Từ trước khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2, tình báo Anh và Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ giao tranh bùng nổ tại Ukraine.
Tuần này, các nước phương Tây tiếp tục giải mật nhiều kết luận tình báo về Nga khi chiến thuật của nước này tại Ukraine đang chuyển đổi sang một giai đoạn mới.
Lực lượng ly khai thân Nga tại thành phố Mariupol ở miền Đông vào ngày 24/2. Ảnh: Reuters. |
“Tốc độ và quy mô” chia sẻ bí mật tình báo đang ở mức “chưa từng có tiền lệ”, ông Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan tình báo điện tử GCHQ của Anh, nhận định.
Đồng tình, ông Mark Geleotti, chuyên gia về Nga thuộc Đại học London, cho rằng động thái công khai bí mật tình báo nói trên “phản ánh thực tế là chúng ta đang ở một thời đại khác về mặt chính trị trên quy mô toàn cầu”.
Công khai bất thường
Trước kia, Mỹ thường chỉ giải mật tình báo sau khi một sự cố xảy ra. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hồi năm 1983 từng cử đại sứ Mỹ trình băng ghi âm lên trước Hội đồng Bảo an sau sự cố rơi máy bay dân sự Hàn Quốc.
Giới chức Mỹ cho biết việc công khai thông tin tình báo hiện nay nhằm hướng tới một số mục tiêu, theo AP.
Một trong số đó là để nhắc nhở rằng giới lãnh đạo Nga đang bị quan sát. Chiến dịch này còn nhằm để công chúng Nga biết được tình hình thực địa tại Ukraine.
Mỹ và Anh cũng tiết lộ thông tin tình báo để cố gắng ngăn ngừa các hành động của Nga. Sát ngày 24/2, hai nước này liên tục cảnh báo Nga có khả năng hành động, dù các nước khác, kể cả Ukraine, đều không đánh giá cao nguy cơ này.
Khi ấy, các cố vấn của ông Biden thừa nhận họ đang tạo rủi ro đối với tín nhiệm của Mỹ, nhưng đây là rủi ro họ sẵn sàng chấp nhận nếu có thể ngăn ngừa giao tranh, theo New York Times.
Ông Biden (phải) gặp ông Putin tại Geneva vào ngày 16/6/2021. Ảnh: AFP. |
Đến đầu tháng 3, Mỹ và Anh tiếp tục cảnh báo Nga có khả năng dùng vũ khí hóa học tại Ukraine. Phía Nga bác bỏ cáo buộc này.
Theo AP, một mục tiêu khác trong chiến dịch công bố thông tin tình báo còn là nhằm tăng cường sự đoàn kết của phương Tây.
Chẳng hạn, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh gần đây nêu lên những mục tiêu của Nga trong tiến trình đàm phán, từ đó nhấn mạnh phương Tây cần duy trì hỗ trợ quân sự và tinh thần cho Ukraine.
Bước chuyển mới cho tác chiến thông tin
Động thái của Mỹ và Anh là một phần trong chiến lược phối hợp xuyên Đại Tây Dương được khởi động từ nhiều tháng trước đó.
Lo ngại về động thái của Nga, Tổng thống Joe Biden vào đầu tháng 11/2021 đã cử Giám đốc CIA William Burns tới Moscow với thông điệp: Mỹ biết rõ hoạt động điều quân của Moscow. Ít lâu sau chuyến đi này, Mỹ đẩy mạnh chia sẻ tình báo với đồng minh.
Nỗ lực ban đầu của Mỹ không đạt kết quả lớn. Ngoại trừ Anh, các nước đồng minh châu Âu đều tỏ thái độ hoài nghi, một phần vì chính quyền Mỹ dưới thời ông George W. Bush từng thao túng tình báo để hợp thức hóa hành động tấn công tại Iraq năm 2008.
Tới cuối cùng, thực tế ngày 24/2 đã xua tan hầu hết hoài nghi và giúp NATO có phản ứng thống nhất.
Theo Wall Street Journal, quan chức Mỹ cho rằng tuy chiến dịch công khai thông tin tình báo không ngăn cản Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine, có chứng cứ cho thấy biện pháp này đã có hiệu quả ở một số phương diện.
Ảnh vệ tinh ngày 1/11/2021 cho thấy lực lượng mặt đất tại Yelnya, Nga. Ảnh: Maxar. |
Các quan chức này cho rằng biện pháp này có khả năng đã trì hoãn thời điểm Nga mở chiến dịch, và Kyiv có thêm thời gian chuẩn bị.
Một số người cho rằng chiến thuật trên gợi mở về vai trò tương lai của tình báo trong các khủng hoảng quốc tế.
“Tôi thật sự cho rằng đây là một điềm báo”, ông Glenn Gerstell, cựu trưởng cố vấn thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nói. “Các xung đột tương lai sẽ được định hình và ngăn ngừa bằng hoạt động công bố phủ đầu thông tin”.
Mặt khác, hiện rất khó để xác định tác động của chiến dịch bên trong nước Nga, theo AP.
Trao đổi với AP, một quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng hy vọng rằng bằng cách công khai thông tin tình báo, phía Nga có thể xem xét lại lựa chọn tại Ukraine.
Nhưng cách làm này cũng có những rủi ro. Theo vị quan chức trên, ông Biden vẫn tin rằng “Moscow sẽ làm điều mình muốn”, bất chấp nỗ lực của quốc tế.
Ông Galeotti cho rằng các cơ quan tình báo phương Tây nhiều khả năng sẽ không biết được tác động của họ lên Moscow.
“Nhưng việc thử cũng không có hại”, ông nói.