi để đảm bảo vị thế trong tương lai”, ông Hùng nhận định.
Theo ông, ảnh hưởng dịch bệnh sẽ rõ nét hơn trong quý II, dự báo là còn xấu hơn quý I. Vì vậy, thị trường có thể sẽ phải kiểm tra lại vùng 650 điểm, tệ hơn có thể là 600 điểm.
"Trong hơn 1 tháng, giảm từ 950 về 650 điểm rồi hồi lại gần 100 điểm như hiện nay rất bình thường và chưa thể nói là thị trường đã hồi phục được”, ông Hùng nhấn mạnh.