Ngày 7 /12, ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Thú y (Chi cục Thú y TP HCM) cho biết vừa hoàn tất thanh tra chất cấm đợt 3 năm 2015. Kết quả, tỉ lệ thương lái có heo sử dụng chất cấm giảm đáng kể.
Theo ông Nguyên, kế hoạch thanh tra đợt 4 được thực hiện từ ngày 19 đến 30/11 tại 14 cơ sở giết mổ trên địa bàn TP HCM.
Thanh tra Chi cục Thú y đã lấy mẫu ở 113 lô heo (391 mẫu), phát hiện 8 lô dương tính với chất cấm. Đồng Nai “đứng đầu” danh sách với 5 lô heo dính chất cấm, Tiền Giang 3 lô.
Trong 14 cơ sở bị kiểm tra có 5 cơ sở được phát hiện có chứa heo sử dụng chất cấm gồm Phước Kiển, Sơn Vàng (Nhà Bè), Nam Phong (Bình Thạnh), Xuân Thới Sơn (Hóc Môn)…Hàm lượng chất cấm giảm mạnh, giao động từ 3 đến 1098ppb/mẫu.
Cán bộ chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu chất cấm tại một lò giết mổ. |
Ông Nguyên cho biết, sở dĩ tỉ lệ heo sử dụng chất cấm giảm về số lượng và hàm lượng là xuất phát từ nguyên nhân thời gian qua cơ quan chức năng kiểm tra ráo riết nên nhiều thương lái đã tự sắm bộ test kiểm tra, chọn lọc heo trước khi mua.
“TP HCM đã có chủ trương đối với những trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm thời gian tới sẽ bị xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn heo, do vậy thương lái lo sợ và tự chuẩn bị cho mình bộ test để kiểm tra heo trước khi về TP HCM tiêu thụ, đó cũng là việc làm chủ động của nhiều thương lái làm ăn chân chính”., ông Nguyên khẳng định.
Theo ông Nguyên, hiện nay một bộ test nhanh chất cấm bán trên thị trường giá chỉ từ 60.000 - 80.000 đồng, do vậy thương lái đủ sức để trang bị.
Trước đó, kết quả thanh tra đợt 1,2 của Chi cục Thú y TP HCM cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tăng cao, đặc biệt xuất phát từ Đồng Nai - nơi cung cấp lượng lớn heo cho các lò giết mổ ở TP HCM.
Đặc biệt, trong đợt 1 lượng heo sử dụng chất cấm tăng báo động khi trong tổng số 222 mẫu nước tiểu trên 51 lô heo tại 8 cơ sở giết mổ thì có 31 mẫu dương tính chất cấm.
Lượng heo xuất phát từ Đồng Nai chiếm lượng tồn dư chất cấm “áp đảo” với 20/31 mẫu, Long An 3/31 mẫu, Tiền Giang 8/31 mẫu.
Đặc biệt, hàm lượng chất cấm vượt mức 3000ppb/mẫu, tức gấp trên 1.500 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2ppb trở lên là dương tính).