Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2028, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chiếm 22,6% mức tăng toàn cầu. Ấn Độ theo sau với 12,9%, trong khi Mỹ đóng góp 11,3%.
Theo dự báo của IMF, do ảnh hưởng của lãi suất gia tăng, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong 5 năm tới. Đây cũng là tốc độ thấp nhất trong hơn 30 năm.
Quỹ kêu gọi các quốc gia ngăn chặn tình trạng phân mảnh kinh tế do căng thẳng địa chính trị và đưa ra những biện pháp thúc đẩy năng suất.
Mức đóng góp của các quốc gia vào tăng trưởng GDP toàn cầu giai đoạn 2023-2028 | |||||||||||||||
Dữ liệu: IMF | |||||||||||||||
Nhãn | Trung Quốc | Ấn Độ | Mỹ 11.3 | Indonesia | Đức | Thổ Nhĩ Kỳ | Nhật Bản | Brazil | Ai Cập | Nga | Việt Nam | Bangladesh | Anh | Pháp | |
% | 22.6 | 12.9 | 0 | 3.6 | 2.1 | 2.1 | 1.8 | 1.7 | 1.7 | 1.6 | 1.6 | 1.6 | 1.5 | 1.5 |
Dẫn dắt kinh tế thế giới tăng trưởng
75% tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tập trung ở 20 quốc gia. Hơn 50% thuộc về top 4 là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia.
Trong G7, Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp nằm trong các nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu. Việt Nam cũng sẽ đóng góp 1,6% trong 5 năm tới.
Ông Jim O'Neill - cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs - đã gọi các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là nhóm BRIC. Nhóm này dự kiến đóng góp 40% vào tăng trưởng của thế giới trong vòng 5 năm tiếp theo.
Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Các biện pháp này làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế và kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.
Dù đã gỡ bỏ các hạn chế chống dịch, lạm phát thấp nhất kể từ tháng 9/2021 của Trung Quốc cho thấy nhu cầu tại đất nước 1,4 tỷ dân vẫn yếu.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 1% của tháng 2. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục lao dốc mạnh, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp.
Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi
Theo dữ liệu của Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm ít nhất 170 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25 tỷ USD) cho các ngân hàng thông qua những công cụ cho vay trung hạn.
PBoC cũng giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75%, giống với dự báo của nhóm chuyên gia được Bloomberg khảo sát. Đây là tháng thứ 8 ngân hàng này giữ nguyên lãi suất.
Tháng trước, giới chức Bắc Kinh vừa bơm 481 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ tăng trưởng, vừa cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng. Động thái trên có thể giải phóng 500 tỷ nhân dân tệ vốn dài hạn vào hệ thống tài chính.
Tuần trước, Thống đốc PBoC Yi Gang khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Theo ông, nước này có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay nhờ sự vực dậy của thị trường bất động sản.
GDP Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục 4,5% trong quý đầu tiên của năm nay. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, vốn đang trượt dài trong khủng hoảng thanh khoản. Ngành này được coi là động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế thứ 2 thế giới trong nhiều thập kỷ.
Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBC) công bố, GDP nước này đã tăng trưởng 4,5% trong 3 tháng đầu năm 2023, cao hơn nhiều so với dự báo 4% của các chuyên gia được Reuters khảo sát.
Đây là mức tăng cao nhất của một quý trong vòng 3 năm trở lại đây, tăng mạnh từ mức 2,9% trong quý IV/2022.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.