Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Động đất cực đại ở Việt Nam có thể tới 7 độ richter

Năm 1983, ở Tuần Giáo từng ghi nhận trận động đất 6,8 độ richter. Vùng có động đất mạnh nhất được xác định nằm ở khu vực Tây Bắc.

Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra động đất tại nhiều vùng trên cả nước. Ngoài khu vực Bắc Trà My (Quảng Nam) còn có khu vực Sơn La. PGS TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam cho biết, Sơn La là vùng có động đất tương đối mạnh.

Chúng ta đã ghi nhận trận 6,8 độ richter tại Tuần Giáo (Điện Biên) năm 1983, tương đương độ lớn động đất ở Kobe, làm chết 4.400 người. Đứt gãy Tuần Giáo, đứt gãy Điện Biên - Lai Châu nằm trong khu vực Tây Bắc, có khả năng phát sinh động đất mạnh. Khi xây dựng thủy điện tại các vị trí ấy, người thiết kế phải tính đến khả năng kháng chấn.

khu vực bắc trà my thường xuyên xảy ra động đất
Khu vực Bắc Trà My thường xuyên xảy ra động đất.

Theo TS Phương, Việt Nam có thể có động đất cực đại lên tới 7 độ richter. Vùng có động đất mạnh nhất nằm ở khu vực Tây Bắc. Các nhà khoa học đã dùng mô hình xác suất thống kê để ước lượng khả năng động đất cực đại, có thể lên tới 7 độ tại vùng Tây Bắc.

Động đất Việt Nam thường xảy ra theo quy luật rất rõ ràng là thường phát sinh trên những đứt gãy đã biết. Tuy nhiên theo ghi nhận thường là động đất nhỏ và nông. Các động đất này xảy ra ở miền Trung, đặc biệt là xung quanh Bắc Trà My, do hoạt động tích nước của thủy điện sông Tranh 2.

Về nguy cơ động đất xảy ra sóng thần, TS Phương khẳng định, trên thềm lục địa Việt Nam có đới đứt gãy chạy dọc suốt cả dải bờ biển miền Trung, có tên gọi kinh tuyến 109 độ. Đây là đới đứt gãy từ lâu, có khả năng phát sinh động đất, đồng thời là nguồn động đất có thể gây ra sóng thần.

Còn trên biển Đông xác định 9-10 nguồn có khả năng gây ra sóng thần tác động trực tiếp đến Việt Nam. Nguồn nguy hiểm nhất nằm ở phía Tây của Philippines, gọi là máng biển sâu Manila.

"Nếu xảy ra sóng thần thì chỉ từ 15-30 phút sẽ tấn công vào bờ biển miền Trung. Tuy nhiên nó không nguy hiểm như các nguồn mạnh khác", ông Phương nhấn mạnh.

Trong trường hợp này, ở Núi Thành (Quảng Nam) nước biển dâng 22m, Nha Trang 14m. Ở Hòn Dấu, phải mất 8 giờ mới truyền đến, độ cao sóng chỉ khoảng 3m. Tại Đà Nẵng, sau 3 giờ sóng thần sẽ tấn công, độ cao sóng hơn 10m...

 

Đang nghiên cứu khả năng động đất, sóng thần tại Ninh Thuận

Liên quan tới khu vực sắp xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, các nhà khoa học Nga, Nhật đều cho rằng, khu vực này không có đứt gãy hoạt động, là vùng an toàn địa chấn. Tuy nhiên, các nhà địa chất Việt Nam vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát khả năng các vùng phía dưới bị phá hủy. Những vùng có nguy cơ sóng thần phải xây dựng các bức tường chắn sóng có độ cao vượt quá độ cao dự đoán để bảo vệ nhà máy. 

TS Phạm Hồng Phương

 

 

 

Thanh Tuyền

Bạn có thể quan tâm