Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế rút tiền, kiểm soát sự di chuyển vốn vẫn được duy trì. Đây là nghị định đầu tiên được ban hành sau khi chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cải tổ, RFI đưa tin.
Việc đóng cửa các ngân hàng từ ba tuần qua đã gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề. Các ngân hàng hoạt động trở lại từ ngày 20/7, nhưng việc rút tiền mặt vẫn bị hạn chế ở mức 60 euro mỗi ngày và 420 euro mỗi tuần. Lệnh cấm chuyển tiền ra nước ngoài vẫn có hiệu lực.
Những biện pháp hạn chế này, đặc biệt là cấm chuyển tiền ra nước ngoài, được thiết lập từ ba tuần qua, với mục đích ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Hy Lạp, cho dù được Ngân hàng trung ương châu Âu giúp đỡ khẩn cấp, cung ứng thanh khoản.
Các ngân hàng mở cửa trở lại, nhưng việc rút tiền mặt vẫn bị hạn chế. |
Tuy nhiên, nghị định có nới lỏng một số hạn chế, như cho phép chuyển tiền ở một mức độ nhất định, đối với những người đang chữa bệnh ở nước ngoài, hoặc sinh viên đang học ở ngoại quốc.
Theo báo chí Hy Lạp, các hạn chế nói trên đã làm cho nền kinh tế nước này bị thiệt hại khoảng 3 tỷ euro, đó là chưa kể đến những tổn thất đối với ngành du lịch.
Hy Lạp đang trong mùa bán hạ giá. Bình thường ra, giai đoạn này thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, bán lẻ. Thế nhưng, năm nay, mùa hạ giá coi như thảm bại, vì người dân không có tiền. Các hoạt động nhập khẩu cũng bị đình đốn vì không thể chuyển tiền thanh toán cho bên xuất.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Athens cho biết, hiện có 4.500 container hàng hóa bị giữ tại cảng trong khi chờ đợi các thủ tục thanh toán.
Tình hình tài chính Hy Lạp vẫn rất căng thẳng. Chắc chắn Athens sẽ được viện trợ khẩn cấp 7 tỷ euro, nhưng con số này không thấm vào đâu, vì ngay từ ngày mai, 20/07, Hy Lạp phải thanh toán 4 tỷ euro cho Ngân hàng trung ương châu Âu và một khoản nợ không nhỏ khác cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Athens hy vọng kế hoạch trợ giúp lần thứ 3 khoảng 80 tỷ sẽ nhanh chóng được thực hiện trước ngày 20/8, thời điểm Hy Lạp phải trả một khoản nợ lớn cho Ngân hàng trung ương châu Âu.