Phó chủ tịch UBND Đồng Nai đã ký văn bản kiến nghị Bộ GTVT di dời trạm thu phí BOT Tân Phú ở quốc lộ 20, giảm giá vé ở trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa và điều chỉnh hệ thống trạm trên quốc lộ 51 để phù hợp với tình hình hiện nay.
Thu phí quá cao
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương có dự án cải tạo mặt quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 51, dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới… đều theo hình thức BOT; trong đó, có những hạn chế và bất cập.
Cảnh kẹt xe xảy ra vào chiều 9/9 tại khu vực BOT tuyến tránh Biên Hòa khi tài xế trả phí trạm bằng tiền lẻ. Ảnh: Ngọc An. |
Dự án nâng cấp, mở rộng một số đoạn qua thị trấn quốc lộ 20 được Bộ GTVT triển khai theo hình thức BOT. Dự án này sử dụng trạm Bảo Lộc (Lâm Đồng) và trạm Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) để thu phí hoàn vốn. Tháng 9/2013, trước sự phản ứng của người dân, chủ đầu tư di dời trạm Định Quán về huyện Tân Phú (Đồng Nai), cách vị trí cũ 20 km.
Năm 2016, trạm Bảo Lộc dừng thu phí nên việc sử dụng trạm Tân Phú thu phí hoàn vốn dự án không còn phù hợp. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT chuyển trạm này về vị trí phù hợp, thuộc phạm vi dự án để tránh việc người dân không đi qua dự án cũng phải bỏ tiền.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, trạm thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh Biên Hòa (đặt tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) có mức phí cao hơn nhiều trạm khác nên kiến nghị giảm giá vé. Trong khi trạm cầu Đồng Nai, trạm quốc lộ 1K, trạm quốc lộ 51 thu 10.000-20.000 đồng một lượt đối với ôtô dưới 12 chỗ, trạm thu tuyến tránh Biên Hòa là 35.000 đồng.
Vị trí trạm thu phí ở Trảng Bom. Đồ hoạ: Minh Trí. |
Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ GTVT giảm giá vé cho những hộ dân sống gần trạm thu phí tuyến tránh TP Biên Hòa.
UBND Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT chỉ thu phí một lần (thay vì thu 2 lần như hiện nay) đối với dự án sửa chữa, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 51.
Người dân yêu cầu dời trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa
Nói về trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa, anh Trương Tấn Thông, ngụ ấp Bàu Cá (xã Trung Hòa), nêu bức xúc rằng trước đây, chủ đầu tư chỉ sửa chữa vài km mặt quốc lộ qua địa bàn, rồi đặt trạm thu phí là không hợp lý. Điều này làm nhiều tài xế không đồng tình nên lái ôtô né tránh vào đường trong khu dân cư của ấp Bàu Cá.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Chiến (ngụ xã Trung Hòa) tỏ ra bất bình: “Trạm thu phí đặt ở vị trí này là sai và thu phí với giá quá cao. Tôi mong các cấp chính quyền phải có cách giải quyết trạm thu phí này. Trạm thu tuyến tránh Biên Hòa thì đưa về đường tránh chứ không thể thu trên quốc lộ 1. Nếu để trạm này lại thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chúng tôi”.
Tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa vào sáng 12/9. Ảnh: Ngọc An |
Anh Hưng, người kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách ở xã Trung Hòa, cho biết anh không khai thác tuyến nào trên đường tránh Biên Hòa nhưng hàng tháng vẫn phải bỏ trên 3 triệu đồng cho phí qua trạm.
“Xe ra khỏi ngõ là đụng trạm thu phí, giá lại cao nên tự nhiên tôi phải chịu thiệt hại khoản tiền không nhỏ. Tôi đề nghị chủ đầu tư phải miễn hoặc giảm giá vé cho những người dân sống gần trạm. Nếu không làm được thì cần chuyển đến đường tránh cho phù hợp”, anh Hưng bức xúc.
Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa đi vào hoạt động từ năm 2014 với giá vé thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất 180.000 đồng cho mỗi lượt phương tiện qua trạm. Theo kế hoạch, trạm sẽ thu phí trong thời gian 10 năm.
Trong 2 ngày 9/9 và 12/9, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ, đồng xu mệnh giá 200 đồng, 500 đồng mua vé qua trạm làm giao thông qua khu vực trở nên rối loạn, ách tắc. Khi xảy ra việc này, chủ đầu tư buộc xả trạm để đảm bảo mạch lưu thông của xe cộ qua khu vực.