Ra đời năm 1993 và 1997, MobiFone và VinaPhone từng được xem là 2 con gà đẻ trứng vàng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Với lợi thế là những người đi trước, phát triển thị trường viễn thông trên nền tảng 2G, cả VinaPhone và MobiFone từng giữ vị trí dẫn đầu về thị phần cũng như hạ tầng di động tại Việt Nam.
Là hai nhà mạng nhưng thực tế, trong suốt thời gian phát triển từ 1997 - 2014, các dịch vụ, chính sách, công nghệ của VinaPhone và MobiFone là giống nhau. Không khác biệt về dịch vụ, không đột biến giá cước, sự phân biệt giữa VinaPhone và MobiFone ngày đó chỉ là chính sách chăm sóc khách hàng.
Với sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài (Tập đoàn Comvik - Thụy Điển), MobiFone nổi lên với chất lượng phục vụ khách hàng “ngoại”, hình ảnh thương hiệu đẹp, chuyên nghiệp và gây ấn tượng.
VinaPhone là nhà mạng có mục tiêu tham vọng nhất trong năm 2015. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau gần 20 năm song hành, ngày 1/12/2014, MobiFone tách ra, mang theo hơn 60% lợi nhuận hằng năm của VNPT ra đi. VinaPhone bước vào giai đoạn phát triển mới với tên gọi VNPT-VinaPhone. Từ đây, hai người anh em từng chung một nhà phải đứng trên hai chiến tuyến.
Chiến lược phát triển của hai ông lớn viễn thông này cũng rẽ hai hướng. Nếu MobiFone chú trọng tăng doanh thu, thì VinaPhone lại đặt mục tiêu “trở lại vị trí số một trên thị trường viễn thông”.
Tại đại hội Đảng bộ giữa năm 2015, MobiFone dự định tăng doanh thu bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Con số này gấp 2,5 lần tốc độ trung bình của 2010-2014 với mục tiêu tham vọng là cán đích 100.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Để đạt được điều này, MobiFone mở rộng đầu tư vào các mảng bán lẻ, truyền hình, phát triển mạng 4G..., thậm chí vượt cả VNPT về lượng dịch vụ. Riêng với mảng truyền hình, MobiFone lên kế hoạch mua lại một kênh truyền hình trả tiền của Việt Nam.
Thế nhưng, nhà mạng này chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trung bình 3-5% trong giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh mục tiêu khiếm tốn về lợi nhuận, lãnh đạo cấp cao của thương hiệu này cũng khá thận trọng trong phát ngôn. Chủ tịch cũng như Tổng giám đốc MobiFone không đưa ra các tuyên bố khiến truyền thông chú ý kể từ khi chính thức nhậm chức.
Một lãnh đạo cấp cao của MobiFone chia sẻ với Zing.vn: “Phải nhìn thẳng vào thực tế là tăng doanh thu cao không đồng nghĩa với tăng lợi nhuận tương ứng, bởi khi rời mạng lưới của VNPT, chi phí hoạt động là không nhỏ. Độc lập thì phải tự lo hạ tầng nên rất mệt”. Ông này cũng thừa nhận, việc mở rộng lĩnh vực hoạt động sang các mảng mới cũng là thách thức lớn và không dễ thu lợi nhuận ngay.
Chiếc xe của Đài truyền hình An Viên có mặt ngẫu nhiên trong khuôn viên của MobiFone. Ảnh: TK. |
Trong khi đó, VNPT-VinaPhone đặt mục tiêu tăng lợi nhuận tới 49% trong khi chỉ đứng ở top 3 về doanh thu, sau Viettel và MobiFone. Trong kế hoạch tham vọng “giành lại vị trí số một trên thị trường viễn thông”, VinaPhone có mục tiêu vượt cả MobiFone về chăm sóc khách hàng - lĩnh vực chưa từng là thế mạnh của nhà mạng này.
Ông Lương Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc VNPT-VinaPhone có những phát ngôn rất mạnh mẽ trước báo giới khi ra mắt: “Mục tiêu cao nhất của VNPT VinaPhone không phải là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 49%/năm, hay cán đích doanh thu ước tính 83.500 tỷ đồng, mà là trở lại vị thế số một trên thị trường. Để đạt được mục tiêu này, VNPT VinaPhone không chỉ kinh doanh riêng mảng viễn thông mà còn chú trọng vào các sản phẩm dịch vụ mới”.
Theo đó, 5 năm tới, VNPT-VinaPhone đặt mục tiêu số một về lượng người dùng (số thuê bao), lợi nhuận và chăm sóc khách hàng. Bình luận về mục tiêu giành lại vị trí số một trên thị trường viễn thông, một lãnh đạo cấp dưới của ông Hoàng tại VNPT-VinaPhone chia sẻ với Zing.vn: “Đó là mục tiêu trong 5 năm và trong 5 năm thì điều gì cũng có thể xảy ra”.
Ông Trần Mạnh Hùng – Chủ tịch VNPT (công ty mẹ của VinaPhone) cũng có những tuyên bố đình đám về việc xây dựng hạ tầng: “VinaPhone sẽ có vùng phủ 3G rộng nhất” và với tốc độ “2 tuần bằng 2 năm”. Theo phát ngôn của ông Hùng, đến tháng 10/2015, nhà mạng này sẽ có vùng phủ 3G rộng nhất Việt Nam.
Trên thực tế, nếu tiến độ xây đầu tư hơn 10.000 trạm 3G trong 4 tháng của VinaPhone thành hiện thực, vùng phủ của nhà mạng này đạt khoảng 20.000 trạm và theo Chủ tịch VNPT thì sẽ chiếm 90% diện tích Việt Nam.
Giải thích về "vùng phủ rộng nhất Việt Nam", ông Hùng cho biết: "10.000 trạm 3G này có ưu thế là vùng phủ rộng thậm chí gấp 3 lần 1 trạm 3G dùng băng tần 2,1 GHz của các nhà mạng trước đó. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nâng cấp thêm 3.000 trạm thu phát sóng 3G hiện có".
Bình luận về các phát ngôn của VNPT (ông Hùng) và VinaPhone (ông Hoàng), lãnh đạo một nhà mạng khác nói vui: “Khuyến khích cổ vũ cũng đúng nhưng đùng đoàng quá. Tuy nhiên, nếu VinaPhone làm được thì đó là một bước ngoặt lịch sử”.