Ngày 15/10, Cổng Thông tin Đồng Tháp đã gửi tin nhắn Zalo với tiêu đề: “Tái đàn heo khi có sự đồng ý của chín quyền địa phương”. Theo đó, người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có đủ các điều kiện: Có quyết định công bố hết dịch của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo các điều kiện chuẩn bị khi tái đàn.
Trước khi chuẩn bị tái đàn cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học như: Nền chuồng cao ráo, bằng phẳng, không bị ngập nước trong thời điểm có nước lũ về; vách chuồng làm bằng các loại vật liệu chắc chắn, trơn, láng; an toàn cho gia súc và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng; mái chuồng được thiết kế cao ráo, thoáng mát, tránh được mưa tạt, gió lùa và dễ dàng vệ sinh.
Có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào, có khu vực cách ly để vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào trại. Có hầm/túi ủ biogas đủ đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải. Xung quanh có đủ đất dự phòng trong trường hợp buộc phải tiêu hủy gia súc khi có dịch bệnh xảy ra. Phải để trống chuồng và thực hiện nghiệm ngặt việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi. Đăng ký với chính quyền địa phương trước khi tái đàn.
Người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương và của cơ quan tài nguyên và môi trường đối với các trường hợp phải đăng ký với cơ quan tài nguyên và môi trường theo quy định.
Cổng Thông tin Đồng Tháp trên Zalo. |
Cập nhật đến ngày 3/10, số heo bệnh và tiêu hủy là 121.146 con (chiếm khoảng 46,61% tổng đàn heo của tỉnh Đồng Tháp), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 7.904 tấn. 6.139 hộ chăn nuôi ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố có heo mắc bệnh. Dự toán chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại với tổng số tiền gần 234 tỷ đồng. Trong đó, thực chi đến thời điểm thống kê là 157 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng nhận định dịch bệnh có xu hướng giảm, nhưng mức độ giảm chậm. Tuy nhiên, nếu thời tiết có mưa nhiều và lạnh, sẽ khiến môi trường chăn nuôi trở nên ẩm thấp, tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần tiếp tục truyền thông để người chăn nuôi biết cách bảo vệ vật nuôi. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng để người chăn nuôi có thể chuyển đổi sang đối tượng vật nuôi khác hoặc tái đàn sau khi có công bố hết dịch.
Trước khi sử dụng Zalo trong truyền thông dịch bệnh tả heo châu Phi, Đồng Tháp đã lập ra các hội quán trên không gian mạng để nông dân và chuyên gia chia sẻ kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp.