Đại sứ Phan Chí Thành. Ảnh: Huy Tiến/TTXVN. |
Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 16-19/11, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành về mục đích, ý nghĩa chuyến thăm cũng như quan hệ giữa hai nước.
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần 29 tại đây. Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm?
- Nhận lời mời của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Thái Lan ngày 16-19/11. Đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đến Vương quốc Thái Lan sau 24 năm kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 1998 và gần 10 năm sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Thái Lan sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chuyến thăm là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng hữu nghị chung dòng sông Mekong, cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong 24 năm qua, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã được củng cố, phát triển nhanh chóng và thực sự đã thay đổi về chất, được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật đến giao lưu nhân dân.
Trên đà những thành công đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan lên tầm cao mới, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Chủ tịch nước và Phu nhân ra sẽ có cuộc hội kiến với Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu; Chủ tịch nước và lãnh đạo một số bộ sẽ hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và các thành viên nội các Thái Lan; dự lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, trong đó có Bản Kế hoạch hành động triển khai đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022-2027; gặp Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và các vị lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Thái Lan; dự cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và Thái Lan; dự lễ khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và các hoạt động khác.
Đặc biệt hai bên sẽ ra Tuyên bố chung khẳng định ý nghĩa của chuyến thăm, trong đó nhấn mạnh các biện pháp mới nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực trong bối cảnh quốc tế hiện nay; tiếp tục phối hợp lập trường trong một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Hoàng gia và Chính phủ Thái Lan chuẩn bị cho chuyến thăm hết sức chu đáo và trọng thị. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên trong số lãnh đạo các nền kinh tế thăm chính thức Thái Lan nhân dịp Hội nghị APEC lần này. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và phu nhân sẽ ra tận sân bay đón Chủ tịch nước. Ngay sau chuyến thăm, Chủ tịch nước và đoàn cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 tại Bangkok. Chương trình hội nghị dày đặc với nhiều cuộc họp, cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nền kinh tế.
Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm này sẽ tạo ra một sinh khí mới, thực sự là dấu mốc lịch sử không những trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan, mà còn trong việc tham gia của Việt Nam vào diễn đàn APEC.
Quang cảnh lễ khai mạc Tuần lễ sản phẩm Thái Lan tại Quảng Ninh. Ảnh: Văn Đức/TTXVN. |
- Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan hiện nay?
Trong tổng thể hợp tác toàn diện giữa hai nước, hợp tác kinh tế có những thành tựu nổi bật, chiếm vị trí trụ cột trong quan hệ song phương. Trong bối cảnh quan hệ chính trị tốt đẹp, hai nước có điều kiện tập trung nguồn lực vào đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Hai bên thúc đẩy hợp tác của các ngành kinh tế như nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, giao thông… dưới sự điều phối của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương và Ủy ban hỗn hợp về thương mại.
Thái Lan và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau. Về đầu tư, hiện Thái Lan vươn lên trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 8 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 700 dự án, tổng vốn trên 13 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng, bán lẻ, nông nghiệp, môi trường, tài chính - ngân hàng, điện tử, điện lạnh, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi... đặc biệt gần đây có xu hướng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp Thái Lan đánh giá cơ hội kinh doanh ở Việt Nam rất đa dạng và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa sang Việt Nam.
Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt khoảng 19 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của ta sang Thái Lan trung bình đạt khoảng 7 tỷ USD một năm. Việt Nam thuộc tốp đầu các thị trường xuất khẩu của Thái Lan. Hai nước đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 25 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa hai nước đang có một số vấn đề cần tháo gỡ như mất cân đối trong cán cân thương mại, đầu tư, du lịch, ngân hàng… Đầu tư của Việt Nam sang Thái Lan còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam và nhu cầu phát triển của Thái Lan. Điểm mới trong chuyến thăm lần này là hai bên sẽ thống nhất về triển khai 3 kết nối: kết nối chuỗi cung ứng; kết nối cơ sở sản xuất, trước hết là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại các địa phương hai nước; kết nối chính sách phát triển bền vững của hai quốc gia.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, hai bên cần hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thuận lợi hơn ở mỗi nước. Phát huy vai trò hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham), xúc tiến sớm thành lập Phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan (VietCham). Với nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai bên trong thúc đẩy giải quyết một số vấn đề điểm nghẽn hiện nay, tôi cho rằng dư địa cho hợp tác kinh tế hai nước vẫn còn rất lớn trong thời gian tới.
- Xin Đại sứ cho biết hai bên có phương hướng, biện pháp gì thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan?
