Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đóng góp của những cây đại thụ trong ngành sách

Trong buổi gặp mặt người làm xuất bản tiêu biểu, GS.TS Đinh Xuân Dũng ôn lại chặng đường làm sách, những người cống hiến cho sự nghiệp xuất bản nước nhà.

Diễn văn do GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương - trình bày tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam và gặp gỡ tuyên dương những người làm xuất bản tiêu biểu (10/10/1952-10/10/2022).

Được dự và chứng kiến chuỗi hoạt động giàu ý nghĩa khoa học và nhân văn, giàu tình yêu và sự trân trọng đối với sách, đối với ngành xuất bản, in và phát hành, những người hoạt động trên lĩnh vực xuất bản thật sự vui mừng, tự hào không chỉ vì nghề nghiệp của mình mà chủ yếu là qua các hoạt động đó, thể hiện sự thấu hiểu, đánh giá cao và đúng vị trí, vai trò của xuất bản trong suốt 70 năm qua và trong sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước những năm sắp tới.

Ít năm trước đây, đôi lúc chúng tôi - những người đã và đang hoạt động xuất bản - có chút tủi thân, giờ cảm giác ấy mờ dần đi, thay chỗ cho nó là sự xúc động và tự hào. Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư của Đảng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo và tổ chức một chuỗi hoạt động trong 15 ngày qua nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành. Chúng tôi thấu hiểu rằng sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước luôn luôn là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của xuất bản nước nhà.

Trong những ngày vui này, với sự trân trọng sâu sắc, chúng ta nghĩ đến các thế hệ tiền bối đã cống hiến to lớn cho sự phát triển của xuất bản. Nhiều người đã âm thầm gắn bó cả cuộc đời mình với ngành. Có những người đã ngã xuống - với tư cách người chiến sĩ - khi đem sách đến bộ đội, chiến sĩ tại các vùng chiến sự ác liệt trong 30 năm kháng chiến. Xin kính cẩn nghiêng mình trước những tấm gương bình dị mà cao cả đó.

Trong những ngày này, từ đáy lòng mình, các thế hệ hoạt động xuất bản, với tình cảm biết ơn, đều nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mở đường, khai sinh ra ngành xuất bản cách mạng Việt Nam. Người thường xuyên chỉ đạo, quan tâm, dặn dò ân tình đối với những người hoạt động xuất bản, đồng thời chính Người là tác giả của những tác phẩm bất hủ mở đường cho sự nghiệp xuất bản cách mạng. Với những định hướng và nội dung mới mẻ, ví dụ Bản án chế độ thực dân Pháp, không chỉ là sự lên án chế độ thực dân, mà sâu xa hơn, đó là sự phát hiện vĩ đại của Người về sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc ta đang ẩn sâu trong những người bị áp bức, bị nô lệ, khi được thức tỉnh vươn lên làm cách mạng đã trở thành sức mạnh quật khởi vô địch.

Trong tác phẩm Đường cách mạng, lần đầu tiên, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ ra yêu cầu sự ra đời một kiểu mẫu nhân cách mới: một “người cách mạng”, “người cộng sản” trung kiên, cao thượng, dũng cảm, yêu dân, trong sạch, đủ bản lĩnh và tư cách để tiên phong cùng cả dân tộc đứng lên tự giải phóng, giành độc lập tự do. Những tư tưởng bất hủ đó vẫn còn nguyên giá trị ngày hôm nay đối với tất cả chúng ta. Chính những tư tưởng đó đã định hướng cho nội dung, cho khát vọng sáng tạo của xuất bản.

Tôi bồi hồi xúc động khi đến thăm nhà sàn của Bác. Trên bàn làm việc của Người vẫn còn đó những cuốn sách Bác đang đọc, trong đó có sách của các nhà khoa học Việt Nam, do xuất bản của chúng ta ấn hành. Không một chút nào là công thức, những người làm xuất bản thực sự tự hào và hạnh phúc có bên mình một lãnh tụ vĩ đại và yêu sách, cần sách, suốt đời gắn bó với sách, kiên trì và sáng tạo, truyền bá giá trị của sách và thực sự quan tâm đến ngành xuất bản tuyệt vời như vậy.

Không có tác giả, cộng tác viên, bằng say mê, trí tuệ, tâm huyết và sự gắn bó với cuộc đời, với cách mạng để sáng tạo nên những bản thảo quý giá, chắn chắn không có xuất bản. Gần 100 năm qua, đã liên tục, kế tiếp nhau hàng nghìn, hàng vạn tác giả viết sách nghiên cứu, đề cập tất cả lĩnh vực của đời sống và cách mạng để tạo ra cho ngành xuất bản những tài nguyên, tài sản và vốn tinh thần quý giá. Xin gửi lời chào quý trọng và sự biết ơn đối với các thế hệ tác giả suốt gần 100 năm qua.

