Theo Bloomberg, chuyên gia Phillip Gillespie - CEO hãng B2C2 Japan - nhận định đồng NDT kỹ thuật số sẽ gây xáo trộn các thị trường tiền mã hóa. "Một khi đồng NDT kỹ thuật số được tung ra thị trường, các loại tiền mã hóa như Bitcoin sẽ đối mặt rủi ro cực lớn", ông Gillespie - người từng làm việc ở bộ phận thị trường tiền tệ của Goldman Sachs - nhận định.
Ông cảnh báo các nhà đầu tư sẽ bán tháo ồ ạt Bitcoin và các loại tiền mã hóa nếu các chính phủ thông qua những quy tắc mới để quản lý thị trường này. Bởi khi đó, sức hút của tiền mã hóa sẽ bị triệt tiêu.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng việc các ngân hàng trung ương phát hành tiền kỹ thuật số sẽ gây sức ép dữ dội lên Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Hiện, công dân Trung Quốc đã bị cấm chuyển đổi từ NDT sang tiền ảo.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể là ngân hàng trung ương lớn đầu tiền phát hành tiền điện tử. Ảnh: Reuters. |
Đồng Tether
Tuy nhiên, công dân Trung Quốc vẫn có thể làm điều này thông qua Tether - một stablecoin có giá trị gắn với đồng USD. Tiền từ Tether sau đó sẽ được chuyển sang Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác.
Theo chuyên gia Gillespie, Trung Quốc hoàn toàn có thể ra lệnh cấm đối với đồng Tether. Trong dự thảo luật của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhằm tạo tiền đề cho đồng NDT kỹ thuật số, có điều khoản cấm cá nhân và tổ chức tạo và bán tiền mã hóa.
Trong những ngày gần đây, khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc cũng cấm mọi hoạt động khai thác tiền mã hóa nhằm giảm tiêu thụ năng lượng.
Tuy chưa có ngày ra mắt chính thức, PBOC có thể là ngân hàng trung ương lớn đầu tiền phát hành tiền điện tử sau nhiều năm thử nghiệm. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân tin rằng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương sẽ không đặt dấu chấm hết cho stablecoin.
Các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đổ tiền vào thị trường tiền mã hóa thông qua Tether. Tiền từ Tether sau đó sẽ được chuyển sang Bitcoin và những loại tiền thuật toán khác. Ảnh: Getty Images. |
"Thành công của Tether đã tạo bước đệm giúp tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (CBDC) hoạt động", ông Paolo Ardoino, Giám đốc công nghệ của Tether và sàn giao dịch liên kết Bitfinex, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Gillespie, Tether đã "cung cấp một lượng nhiên liệu lớn cho các giao dịch mua bán Bitcoin".
Giá Bitcoin tăng hơn 500% trong vòng một năm qua và thiết lập kỷ lục mới hơn 58.000 USD/đồng. Nhiều nhà đầu tư tin rằng Bitcoin sẽ trở thành một trong những tài sản tài chính chính thống, trong khi một số khác khẳng định đầu tư Bitcoin chỉ là hoạt động đánh bạc thuần túy.
"Cú sốc thanh khoản"
Tether cũng là một loại tiền gây tranh cãi. Các nhà giao dịch thường sử dụng Tether để chuyển từ tiền mã hóa sang tiền mặt và ngược lại. Hơn 16 tỷ USD Tether đã được chuyển từ Đông Á ra nước ngoài trong vòng một năm, theo báo cáo của công ty phân tích Chainalysis hồi tháng 8.
Một lượng lớn trong số đó đến từ Trung Quốc. Báo cáo nhấn mạnh rằng các công dân Trung Quốc có thể sử dụng Tether để né trách những quy định hạn chế chuyển vốn sang nước ngoài.
Hồi tháng trước, các công ty đứng sau đồng Tether cũng bị cấm hoạt động kinh doanh ở New York (Mỹ). Nguyên nhân là những công ty này không minh bạch về các khoản lỗ và dự trữ.
Theo một báo cáo mới đây của JPMorgan Chase & Co., có thể sẽ xảy ra “một cú sốc thanh khoản nghiêm trọng đối với các thị trường tiền mã hóa”, nếu những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến “mức độ sẵn sàng hoặc khả năng sử dụng Tether của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”.
Nếu Trung Quốc áp đặt các quy định, một cú sốc thanh khoản sẽ xảy ra trên nhiều thị trường tiền mã hóa. Ảnh: Getty Images. |
"Tất cả giao dịch được thông qua Tether. Khi các cơ quan quản lý ngày càng hạn chế stablecoin, thanh khoản giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường", ông Todd Morakis, nhà đồng sáng lập của công ty dịch vụ và sản phẩm tài chính kỹ thuật số JST Capital, nhận xét.
Ông Gillespie của B2C2 Japan cũng cảnh báo về "cú sốc thanh khoản lớn" nếu Trung Quốc cấm Tether. "Một đợt bán tháo khủng khiếp sẽ xảy ra", ông nói thêm.