- Như đã nói ở trên, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chứng kiến lễ ký Kế hoạch Hành động triển khai đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022-2027 với rất nhiều biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Thứ nhất, hai bên cần tiếp tục trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trong thời gian tới nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ và tin cậy chính trị cao giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Đây chính là nền tảng vững chắc, quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng sâu sắc, tin cậy ở tất cả các cấp, trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ hai, hai bên cần tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác song phương quan trọng như họp Nội các chung, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan, Tham khảo Chính trị Việt Nam - Thái Lan; Ủy ban Hỗn hợp song phương về hợp tác thương mại... Trước mắt, hai bên cần sớm nối lại trao đổi, cùng phối hợp tổ chức kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung giữa hai nước vào thời gian phù hợp trong năm 2023 nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược; trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa trong năm kỷ niệm này.
Thứ ba, hai bên cần đẩy mạnh triển khai các nội dung hợp tác trên các lĩnh vực theo Chương trình hành động, sớm đẩy nhanh đàm phán, ký kết các văn kiện pháp lý quan trọng, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương cụ thể là thúc đẩy kết nối kinh tế, bao gồm kết nối chính sách phát triển xanh của Việt Nam và chính sách kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh của Thái Lan, kết nối hạ tầng giao thông, kết nối chuỗi cung ứng, kết nối các cơ sở kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết nối kinh tế giữa các địa phương hai nước.
Thứ tư, hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực, tiểu vùng và quốc tế, phối hợp thúc đẩy các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong gắn quá trình phát triển tiểu vùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.
Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit, địa điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN. |
- Đại sứ đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của chủ nhà APEC năm nay và sự tham gia của Việt Nam tại các cuộc họp trong khuôn khổ Năm APEC Thái Lan được triển khai từ đầu năm đến nay?
- Do tính chất là cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trực tiếp lần đầu tiên sau 4 năm, phía Thái Lan đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị cho năm APEC 2022 nói chung và Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng nhằm tạo dấu ấn riêng. Chính phủ Hoàng gia Thái Lan coi đây là nhiệm vụ đối ngoại lớn nhất của đất nước trong năm 2022.
Khối lượng công việc của chủ nhà là rất đồ sộ, nhưng có thể tóm tắt như sau. Về cơ sở vật chất và hậu cần, Thái Lan đã đầu tư kinh phí 3,2 tỷ baht (hơn 89 triệu USD) cho công tác tổ chức năm APEC 2022. Trung tâm Hội nghị quốc gia Nữ hoàng Sirikit, địa điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC, được cải tạo diện rộng và chính thức khánh thành ngày 15/10, với tổng diện tích 300.000 m2 và có sức chứa lên đến 100.000 người.
Về bảo đảm an ninh, Thái Lan đã tăng cường an ninh tối đa để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ Cấp cao APEC. Dự kiến, có hơn 20.000 nhân viên an ninh sẽ được huy động để bảo vệ an toàn cho các sự kiện, tháp tùng lãnh đạo các nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh và giao thông thông suốt, Chính phủ Thái Lan đã thông báo lịch nghỉ lễ đặc biệt cho người dân thành phố Bangkok và hai tỉnh phụ cận là Nonthaburi và Samut Prakan ngày 16-18/11. Nhiều tuyến đường, nút giao thông, bến tàu điện quan trọng của thành phố cũng bị hạn chế hoặc dừng hoạt động, thiết bị bay không người lái bị cấm hoàn toàn trong những ngày diễn ra sự kiện.
Về nội dung, trong năm 2022, Thái Lan đã tổ chức rất thành công hơn 120 cuộc họp trong khuôn khổ APEC. Trong vai trò chủ nhà, Thái Lan đề xuất chủ đề xuyên suốt của Năm APEC 2022 là "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng" với tầm nhìn về một APEC mở với tất cả cơ hội, kết nối trên mọi phương diện, cân bằng trên mọi khía cạnh; tập trung vào ba ưu tiên, gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh. Với kinh nghiệm tổ chức nhiều hội nghị quốc tế và sự chuẩn bị rất chu đáo lần này, Thái Lan đã sẵn sàng và sẽ tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 một cách thành công và an toàn.
Về sự tham gia của Việt Nam, chúng ta đã tham gia tích cực và đầy đủ vào các cuộc họp trong Năm APEC 2022 như các hội nghị cấp bộ trưởng về thương mại, lâm nghiệp, an ninh lương thực, du lịch, y tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính và nhiều cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau. Việt Nam luôn chủ động, tích cực, đóng góp ý kiến, tham gia vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Thái Lan, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC, góp phần thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.