Có thể nghĩ rằng, không có người đọc, xuất bản không thể phát triển. Vì vậy, đem các giá trị của sách đến với người đọc là mục tiêu cao nhất của hoạt động xuất bản. Xin hết lòng biết ơn người đọc rộng lượng, tỉnh táo, say mê sách. Đó là nguồn động viên to lớn đối với những người làm xuất bản, in và phát hành 70 năm qua.

Xin được kể ngắn một vài kỷ niệm đẹp về người đọc của chúng ta. Năm 1964, từ miền Nam gửi ra miền Bắc Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc, khi ấy, chúng tôi là sinh viên năm thứ 2 và 3 Khoa Văn Đại học Tổng hợp, tại một xã ở huyện Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi tổ chức buổi nói chuyện về cuốn sách này. Khoảng 4.500 thanh niên tới dự. Cả người giới thiệu sách và người nghe đều khóc khi đọc đến những đoạn viết về tội ác của Mỹ - Diệm và sự hy sinh kiên cường của đồng bào ta ở miền Nam những tháng năm đầy đau thương ấy. Tôi được biết, trong số 4.500 người dự hôm ấy, sau này, nhiều người đã ra trận, là bộ đội, là thanh niên xung phong và họ đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sự ra trận đó không thuộc về những sinh viên trẻ chúng tôi, mà một phần quan trọng thuộc về sức mạnh của sách, giá trị của sách.

Buổi nói chuyện hôm đó đã qua 58 năm, nhưng vẫn hằn sâu trong trí nhớ và tình cảm của chúng tôi. Xin tâm sự một chút: Anh Nguyễn Phú Trọng và tôi đã có mặt và trực tiếp tổ chức buổi nói chuyện hôm đó. Có lần, anh tâm sự, vẫn nhớ như in kỷ niệm thời tuổi trẻ ấy.

Những năm kháng chiến, trong balô của mình, những người lính cụ Hồ đã mang theo những cuốn sách, bài thơ, bản nhạc. Năm 1965, bạn học thời sinh viên của tôi, tại bìa rừng ở chiến trường B2, Nam Bộ, viết thư kể rằng vẫn tranh thủ đọc sách và mong tôi gửi sách cho anh. Anh đã học gần thuộc cuốn tự điển Nga - Việt in năm 1962, với số lượng hàng nghìn từ. Anh đã hy sinh năm 1968.

Giá trị trong sách là tiềm ẩn. Chỉ khi người đọc tiếp nhận, thấu hiểu và chuyển thành phẩm chất trí tuệ, tình cảm, khi đó giá trị tiềm ẩn nằm trong sách ấy mới thực sự hiện hữu. Trong cảm nhận đó, những người làm xuất bản xin biết ơn các thế hệ bạn đọc thân thiết của mình.

Khi viết thư cho cán bộ Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Bác căn dặn: “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp các chú tiến bộ hơn” và Bác đề nghị: Nhà xuất bản nên ghi ở trang 2 tất cả các cuốn sách của mình được xuất bản câu: “Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình”. Vâng, chúng tôi thấu hiểu, người đọc đã trở thành người đồng sáng tạo, người cuối cùng khẳng định giá trị của sách, người phản biện vô tư, trung thực, thông minh để hoàn thiện hơn nữa giá trị của sách trong cuộc đời.

Với trải nghiệm của mình, chúng tôi, tuy đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, song vẫn luôn nghĩ trăn trở đến tương lai của sự nghiệp xuất bản nước nhà. Cơ hội lớn đã và đang đến, chắc chắn là như vậy, thách thức cũng thực sự gay gắt và ngày càng phức tạp. Mong lắm, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, xin được quan tâm hơn nữa, sâu sát hơn nữa, xây dựng một chiến lược phát triển xuất bản, nghiên cứu và thực hiện những đột phá chiến lược để xuất bản khắc phục bằng được những hạn chế, khuyết điểm và những điểm nghẽn trong hoạt động xuất bản, để tạo cho xuất bản một bước phát triển bền chặt trong tương lai. Chúng tôi nghĩ tới một diện mạo mới về quy mô, mô hình, thể chế, chính sách mới - thông thoáng và phù hợp với yêu cầu đặc thù của xuất bản hiện đại.

Các từ ngữ trên không phải là lý thuyết, là phô trương, mà là yêu cầu thực tiễn vì sự phát triển của xuất bản nước nhà trong tương lai. Trong giới hạn của tuổi tác và sức lực, những người đã và đang hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực xuất bản nguyện cố gắng góp phần nhỏ sức lực của mình, đồng hành cùng thế hệ trẻ hôm nay và tương lai vì sự nghiệp xuất bản của nước nhà.

Ngành xuất bản tạo diện mạo mới từ cách mạng công nghệ

Theo diễn văn của ông Trần Thanh Lâm ngày 10/10, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng đổi mới.

Kinh tế xuất bản phải trở thành kinh tế - công nghệ hiện đại

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại.

GS.TS Đinh Xuân Dũng

Bạn có thể quan tâm