Sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, TikTok đã tuyên bố sẽ dừng cung cấp ứng dụng này tại Hong Kong.
"Vì những sự kiện gần đây, chúng tôi đã quyết định ngừng hoạt động của ứng dụng TikTok tại Hong Kong", Axios dẫn lời đại diện của TikTok.
Thời gian qua, TikTok liên tục bị phản đối tại nhiều quốc gia, và còn bị Ấn Độ cấm cửa cùng 58 ứng dụng khác. Ảnh: Foreign Policy. |
TikTok là ứng dụng mới nhất đưa ra các phản ứng sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia. Google, Facebook và Twitter đều tuyên bố sẽ dừng xử lý dữ liệu với những yêu cầu từ chính quyền Hong Kong.
Tuy nhiên, động thái của TikTok được nhìn nhận là một bước để giảm bớt sự liên quan đối với nguồn gốc Trung Quốc. BBC cho rằng quyết định của TikTok "nhìn có vẻ khác thường, nhưng là bước đi chiến lược".
Guardian chỉ ra rằng tuyên bố của TikTok được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo tuyên bố Mỹ "đang xem xét rất nghiêm túc" khả năng cấm cửa những ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, trong đó có TikTok.
Thời gian qua, TikTok liên tục bị phản đối hoặc bị xem xét cấm tại nhiều nước. Các lập luận phản đối TikTok cho rằng công ty này hoạt động theo luật pháp Trung Quốc, do vậy có thể là mối nguy an ninh với các quốc gia khác.
Đó là lý do TikTok phải cố gắng thay đổi hình ảnh của mình, và cây viết Karishma Vaswani của BBC nhận định đây là một trong những nước đi đó.
"TikTok đã liên tục khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính quyền Bắc Kinh, và cũng chưa bao giờ bị ép phải cung cấp dữ liệu.
Tiếp tục hoạt động tại Hong Kong, dưới luật an ninh mới, có thể gây khó cho những tuyên bố của họ", cô Vaswani nhận xét.
Trước đó, nhóm hacker Anonymous đã lên tiếng vì cho rằng đây là phần mềm theo dõi do chính phủ Trung Quốc tạo ra. Ảnh: Forbes. |
TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, gã khổng lồ Internet Trung Quốc. Trong nước, ứng dụng này có tên Douyin.
Thị trường lớn nhất của TikTok là Ấn Độ, nhưng gần đây họ gặp khó khi bị cấm tại quốc gia này. Ngày 29/6, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng ứng dụng này "gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ".
Sau đó, TikTok cùng 58 ứng dụng khác đã bị quan chức nước này cấm cửa. Chính phủ Ấn Độ cho rằng các ứng dụng bị cấm đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của nước này. Một số báo cáo cho rằng những ứng dụng trong danh sách đã ăn cắp, sau đó lén lút truyền dữ liệu người dùng nước này đến máy chủ bên ngoài Ấn Độ.
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Ấn Độ. Việc bị chính phủ Ấn Độ cấm cửa có thể khiến TikTok thiệt hại lên đến 6 tỷ USD.