Casio A100WEPC là mẫu đồng hồ lấy cảm hứng từ dòng game Pac-Man. Sản phẩm do Casio hợp tác với hãng game Bandai Namco để thiết kế, được tùy biến dựa trên A100, model mô phỏng F-100 - mẫu đồng hồ thạch anh vỏ nhựa đầu tiên của Casio ra đời năm 1978. |
Tương tự A100, Casio A100WEPC có thiết kế độc đáo với 4 nút bấm ở mặt trước để bật đèn, chỉnh chế độ và đổi ngày giờ. Phía trên nút bấm là màn hình điện tử hiện thời gian, thông báo buổi sáng/chiều và báo thức (nếu có). |
Khung của Casio A100WEPC có màu vàng tương tự thùng game Pac-Man, mặt trước mô phỏng hình ảnh bản đồ trong trò chơi. Chữ "Illuminator" dưới màn hình có màu vàng, vị trí và font tương tự chữ "Ready!" trong game. |
Nhận vật Pac-Man màu vàng được in phía trên khu vực hiển thị giờ, bên phải là con quái màu đỏ (Blinky) và cam (Clyde). Khu vực chứa 4 nút bấm phía dưới gồm con quái màu hồng (Pinky), xanh dương (Inky) và trái cherry giúp thu nhiều điểm hơn trong game. Vỏ của đồng hồ có chiều rộng 32 mm, dày 9 mm. |
Một số tính năng của Casio A100WEPC gồm hiển thị giờ, lịch, báo thức, bấm giờ và đèn nền cam, tính năng hữu ích bởi màn hình của đồng hồ có nền đen chữ trắng, khá khó đọc trong bóng tối. Thiết bị cũng có khả năng kháng nước tương tự Casio A100. |
Dây đeo của Casio A100WEPC làm bằng thép mạ ion đen, những họa tiết trong game được khắc laser. Khóa cài trên dây có thể điều chỉnh cho phù hợp với kích thước cổ tay. |
Mặt sau của A100WEPC cũng được khắc bản đồ trong game (kể cả chấm ăn điểm), logo Pac-Man, 4 con quái và một số thông tin cơ bản của đồng hồ. |
Trọng lượng của đồng hồ là 53 g. Theo Hodinkee, cảm giác đeo A100WEPC khá nhẹ và thoải mái. Sự kết hợp giữa màu đen và vàng cho độ tương phản cao, kết hợp họa tiết Pac-Man mang đến cảm giác hoài cổ cho người đeo. |
Hộp giấy của A100WEPC cũng in bản đồ trong Pac-Man, bên trong là hộp trưng bày trong suốt với logo Casio và Pac-Man cho người thích sưu tầm. Sản phẩm có giá 99,95 USD, cao hơn một số biến thể như A100WE-1A (54,95 USD) hay A100WEG-9A (74,95 USD). |
Được ra mắt tại Nhật vào năm 1980, Pac-Man nhanh chóng thu hút người chơi bởi sự đơn giản nhưng không kém hấp dẫn. Trò chơi đã tạo nên cơn sốt trên toàn cầu, với gần 300.000 bản được bán trên thế giới từ năm 1981 đến 1987. |
Pac-Man được đánh giá là tựa game tiên phong trong cách thiết kế trò chơi điện tử. Với những thành tựu đạt được, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại New York (Mỹ) đã tôn vinh vai trò của Pac-Man trong lịch sử trò chơi điện tử, đưa tựa game này trở thành một phần của bộ sưu tập được lưu trữ vĩnh viễn tại New York năm 2012. |