Dù Hy Lạp hiện đang tiếp tục áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cải cách kinh tế, và đã được các chủ nợ quốc tế cho giãn nợ, nhưng triển vọng của đồng euro vẫn không mấy sáng sủa.
Mặc dù Hy Lạp đóng vai trò không lớn trong nền kinh tế toàn cầu và chỉ đóng góp khoảng 2% vào nền kinh tế châu Âu, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài nhiều năm qua đã khiến quốc gia này kiệt quệ, kéo theo sự trượt giá thảm hại của đồng euro so với các loại tiền tệ thông dụng khác như USD, bảng Anh, yên Nhật...
Euro trượt dốc
Bộ ba chủ nợ quốc tế là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải nhượng bộ hoãn trả nợ cho Hy Lạp giằm giúp quốc gia này có thể tiếp cận với gói cứu trợ và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin Telegraph, con đường ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của Hy Lạp chỉ là “đường một chiều”. Như một hiệu ứng domino, đồng tiền euro trượt dốc liên tiếp, có thời điểm chạm mức đáy trong vòng 11 năm qua.
Đồng euro lao dốc sau khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp. |
Theo niêm yết của Ngân hàng HSBC, tại thời điểm hiện tại, giá 1 euro tương đương 1,0569 USD (mua vào) và 1,0993 USD (bán ra). So với tiền đồng Việt Nam, giá 1 euro hiện đổi được 23.094 VND (mua vào) và 23.908 VND (bán ra).
Tờ Wall Street Journal cho rằng, ít ai có thể lường trước được việc đồng euro lại mất giá nhanh và mạnh đến vậy trong thời gian từ đầu năm đến nay. Thời kỳ hoàng kim của đồng tiền này là vào năm 2008 khi 1 euro đổi được 1,6 USD, và 1 euro “ăn” tới gần 30.000 VND. Tính từ đầu năm tới nay, đồng euro đã mất giá hơn 11% so với USD, và gần 10% so với VND.
Tốc độ mất giá mạnh này của đồng tiền chung châu Âu cho thấy tác động mạnh mẽ từ chương trình mua vào trái phiếu khổng lồ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu hôm 9/3. Đây là chương trình được Chủ tịch ECB Mario Draghi khởi xướng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống nguy cơ suy thoái và chống giảm phát. Trước đó, vào năm ngoái, ECB đã cắt giảm lãi suất tiền gửi về dưới 0% lần đầu tiên trong lịch sử.
Những nỗ lực này của ECB đã đẩy lãi suất trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone giảm xuống và khiến các nhà đầu tư thoái vốn khỏi các tài sản ở khu vực này để tìm kiếm những thị trường có mức lợi nhuận cao hơn.
Tương lai u ám của đồng euro
Mới đây, Ngân hàng Đức Deutsche Bank cắt giảm dự báo tỷ giá đồng euro xuống còn 1 euro đổi 1 USD trong thời gian từ nay tới cuối năm, từ mức dự báo 1,05 USD đưa ra trước đó. Theo ngân hàng này, đồng euro sẽ tiếp tục mất giá xuống mức 0,85 USD “ăn” 1 euro trong thời gian đến năm 2017.
Tháng trước, ngân hàng Anh Barclays giảm dự báo tỷ giá đồng euro vào cuối năm xuống còn 1 euro đổi 1 USD từ mức 1,07 trước đó. TD Securities thậm chí còn cho rằng, 1 euro chỉ còn đổi được 0,96 USD vào tháng 12 năm nay.
Biểu đồ cho thấy sự sụt giảm của đồng euro so với USD trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2011. |
Nhiều chuyên gia dự báo trước về việc đồng euro sẽ mất giá so với đồng USD trong năm nay, trong đó không ít người nhận định tỷ giá đồng tiền chung châu Âu so với đồng bạc xanh sẽ giảm còn 1 USD “ăn” đúng 1 euro trong những năm tới.
Tuy nhiên, phát biểu trên kênh thông tin tài chính CNBC, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho rằng, giá trị của đồng euro không thể đảo ngược.
Ông Mario Draghi cho biết sẽ sớm nới lỏng định lượng tiền tệ để đối phó nguy cơ giảm phát. Dù ECB đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời mua một lượng trái phiếu do các công ty tư nhân phát hành, nhưng một chương trình nới lỏng định lượng toàn diện vẫn chưa được triển khai. Mục đích của chính sách nới lỏng định lượng là nhằm bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng, kích thích nền kinh tế và đẩy giá cả lên cao.
Đồng tiền chung euro đã giảm hơn 12% so với đồng USD tính từ đầu năm nay. Nguyên nhân là do chương trình mua lại trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và những dự đoán về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Đồng euro giảm giá quá nhanh khiến các phân tích của chuyên gia không theo kịp. Deutsche Bank nhận định đồng euro sẽ xuống mức 0,85 USD/euro sau 2 năm nữa. Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra sớm hơn.
Chuyên gia chiến lược Peter Kinsella của ngân hàng Commerzbank cho rằng có 20% khả năng đồng USD sẽ trở nên ngang giá với đồng euro trong vòng 3 tháng tới trên thị trường kỳ hạn. Khả năng này trong 6 tháng tới là 36,4% và trong 1 năm tới là 50%.
Cách đây 2 tháng, Goldman Sachs đã hạ dự đoán thời điểm đồng USD ngang bằng giá đồng euro từ cuối năm 2017 xuống cuối năm 2016. Hiện tại, hãng này lại tiếp tục điều chỉnh dự đoán nhưng chưa công bố chính xác thời điểm.
Lịch sử của đồng euro
Ngày 7/2/1992 tại Hà Lan, hiệp ước matric được ký kết đặt nền móng cho việc thành lập một liên minh tiền tệ chung ở châu Âu. Sau gần 7 năm thảo luận, cuối cùng đồng tiền chung châu Âu – euro đã được ra đời vào ngày 1/1/1999.
Các quan chức châu Âu đã gọi đây là một thời khắc lịch sử của lục địa già, dù ở thời điểm đó đồng euro vẫn là một khái niệm khá mơ hồ với nhiều người dân vẫn còn đang sử dụng đồng franc, hira hay mác Đức.
Những năm tiếp theo đánh dấu sự háo hức và lạc quan của người dân châu Âu đối với đồng tiền mới. Và đến nửa đêm ngày 31/12/2001, họ đã đổ xô đi đến những máy rút tiền để lần đầu tiên được cầm trên tay những tờ tiền euro giấy. Nhưng khoảng hơn 10 năm sau họ lại phải chứng kiến cuộc khủng hoảng trong khối eurozone.
Kể từ khi hình thành vào năm 1999, đồng euro đã ở mức cao và được xem là một trong những loại tiền tệ mạnh trong rổ các loại tiền tệ phổ biến trên thế giới. Tỷ giá euro chạm đỉnh 1,6038 USD/euro vào giữa năm 2008, và giữ ổn định ở mức giá này trong thời gian dài. Sau đó, và giảm dần từ cuối năm 2000.
Theo như số liệu khảo sát trên thị trường cho thấy, các quỹ đầu tư và các nhà đầu cơ lớn đang mất niềm tin vào euro khi đồng tiền này ngày càng suy yếu, trong khi kỳ vọng vào đồng bạc xanh (USD) đang tăng lên, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ nâng lãi suất trong năm nay.