Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Thái Lan và dự Hội nghị các Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm lần này. Zing giới thiệu toàn văn cuộc phỏng vấn.
- Xin cho biết ý nghĩa, mục đích chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước?
- Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và dự Tuần lễ Cấp cao APEC từ ngày 16-19/11.
Sau gần 3 năm dịch bệnh tác động không nhỏ đến cả hai nước và chúng ta đang có những thành công bước đầu trong phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, chuyến thăm đánh dấu việc hai nước chính thức nối lại các hoạt động trao đổi đoàn trực tiếp, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… Có thể nói đây là chuyến thăm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với cả hai nước.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm Thái Lan đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Thái Lan từ sau Đại hội XIII và sau đại dịch Covid-19, khi ta nối lại các chuyến thăm cấp cao tới các nước, nhất là các nước láng giềng, thể hiện việc triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.
Thứ hai, Chủ tịch nước cũng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trước thềm Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29. Việc nước Chủ nhà APEC 2022 đón tiếp Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong lúc đang tập trung tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC thể hiện sự coi trọng của Thái Lan đối với việc vun đắp quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường với Việt Nam.
Thứ ba, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2023. Thời gian qua, hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Nổi bật thời gian qua là chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017; thủ tướng Thái Lan thăm chính thức Việt Nam năm 2014 và đến Việt Nam dự các hoạt động đa phương năm 2017 và 2018. Trong thời kỳ Covid-19, lãnh đạo hai nước vẫn duy trì các cuộc điện đàm.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: TTXVN. |
Hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đều có những phát triển vượt bậc. Năm 2021, trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan. Thái Lan đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hợp tác du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển tích cực. 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 40.000 lượt du khách Thái Lan và khách Việt Nam đến Thái Lan khoảng 130.000 người. Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam có thỏa thuận hợp tác với các địa phương Thái Lan. Thái Lan cũng là đất nước có đông đảo người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan hòa nhập tốt với sở tại, luôn hướng về quê hương đất nước và góp phần phát triển quan hệ hợp tác hai nước.
Do vậy, chuyến thăm sẽ tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan. Đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi các định hướng lớn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới và tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh…; bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, thể thao, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương. Những văn kiện hợp tác quan trọng dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này. Hai bên cũng dự kiến thông qua Tuyên bố chung về chuyến thăm.
Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước sẽ truyền tải thông điệp về quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước không ngừng thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan, đóng góp vào củng cố đoàn kết ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Xin cho biết sự tham gia của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC lần này?
- Trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều hoạt động cả đa phương và song phương, nổi bật là:
Thứ nhất, Chủ tịch nước sẽ cùng các nhà lãnh đạo và trưởng đoàn từ 21 nền kinh tế thành viên có 2 phiên thảo luận sâu về tình hình và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.
Đây là dịp để chúng ta chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm của Việt Nam và đề xuất hướng đi để hợp tác APEC đóng góp hiệu quả hơn vào giải quyết các thách thức chung của khu vực, vì lợi ích chung của tất cả thành viên.
Thứ hai, Chủ tịch nước sẽ tham dự phiên đối thoại cùng các khách mời của Hội nghị để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và phối hợp hành động giữa APEC với các khu vực bên ngoài.
Thứ ba, Chủ tịch nước được mời làm diễn giả chính và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 và sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC.
Đây là thông lệ đặc sắc của APEC nhằm khuyến khích sự tham gia đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng chính sách và hợp tác khu vực.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện các bộ, ngành Việt Nam tham gia các cuộc họp cấp bộ trưởng và quan chức cao cấp để xây dựng văn kiện và chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao.
Có thể khẳng định đoàn Việt Nam sẽ tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các hội nghị, đề cao tinh thần đối thoại, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương, triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII; nỗ lực cùng các thành viên tìm kiếm giải pháp giúp Diễn đàn vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ các thành tựu và giá trị cốt lõi của hợp tác và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Qua hội nghị, chúng ta sẽ gửi tới bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp về nền kinh tế Việt Nam năng động, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.
- Xin đánh giá về vai trò, sự tham gia của Việt Nam trong tiến trình hợp tác của APEC thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh 3 năm qua, các hội nghị cấp cao diễn ra theo hình thức trực tuyến?
- Trước hết cần nhìn nhận rằng 4 năm trở lại đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của Diễn đàn APEC. APEC 2018 không ra được Tuyên bố chung; APEC 2019 phải hoãn vào phút chót; tiếp đó đại dịch Covid-19 làm xáo trộn rất nhiều và buộc các hoạt động của APEC ở các cấp phải chuyển sang hình thức trực tuyến.
Tuần lễ cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn luôn có những đóng góp tích cực, được các đối tác đánh giá cao. Trong 3 năm vừa qua, chúng ta đã đóng góp vào nỗ lực tìm tiếng nói chung, xây dựng lòng tin, duy trì đà hợp tác, tạo thêm động lực mới cho Diễn đàn, thể hiện trên 5 phương diện sau:
Thứ nhất, phát huy thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, chúng ta đã thúc đẩy các bên thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết quan trọng của APEC 2017, tạo cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các kế hoạch hợp tác mới.
Thứ hai, Việt Nam là thành viên chủ chốt tham gia xây dựng Tầm nhìn APEC 2040 và đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hoá Tầm nhìn.
Đây là tài liệu định hướng rất quan trọng, xác định các ưu tiên của APEC trong hai thập kỷ tới về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại-đầu tư và thúc đẩy vai trò tiên phong của APEC trong những lĩnh vực mới thế kỷ 21. Việt Nam đã đề xuất và thực hiện khoảng 20 sáng kiến để triển khai Tầm nhìn.
Thứ ba,với vai trò Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC 2022, Việt Nam phối hợp với các thành viên ASEAN thúc đẩy đoàn kết, tiếng nói chung của ASEAN và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực.
Thứ tư, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, Việt Nam đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp trung hoà, giúp duy trì đồng thuận và cam kết đối với diễn đàn.
Thứ năm, chúng ta cũng đã chia sẻ kinh nghiệm đăng cai và phối hợp chặt chẽ với các nước chủ nhà APEC như Malaysia 2020, New Zealand 2021, Thái Lan 2022. Thiện chí và tinh thần hợp tác của Việt Nam được các thành viên coi trọng và đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh các tiến trình hội nghị bị tác động lớn bởi đại dịch.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC vượt qua các thách thức, cùng xây dựng Cộng động Châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hoà bình.